Thúc đẩy kinh tế, xã hội, văn hóa Thăng Long – Kẻ Chợ cũng nhƣ Đàng Ngoài phát triển

Một phần của tài liệu Hoạt động thương nghiệp của thăng long kẻ chợ thế kỷ XVII (Trang 60 - 64)

Đàng Ngoài phát triển

Cùng với những hệ quả của việc mở rộng đô thành, sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa của Đàng Ngoài về các mặt sản xuất, trao đổi và lưu thông, là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự hứng khởi của Thăng Long trong những thế kỷ XVII, XVIII.

Trước hết, sự phát triển kinh tế biểu hiện ra ở khâu sản xuất hàng hóa, với sự phồn thịnh của các làng thủ công chuyên nghiệp. Nhiều làng ở xung quanh kinh thành Thăng Long là những làng chuyên thủ công. Chúng ta có thể kể đến: “cụm các làng La Khê, La Cả, La Nội (Sơn Nam) dệt the lụa, Vạn Phúc (Sơn Nam) dệt gấm; Phùng Xá (Sơn Tây) dệt lụa; các làng Hương Canh, Thổ Hà, Phù Lãng (Kinh Bắc) và Đinh Xá (Sơn Nam) làm đồ gốm; các làng Đại Bái, Đề Cầu, Đông Mai (Kinh Bắc) đúc và làm đồ đồng; Đào Xá (Hải Dương) làm quạt, thợ vàng bạc ở Đồng Sâm, Đình Công (Sơn Nam), thợ tiện ở Nhị Khê (Sơn Nam), thợ sơn ở Hà Vĩ. Bình Vọng (Sơn Nam); thợ da ở làng Trúc Lâm, Phong Lâm, Văn Lâm (Hải Dương); thợ thêu ở Quất Động (Sơn Nam)... [6, Tr. 11-12]. Ở ngay ven kinh thành

Thăng Long, các trung tâm thủ công nghiệp cũng tăng cường hoạt động, như các làng gốm Bát Tràng, dệt lĩnh ở Trích Sài và Bái Ân, làm giấy ở Yên Thái, Hồ Khẩu và Nghĩa Đô.

Sự gia tăng sản xuất dẫn đến sự gia tăng trao đổi hàng hóa, thể hiện trong việc mở rộng mạng lưới chợ - phố. Trong thời kỳ này, thương nghiệp là ngành kinh tế phát triển nhất ở Thăng Long. Nhờ có sông ngòi thuận tiện, việc liên hệ kinh tế giữa kinh thành Thăng Long với các địa phương ngày càng chặt chẽ. Những thuyền buôn từ Thanh Hóa - Nghệ An và các trấn ở miền Nam ra kinh thành, cũng như các thuyền buôn từ mạn ngược về kinh thành, luôn luôn có hàng ngày. Việc buôn bán trên sông Hồng lúc ấy thật là nhộn nhịp. Giáo sĩ Richard ở thế kỷ XVIII, cũng rất ca ngợi cảnh buôn bán sầm uất trên bến sông Hồng ở kinh thành Thăng Long ở thế kỷ XVII “Số lượng thuyền bè lớn lắm, đến nỗi rất khó mà lội được xuống bờ sông: những sông, những bến buôn bán sầm uất nhất của chúng ta (Âu châu), ngay thành phố Vơnidơ (Venise) nữa với tất cả những thuyền lớn thuyền nhỏ của nó cũng không thể đem đến cho người ta được một ý niệm về sự hoạt động buôn bán về dân số trên sông Kẻ Chợ” [9, Tr. 72].

Sông Tô Lịch lúc ấy cũng là nơi thuyền bè buôn bán ra vào tấp nập. Phường Hà Khẩu (phố Hàng Buồm hiện nay) ở ngay trên ngã ba sông Tô, sông Hồng trở nên rất sầm uất, nhiều hiệu buôn của người ngoại quốc đều tập trung ở đây. Hồ Tây khi ấy còn ăn thông với sông Tô, nên những phường ở trên bờ hồ như phường Nhật Chiêu, phường Tây Hồ đều thuyền bè sầm uất.

Sự buôn bán ở Thăng Long càng thịnh vượng thì dân số càng tăng, phố phường đông đúc. Sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa Đàng Ngoài, mà chủ yếu là ở các trấn xung quanh Thăng Long, về các mặt sản xuất, trao đổi và lưu thông, đã là một sự hưởng ứng rất kịp thời đối với những nhu cầu mỗi ngày một tăng của Thăng Long, tạo nên nền móng cơ bản và tiền đề kinh tế để duy trì và thúc đẩy sự phồn vinh của Thăng Long tới một bước cao hơn.

Đời sống văn hóa - giáo dục của Thăng Long trong thời kỳ này phát triển hơn trước. Trường Quốc Tử Giám được xây dựng rộng lớn hơn và thường xuyên

nhận vào lưu trú những học sinh đã thi Hương trúng tuyển bốn kỳ, gọi là Giám sinh.

Cũng có nhiều trường tư do các danh nho, danh sĩ đương thời lập nên. Một trường tư ở Thăng Long được sử sách nhắc đến nhiều là trường Hào Nam của danh sĩ Vũ Thạnh. Việc thi cử vẫn được duy trì như các thời trước. Những kỳ thi cao cấp như thi Tiến sĩ, thi Minh kinh, thi Hoành từ, thi Đông các, v.v... đều tổ chức tại kinh thành Thăng Long. Chế độ thi ở thời Lê Trung hưng, cũng như thời Lê sơ, rộng rãi hơn thời Lý - Trần: quân lính cũng được đọc sách, được học, được thi. Vào khoảng cuối thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII con nhà hát xướng cũng được đi thi, được làm quan.

