Căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi

Một phần của tài liệu Quan hệ cha mẹ nuôi - con nuôi theo pháp luật Việt Nam hiện nay (Trang 61 - 64)

Quan hệ cha mẹ nuôi – con nuôi được xác lập trên cơ sở ý chí, tình cảm, nguyện vọng của các bên chủ thể trong quan hệ nuôi con nuôi và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận qua thủ tục đăng ký nuôi con nuôi. Tuy nhiên, vì một số lí do nhất định, quan hệ nuôi con nuôi chấm dứt và kéo theo hệ quả là quan hệ cha mẹ nuôi – con nuôi cũng mất đi.

Điều 25 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định các căn cứ chấm dứt quan hệ cha mẹ nuôi - con nuôi như sau:

- Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Nuôi con nuôi. Khi giữa cha, mẹ nuôi và người con nuôi đã thành niên không muốn tiếp tục quan hệ nuôi con nuôi, mong muốn chấm dứt quan hệ đó một cách tự nguyện, không bên nào cưỡng ép bên nào thì Tòa án có quyền ra quyết định chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi giữa họ với nhau. Quy định như vậy thể hiện quyền tự do thể hiện ý chí,tự do định đoạt, tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình đối với người đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Song thiết nghĩ quy định đó có phần không phù hợp với bản chất và mục đích của việc nuôi con nuôi. Bời vì có thể dẫn đến tình trạng chấm dứt việc nuôi con nuôi một cách dễ dàng và không bảo đảm được sự bền vững trong quan hệ nuôi con nuôi.

- Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Nuôi con nuôi. Việc nuôi con nuôi là sự thiết lập mối quan hệ giữa cha mẹ và con trên tinh thần tự nguyện, ý chí của mỗi bên, bảo đảm cho cha mẹ nuôi và người được nhận làm con nuôi được

hưởng sự thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau. Do vậy, khi người con nuôi có hành vi xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của cha, mẹ nuôi, ngược đãi hành hạ cha mẹ nuôi,... và bị Tòa án kết tội thì mục đích tốt đẹp của quan hệ nuôi con nuôi đã không đạt được và việc tiếp tục quan hệ nuôi con nuôi là không thể thực hiện được, làm thiệt hại đến quyền lợi của cha, mẹ nuôi. Khi đó, quan hệ nuôi con nuôi chấm dứt nhằm bảo vệ quyền lợi cho cha mẹ nuôi.

- Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Luật Nuôi con nuôi. Trong trường hợp này, việc thiết lập quan hệ cha, mẹ con giữa cha mẹ nuôi và con nuôi không đạt được mục đích tốt đẹp là do lỗi từ phía cha mẹ nuôi. Khi cha mẹ nuôi có các hành vi nêu trên, tức là mối quan hệ cha mẹ nuôi – con nuôi đã không được thực hiện đúng với bản chất của quan hệ cha mẹ và con là tình yêu thương, lòng nhân ái và bảo đảm được lợi ích của trẻ em được nhận nuôi. Pháp luật quy định đây là căn cứ chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi nhằm đảm bảo quyền lợi cho người con nuôi, tách người con nuôi khỏi môi trường có nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến nhân cách, lối sống, thể chất… của người con nuôi.

- Việc nuôi con nuôi sẽ chấm dứt khi có hành vi vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật Nuôi con nuôi, cụ thể:

+ Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi đối với con nuôi, vi phạm mục đích tốt đẹp của việc xác lập quan hệ cha mẹ nuôi – con nuôi.

+ Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi. Việc giả mạo giấy tờ sẽ dẫn đến làm sai lệch nguồn gốc của đứa trẻ, điều này vi phạm nguyên tắc “bảo đảm quyền được biết về nguồn gốc của trẻ em”. Khi nguồn gốc của

trẻ bị làm sai lệch thì con nuôi không được biết nguồn gốc thật của mình. Việc làm sai lệch nguồn gốc của trẻ em còn nhằm mục đích của việc nuôi con nuôi được công nhận một cách nhanh chóng với những mục đích vụ lợi khác nhau. Ví dụ như trẻ em có thể xác định được cha mẹ đẻ nhưng lại làm giả hồ sơ của trẻ thành trẻ bị bỏ rơi để không cần lấy ý kiến của cha mẹ đẻ trong việc cho trẻ làm con nuôi. Những hành vi này có thể dẫn tới việc mua bán trẻ em, đưa trẻ em ra nước ngoài một cách trái phép.

+ Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi. Theo quy định của Luật Nuôi con nuôi và Luật HN&GĐ thì địa vị pháp lý của con đẻ và con nuôi trong gia đình cha mẹ nuôi là ngang nhau. Bất kể hành vi nào phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi đều không được chấp nhận và quan hệ cha mẹ nuôi – con nuôi đó sẽ chấm dứt theo quy định của pháp luật

+ Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số. Trường hợp này rất phổ biến trên thực tế, tuy mức độ vi phạm và tính chất không nghiêm trọng như những trường hợp trên, tuy nhiên điều này gây ảnh hưởng đến sự quản lý của Nhà nước về dân số và khiến cho việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các gia đình kế hoạch hóa gia đình không mang tính khả thi.

+ Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước. Việc lợi dụng làm con nuôi của những đối tượng này nhằm mục đích trục lợi cá nhân mà không nhằm xác lập xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững… nên không được pháp luật thừa nhận quan hệ cha mẹ nuôi – con nuôi.

+ Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi. Việc nhận con nuôi giữa những người này gây ra sự xáo trộn về trật tự trong gia đình, từ cách xưng hô, địa vị đến quyền và lợi ích của các bên trong mối quan hệ với nhau, từ đó cũng gây không ít khó khăn khi có tranh chấp xảy ra. Pháp luật đã dự liệu được điều đó nên không công nhận mối

quan hệ cha mẹ nuôi – con nuôi này.

+ Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Đây là các hành vi mà Luật nuôi con nuôi cấm vì các hành vi này trái với mục đích tốt đẹp trong việc xác lập quan hệ cha mẹ nuôi – con nuôi, không chỉ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người được nuôi, mà còn ảnh hưởng đối với chính sách của Nhà nước, truyền thống văn hóa của dân tộc. Vì vậy, việc quy định một trong những hành vi trên là căn cứ chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi là hợp lý và bảo đảm cho việc nuôi con nuôi đạt được mục đích “vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi….” [31].

Một phần của tài liệu Quan hệ cha mẹ nuôi - con nuôi theo pháp luật Việt Nam hiện nay (Trang 61 - 64)