Thế kỷ thứ XVII, là giai đoạn hậu mô hình của chế độ phong kiến nhà nước quan liêu Việt Nam, bộc lộ một độ chênh và sự xung đột ngày càng gia tăng giữa mô hình thiết chế - hệ tư tưởng truyền thống chật hẹp với một thực thể đời sống kinh tế – văn hóa sôi đông đã vượt khỏi những khuôn mẫu cũ.
Đường lối chung thể hiện trong các cơ chế chính sách đối với nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là nền kinh tế Thăng Long – Kẻ Chợ của nhà nước phong kiến nhà Lê – Trịnh là một quan điểm, thái độ chiết trung, thỏa hiệp mang tính nước đôi giữa giáo điều và thực dụng, chuyên chế xiết chặt, giữa khai phóng mở rộng và dung dưỡng một nền sản xuất – buôn bán nhỏ, đồng thời kìm hãm những hoạt động của nền sản xuất, buôn bán lớn, thiếu nhất quán và không dứt khoát.
Trước những chuyển biến của tình hình trong nước, sự phát triển của kinh tế hàng hóa của các vùng chung quanh và đô thị Thăng Long – Kẻ Chợ, trước những nhu cầu kinh tế và quân sự phục vụ cuộc chiến (tiền tệ, vật liệu chiến tranh, thành lũy…), nhà nước phong kiến đã buộc điều chỉnh, “xét lại”, đổi mới các chính sách kinh tế bó buộc trước kia, để phá cách, tự do hóa phần nào các hoạt động kinh tế, buôn bán dân gian, khuyến khích, mở cửa đối với kinh tế đối ngoại theo nhưng quan điểm trọng lợi, thực dụng.
Theo sử cũ ghi nhận, một số chính sách cải cách, mở cửa đã đem lại những kết quả tích cực. Hàng hóa lưu thông, vật giá bình ổn, đời sống nhân dân được cải thiện, một số bộ phận thương nhân trở nên khá giả, giàu có; trong xã hội nảy sinh tâm lý theo nghề buôn, chạy chợ.
Điều đó dưới con mắt của quan liêu, nho sĩ giáo điều bảo thủ, có thể được coi như một mối đe dọa đối với trật tự xã hội đương thời và những thiết chế - tư tưởng chính trị chính thống. Nhà nước phong kiến trước những sức ép và sự mất đi nguồn lợi từ thuế khóa, đã trở thành chính sách: “trọng nông ức thương”, “trọng bản ức mạt” cũng mang tính khắc nghiệt, gọi là “theo ý theo người xưa không thể bỏ được”. Chính quyền đã quay về chủ nghĩa nhà nước cực quyền toàn trị về mặt kinh tế, tái lập hệ thống tuần ti, gia tăng và tận thu thuế má, độc quyền buôn bán với nước ngoài. Ở đây trong điều kiện vắng mặt một tầng lớp doanh nhân có thế lực mạnh về kinh tế, nhà cầm quyền, được tầng lớp quan liêu nho sĩ vừa ủng hộ vừa khống chế, vốn là những nạn nhân, vừa là những tù binh của một hệ tư tưởng thủ cựu và lỗi thời, lại trở thành những thủ phạm và tòng phạm gây phương hại và cản trở sự phát triển kinh tế đô thị Thăng Long – Kẻ Chợ. Thái độ nước đôi của những người hoạch định chính sách lúc này, chỉ dẫn đường đến vòng luẩn quẩn mà không tạo được chuyển biến về chất mang tính đột phá.