Dưới thời Lê Trung hưng, Phật giáo lại được phục hưng ở kinh thành Thăng Long và ở cả Đàng Ngoài. Vào khoảng giữa thế kỷ XVII, một số khá đông các tăng từ Trung Hoa đã qua Đại Việt hành đạo. Đây là một nguyên nhân quan trọng khiến cho Phật giáo ở nước ta phục hưng. Hồi đó, Đại Việt đang ở vào tình trạng chiến tranh liên miên, Trịnh - Nguyễn đã bắt đầu đánh nhau ở Quảng Bình và Hà Tĩnh (1627-1672).

Sau gần một thế kỷ bị loạn lạc, đầy rẫy bạo động, đức tin của các nhà chính trị đối với Tống Nho đã bị lung lay. Nhiều sĩ phu mặc dù theo đuổi cái học Tống Nho để tiến thân nhưng trong thâm tâm họ không thật sự tin tưởng vào những điển chế của đạo này. Trong nỗi đau khổ, trong sự giằng xé của nội tâm, người ta bắt đầu quay trở về với đạo Phật, một đạo đầy lòng từ bi, bác ái. Các chúa Trịnh không phải là những người học Phật uyên thâm và có ý chí tu học như các vua Trần, nhưng đã quy hướng về đạo Phật, lấy đó làm nơi nương tựa tinh thần.

Vào thời kỳ này, nhiều thiền sư nổi tiếng của Trung Quốc và Đàng Ngoài đến trụ trì và hoằng pháp tại Thăng Long, và vì thế, nhiều ngôi chùa nổi tiếng được trùng tu hoặc dựng lên ở đây.

Chúa Trịnh cũng cho tu tạo, sửa chữa nhiều ngôi chùa nổi tiếng khác ở Thăng Long như: Năm 1624, tu tạo thượng điện, tam bảo, trên đường của chùa Khai Quốc. Năm 1628, lại trùng tu nâng cấp một lần nữa và đổi tên là chùa Trấn

Quốc... Vào thời kỳ này, các chúa Trịnh, nhất là Trịnh Giang và Trịnh Sâm hầu như giữ độc quyền về chùa Trấn Quốc để chơi mát và thường sen... Năm 1687, sửa chữa lại chùa Hồng Phúc (tứ chùa Hòe Nhai). Năm 1771, chúa Trịnh Sâm cho xây dựng lại ngôi chùa Đại Bi ở phường Nghi Tàm bên Hồ Tây và cho đổi tên là chùa Kim Liên…

Trong khoảng thế kỷ XVII - XVIII, Đạo giáo cũng được phát triển ở Thăng Long và được vua chúa tôn trọng. Năm 1680, Trịnh Tạc cho trùng tu quán Trấn Vũ (vốn được xây năm 1102 đời Lý) và cuối năm 1681 cho đúc pho tượng thánh Trấn Vũ bằng đồng. Nguyên lúc mới dựng đền, tượng Trấn Vũ làm bằng gỗ, đến đây mới đúc tượng đồng thay vào. Tượng bằng đồng đen, cao 3,72 mét, nặng 4 tấn, đường chu vi phần dưới tượng đo được 8 mét. Tượng Trấn Vũ không đội mũ, để xõa tóc ra đằng sau, mặc áo đạo sĩ, chân đi đất, tay trái giơ lên bắt quyết trừ tà ma, tay phải chống kiếm xuống lưng một con rùa, trên lưỡi kiếm có con rắn leo xung quanh, rùa và rắn là biểu tượng cho thần trấn giữ phương Bắc.

Bên cạnh những tôn giáo có từ trước, tại kinh thành Thăng Long vào cuối thế kỷ XVI trở đi đã xuất hiện thêm một tôn giáo nữa: Ki tô giáo, do các giáo sĩ phương Tây đưa lại. Năm 1627, Giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes tới Thăng Long đã được hiệu buôn Mậu Tài cho mượn một ngôi nhà gạch để vừa ở, vừa tiếp khách, vừa làm nơi giảng đạo ông được yết kiến Trịnh Tráng và tặng cho chúa Trịnh một cái đồng hồ quả lắc có bánh xe, một hộp phấn thấm mực và một quyển sách toán pháp mạ vàng in gáy bằng chữ Nho. Trong 3 năm, ông cùng với cha Marquet, đã làm lễ tha tội cho 6.700 người. Sau đó, chúa Trịnh cho phép các giáo sĩ phương Tây được xây dựng nhà ở và nhà thờ ngay tại kinh thành Thăng Long. Riêng trong thế kỷ XVII, tại Thăng Long đã có tới 3 nhà thờ đạo Ki tô. Và từ đó trở đi, số giáo sĩ, số tín đồ Ki tô đã càng ngày càng đông, ở kinh thành Thăng Long cũng như các lộ, các trấn.

Về lĩnh vực khoa học và văn học - nghệ thuật, các hoạt động sáng tác ấn loát tại kinh thành Thăng Long vào các thế kỷ XVII, XVIII cũng diễn ra khá phong phú. Vào các năm 1665, 1676, 1775, những sử thân như Phạm Công Trứ, Hồ Sĩ Dương, Lê Hy, Nguyễn Quý Đức, Ngô Thì Sĩ, Phạm Nguyễn Du, Ninh Tốn,

Nguyễn Hoàn, Vũ Miền, Lê Quý Đôn đều lần lượt được giao cho tiếp tục biên soạn quốc sử thời kỳ nhà Lê.

Một phần của tài liệu Hoạt động thương nghiệp của thăng long kẻ chợ thế kỷ XVII (Trang 60 - 64)