trung đại Việt Nam
Chính lịch sử và sự thiên phú cùng làm nên một Thăng Long hội tụ. Sự hội tụ của Thăng Long càng dầy lên qua thời gian. Nhân tài hội tụ, giao lưu rộng mở. Hoạt động kinh tế của Thăng Long ngày càng phát triển, các phường phố được mở mang nhiều. Dấu ấn đặc biệt theo suốt từ thuở định đô cho mãi tới giờ là việc hình thành phường hội.
Chẳng biết từ đâu câu truyền khẩu “buôn có bạn, bán có phường” lại phù hợp đến thế đối với đất Thăng Long. Trên vùng đất Thăng Long các phường hội in đậm tính chất nghề nghiệp hơn là tính chất hành chính.
Từ thời Lý, Trần ở hai bên tả hữu hoàng thành đã lập nên khu vực kinh tế. Lịch sử còn ghi thời ấy có 61 phường, những tên phường tôn vinh người có công đồng hành bên cạnh những tên phường ngành nghề thuần túy. ở Thăng Long thời kỳ này phường ngành nghề thủ công có lẽ là những phường đông đảo nhất, hội đủ tinh hoa cả nước nhất. Cũng thời kỳ này nghề làm gốm phát triển rực rỡ bên cạnh nghề làm đồ đồng, nghề chạm bạc tạo nên nét tinh xảo tài hoa của người Thăng Long. Nét đặc biệt nữa là chính các phường ngành nghề thủ công ấy lại là nơi vừa sản xuất vừa trực tiếp buôn bán cho người tiêu thụ. Quan hệ giữa thủ công và kinh tế hàng hóa tuy còn nặng tính tự cung, tự cấp nhưng đã khẳng định Thăng Long không chỉ là kinh đô mà còn có một Thăng Long kinh tế đa dạng, phong phú và đại diện cho mọi miền trong cả nước.
Đến nhà Trần (1225-1400) vẫn giữ nguyên 61 phường. Từ một định danh chỉ nghề nghiệp, phường còn chuyển nghĩa sang chỉ một đơn vị hành chính cấp cơ sở vì có lý do của nó. Do thương nghiệp, thủ công nghiệp, nông nghiệp phát triển, các phường hội hoạt động mang tính chuyên nghiệp cao, tập trung đông đúc trong một địa bàn, nên các phường kiêm luôn chức năng chỉ đơn vị hành chính cấp cơ sở.
Thời Lê chỉ còn lại 36 phường. Suốt thời Lê, chỉ ở kinh đô Thăng Long có 2 huyện, mỗi huyện đều 18 phường. Còn các huyện khác trong nước chỉ gồm các
thôn, xã, hương, trang...không có phường. Thời nhà Lê (thế kỷ XV – XVIII) thuật ngữ phường ngoài nghĩa chỉ tổ chức của những người làm cùng một nghề (phường buôn, phường thợ, phường tuồng, phường chèo...) còn là đơn vị hành chính cấp cơ sở của kinh thành Thăng Long. Trong cuốn “tự vị cổ” xuất bản năm 1772, P. Berhiane cũng chữa nghĩa “phường” là “hội” hay “phố phường” là “nơi có cửa hàng buôn bán”.Về sau, khái niệm này có sự chuyển nghĩa để chỉ “khu các nhà cùng làm một nghề ở với nhau”. Theo từ điển Tiếng Việt thì “phường” là tổ chức của thợ thủ công cùng nghề hoặc của nhà buôn cùng buôn một thứ hàng trong xã hội phong kiến.
Gốc tích của phường hội có lẽ là chợ quê: Chợ quê nơi đáp ứng nhu cầu (thị trường) của tuyệt đại đa số dân cư nước ta trong xã hội truyền thống. Đó là nơi giao lưu hàng hoá cho người dân trong một làng và giữa các làng trong một vùng không gian tương thích với sự luân chuyển hoạt động của các phiên chợ, được duy trì lâu bền thành tập quán từ đời này sang đời khác. Làng xã và phương thức sản xuất tiểu nông khiến cho sản vật lưu thông cũng như nhu cầu tiêu thụ không lớn, thậm chí rất nhỏ. Trong chợ có cả nơi cho những người vừa cất vó được mẻ tép, ra vườn ngắt hái ít hoa quả, hay lên rừng kiếm được gánh củi… mang thẳng đến chợ bán để rồi lại mua ngay những thứ cần thiết (tuy có dùng tiền nhưng quan hệ trao đổi gần như là hàng đổi hàng).
Do vậy, những người có chung mặt hàng tự tìm đến nhau để tạo thành một không gian để thu hút những khách hàng đang có nhu cầu về mặt hàng đó. Yếu tố cạnh tranh không đáng kể so với tâm lý cộng đồng muốn dựa cậy nhau, vốn sâu sắc trong đời sống làng xã. Nói một cách hình tượng thì nền kinh tế hàng hoá chưa đủ mạnh để công phá các làng xã, tế bào của xã hội truyền thống Việt Nam, mà ngược lại nó lại nhuốm màu làng xã.