Nói về tính chất một chiều thì trong ngoại thương thời kỳ này là biểu hiện rõ nhất và đặc trưng nhất. Xét qua tình hình những khách buôn bán đến nước ta thời đó, và tình hình Việt Nam thời đó như vậy thì thấy quả là một cuộc giá nghĩa bất đồng. Tình hình kinh tế trong nước không ở trạng thái nhiều sản phẩm cần được tiêu thụ. Rất nhiều khi lái nước ngoài phải an đợi nằm chờ rất lâu mới có được một chuyến hàng tạm coi được để có thể nhổ neo. Lái Đăm-pi-lê viết trong một chuyến đi Đường ngoài năm 1688: “Bởi vì chưa có hàng làm sẵn trước ở trong nhà cho đến khi họ (những người thợ thủ công Việt Nam) nhận được tiền (đặt hàng) của các lái nước ngoài cho nên những tàu buôn bán ở đây bắt buộc phải đậu lại trong bến tất cả thời gian mà người ta sản xuất ra hàng hóa. Như thế thường là phải năm hay sáu tháng”[6, Tr. 243]. Lẽ tất nhiên không phải bao giờ cũng có tình trạng cứ có đặt tiền mới làm hàng, nhưng điểm này cũng nói rõ rệt là những sản phẩm của Đàng Ngoài không phải là do một nền công nghiệp thịnh vượng mà chỉ là sản phẩm thủ công sản xuất ra nhiều ít bí quyết chỗ người mua hàng, đặt hàng ít nhiều. Đó là đứng về mặt hàng hóa thủ công như chúng ta đã biết, nền kinh tế Việt Nam khi đó là nền kinh tế tự nhiên, cho nên những thứ mà lái ngoài ưa chuộng, cũng có
nhiều thứ là sản vật tự nhiên lấy ở trên rừng dưới biển về mà bán. Tóm lại về phía Việt Nam, ngoại thương do không có cơ sở bên trong thúc đẩy. Nó hầu như có tính chất bị động hay nói cách khác là thể hiện rõ về ngoại thương một chiều, “có đi mà không có lại”, có khi cũng có đôi khi lác đác một vài chiếc thuyền của nhà vua sang Trung Quốc, sang Mã-Lai, In-đô-nê-xi-a….Những chuyến sang phái như thế cũng không phải do nền kinh tế bản thân thúc giục đòi hỏi phải mang hàng hóa sản xuất khá nhiều đi tiêu thụ ở nước ngoài hoặc đi mua những hàng về để chế biến, bồi đắp cho nền sản xuất của mình tăng tiến hơn nữa. Những chuyến đi đó, ngoài việc thám thính tình hình chỉ có mỗi mục đích là tìm kiếm cho vua chúa những thứ dùng vào việc thống trị hay sinh hoạt xa hoa của họ.
Về phía lái nước ngoài, chủ yếu là lái phương tây, thì rõ ràng một nguyên nhân thúc đẩy họ đến nước ta. Họ là những người đầu tiên đi tìm nơi bán hàng và mua hàng cho nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã phát triển. Quá trình của họ tiếp xúc với ta cũng đi từ kinh tế tới chính trị. Chỉ nói riêng về buôn bán, họ cũng biểu lộ rõ rệt tính chất tư bản chủ nghĩa. Những hàng hóa họ đưa sang để biếu hay dạm bán chỉ là những mẫu hàng chỉ mong cám dỗ được khách hàng, đều là những sản phẩm công nghiệp của một nền kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa. Những thứ hàng họ nhằm mua phần lớn đều là những sản vật thiên nhiên hay những đồ thủ công về để đưa vào các nhà máy, các công xưởng chế biến ra các sản phẩm công nghệ. Cũng có một số hàng họ mua để bán lại liền tay cho một số lái khác.
Tính chất của thương mại một chiều ở Việt Nam thời kỳ này là do những khuyết điểm của chế độ hiện thời: việc nắm độc quyền mua bán nhưng lại là “độc quyền nửa vời”, nghĩa là độc quyền để buôn bán trước chứ thực sự độc quyền thì cũng chưa bao giờ, không kể những việc buôn bán lén lút trốn tránh sự kiểm soát của giai cấp thống trị. Trước hết, tất cả những thuyền tàu buôn của nước ngoài đến đều phải trình diện với vua chúa đã và được phép buôn bán thì cũng phải buôn bán với vua chúa trước tiên. Nhưng chỉ là quyền buôn bán trước chứ không phải là nắm hoàn toàn việc buôn bán với thuyền buôn nước ngoài. Vua chúa chỉ giành lấy ưu tiên lựa chọn hàng hóa nào yêu thích nhất. Còn những số hàng không mua hoặc mua thừa thì mới cho bán ra bên ngoài. Lúc đó lại đến quan to, quan nhỏ của triều
đình, sau đó mới đến lái buôn trong nước. Nguyên nhân thứ hai có lẽ là do sự nghèo nàn của các lái buôn, hầu như không có lấy một người nào có của cải hơn 20.000 đồng (khoảng 1 phơ-răng) làm vốn, lại càng ít người có một khoản vốn kha khá để kinh doanh đáng kể; sự cần thiết phải khất với khách nước ngoài đã bán cho họ hàng hóa phải xin một thời gian để thanh toán tiền mua với tiền bán lại hàng.
Về mặt khác, không có những lái buôn giàu có buôn bán to mãi lên, có thể đến một lúc nào đó tích lũy mãi lên được một số vốn, trở nên một yếu tố của mầm mống tư bản được nhưng vẫn do tính chất nông nghiệp nặng nề của kinh tế. Có thể nói, đa số các lái khi buôn bán phấn chấn, có một số tiền lãi tích lũy được, không đem số tiền đó để lũng đoạn thủ công mà quay trở về quê hương, làm cửa, làm nhà tậu ruộng nương “sinh cơ lập nghiệp” theo lối địa chủ phong kiến. Cái lối tiến triển kiểu đó của những người đi buôn bán cứ tồn tại mãi cho đến thời kỳ Pháp thuộc.
3.2. VAI TRÒ