Với sự ra đời của các đô thị (nơi mà phần “thị” với hoạt động thương mại chủ yếu dựa cậy vào sự tụ cư cùng nhu cầu của bộ máy hành chính - phần “đô”), kinh tế hàng hoá có phần được kích thích nhưng sức sống của nó vẫn gắn chặt cái cuống rốn vào gốc gác làng quê . Nó chỉ là sự “phình ra” của những làng nghề hay những nghề thủ công vốn có khi tìm ra một thị trường mới. Nhân tố phường hội xuất phát từ các làng nghề truyền thống trở thành nhân tố cấu thành cấu trúc các đô thị. Các “hàng” (phố) xuất hiện và phát triển mà tên gọi ban đầu có thể là tên phường gốc (gắn với tên làng) về sau thì gọi theo tên sản vật (hàng hoá) khi nó được bổ sung thêm những nguồn hàng (người kinh doanh) ngoài phường hay đến từ nơi khác…
Nói tóm lại, Thăng Long 36 phố phường có thể hiểu là những hiệp hội ngành nghề từ các láng nghề hội tụ lên Thăng Long, liên kết với nhau một cách tự
nguyện, tự tạo thành những mạng lưới hàng ngang. Dựa vào sự hỗ trợ trên cơ sở tin cẩn với nhau mà cùng nhau làm ăn, tại nên sức cạnh tranh, phát triển
Khảo sát Thăng Long – Kẻ Chợ thế kỷ thứ XVII, thấy rất rõ điều đó. Bên cạnh các “hàng phố” là nơi buôn bán một loại sản vật đặc trưng, lúc đầu là của một phường hội nhất định (Nhiều nơi có cả đền hay đình thờ vọng thành hoàng của làng gốc). Về sau, quy tụ cả người ở nơi khác đến cùng kinh doanh mặt hàng đó. Rõ ràng, tính chất sản xuất nhỏ khiến cho sự cạnh tranh chưa quyết liệt nếu so với lợi ích thu hút khách hàng đến một nơi
Nó cũng diễn ra ở những đô thị lâu đời như Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương… cho đến Thanh Hoá, Nghệ An… rồi Huế. Nhưng dường như đi về phương Nam cho đến Thành phố Hồ Chí Minh thì nét đặc trưng ấy nhạt dần. “Ganh” được với người Bắc dường như chỉ có dân xứ Quảng (mở rộng cho đến Bình Định). Nhưng dân xứ này lại mạnh về kinh doanh sản xuất lớn, họ mở xưởng nhiều hơn mở cửa hàng…
Các phường đời Lê chia làm 3 loại: phường làm nghề nông (phần lớn thuộc huyện Quảng Đức), phường thợ thủ công và phường buôn bán (phần lớn thuộc huyện Thọ Xương).
Các phường làm nghề nông thường vẫn giữ nguyên địa danh và địa giới cho tới nay: phía bắc có các phường: Yên Hoa (nay là Yên Phụ), Nghi Tàm, Quảng Bá, Tây Hồ, Nhật Chiêu (nay là Nhật Tân); phía tây có các phường Xã Đàn, Thịnh Quang, Nhược Công (nay là Thành Công); phía nam có Kim Hoa (nay là Kim Liên), Đông Tác, Quan Trạm.
Các phường buôn và phường thợ thủ công đan xen vào nhau, tập trung nơi hợp lưu sông Hồng và sông Tô. Phường thợ thủ công được phân bố theo 2 dạng: biệt lập theo ngành nghề và ở xen kẽ với các phường buôn. Theo kiểu biệt lập, vùng Bưởi có 5 phường: Bái Ân, Trích Sài dệt lụa, dệt gấm; Yên Thái, Hồ Khẩu làm giấy; Võng Thị nấu rượu, trồng hoa. Theo dạng xen kẽ, vừa hành nghề vừa sản xuất (tự sản tự tiêu). Thợ tiện ở làng Nhị Khê (trấn Sơn Nam) tập trung ở phường Đông Hà dưới (tách ra từ phường Đông Hà trên ở chỗ cửa ô Quan Chưởng) lập ra phố Hàng Tiện. Thợ đúc bạc ở Trâu Khê (trấn Hải Đông) quy tụ ở phường Đông Các lập ra phố Hàng Bạc. Thợ nhuộm màu ở Đan Loan (trấn Hải Đông) tập hợp ở phường Thái Cực lập ra phố Hàng Đào.
Vào năm 1778, dưới mắt người phương Tây thì: Kinh thành được chia thành nhiều phường, mỗi phường có một nghề nghiệp riêng và một phường trưởng, tạo thành những cộng đồng có công việc sát cánh và những luật riêng cho mình. Một mô tả của sĩ quan Hocquard cho thấy tính chất của hoạt động kinh tế điển hình này của Hà Nội vào hồi thế kỷ XIX: “Cửa hàng được đặt trong một nhà tranh, gần giống như một cái nhà kho lớn, mặt trông ra phố. Ngôi nhà tranh đó được chia
thành hai gian theo chiều dài, ngăn bằng một vách liếp. Cửa hàng và xưởng thợ ở gian trông ra đường. Còn gian bên trong vách, được bố trí làm phòng ở của gia đình” [6, Tr. 205]
Cùng với sự phát triển của các làng nghề thủ công ở nông thôn, ở đô thị những thợ thủ công đã tổ chức lại thành các phường hội. Trong “Dư địa chí” của
Nguyễn Trãi cho chúng ta biết rằng Thăng Long thời Lê sơ đã có 36 phường. Việc hình thành các phường hội sản xuất thủ công nghiệp mặt nào đó đã phản ánh mầm mống của nền kinh tế hàng hoá. Tuy nhiên, sang đầu thế kỷ XVI, chiến tranh giữa các phe phái phong kiến đã phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của thủ công nghiệp trong nhân dân.
Phường hội phương Tây là một tổ chức đặc trưng của thủ công nghiệp thời phong kiến ở châu Âu trong đó gồm những người cùng một ngành, một nghề, một thành phố và được tổ chức khá chặt chẽ, có quy củ, đứng đầu là trùm phường là người có uy tín, có thế lực, có tay nghề. Những người muốn vào phường trước hết phải ưu tiên con nhà dòng dõi đó, nếu là người ngoài thì bị thử thách và học việc trong thời gian dài và bị phân biệt nghiêm gọi là thợ cả - thợ bạn. Trong mỗi phường hội có một quy định sản xuất rất chặt chẽ bí kíp, kinh nghiệm, cách thức sản xuất. Còn ở Thăng Long – Kẻ Chợ phường hội chỉ tổ chức nhỏ bé, không có phân biệt khắt khe giữa thợ cả và thợ bạn, tổ chức còn chưa chặt chẽ, không có những quy định chung, khắt khe với hoạt động cũng như các thành viên trong phường hội. Nguyên nhân là do nền kinh tế vẫn mang nặng tính chất nông nghiệp, mang nặng tính chất gia đình lỏng lẻo, không gò bó. Những người học việc có thể giúp việc cho gia đình một thời gian là có thể học việc.
Những người thợ hành nghề chủ yếu trong khuôn khổ một nền tiểu thủ công gia đình, sau đó có kết hợp thêm một số lao động làm thuê và thợ học việc. Thợ làm thuê được phân loại theo trình độ chuyên môn, được trả lương công nhật và có cơm nuôi, còn thợ học việc thì không được trả công phải giúp đỡ gia đình như con em trong nhà.
Các chủ giày dép về cơ bản độc lập trong sản xuất và kinh tế. Mặt khác họ cũng tổ chức thành phường (nhưng không chặt chẽ) đóng góp tiền quỹ hàng năm và bầu phường trưởng, tập trung đền thờ các vị tổ nghề. Ở ngõ Hài Tượng số nhà 16 có đền thờ tổ nghề Nguyễn Thời Trung của dân làng Phong Lâm, số nhà 40 ngõ hàng Hành có đình thờ các ông Phó Đức Chính, Nguyễn Sĩ Bân, Phạm Thuần Chính của dân làng Văn Lâm. Tuy nhiên, đó chỉ là những liên họ chủ yếu về mặt tinh thần trong việc cúng giỗ của một cộng đồng cư dân cùng một làng quê gốc và có chung những vị tổ nghề.
Như vậy, các phường có phố làm bộ mặt kinh doanh và các phố buộc phải gắn với phường cùng nghề nghiệp và mặt hàng chuyên doanh của mình. Ở những
làng quê gốc, có người ra kinh thành làm ăn, sinh sống cũng gắn bó riêng với từng phố, từng phường. Do đó, bộ máy quản lý phường cũng không khác xã thôn.
Nói chung, phường hội ở Thăng Long – Kẻ Chợ là hình thức tổ chức sản xuất phát triển, nhờ đó mà năng suất lao động ngày càng tăng. Nó là một minh chứng cho sự phát triển của sản xuất, đặc biệt là sản xuất thủ công nghiệp đã tách rời hẳn nông nghiệp, phát triển lên một trình độ mới. Tạo tiền đề cho hình thức sản xuất cao hơn ra đời, góp phần vào việc nảy sinh mầm mống chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam nói chung và Thăng Long – Kẻ Chợ nói riêng.