Các phương pháp phân tích rủi ro tài chính dự án:

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHÂN TÍCH HIỆU QUẢ TÀI CHÍNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ TẠI DOANH NGHIỆP - TRƯỜNG HỢP DỰ ÁN NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN SÔNG LÔ 5 (Trang 43 - 45)

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÂN TÍCH HIỆU QUẢ TÀI CHÍNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ TẠI DOANH NGHIỆP

2.2.6.2.Các phương pháp phân tích rủi ro tài chính dự án:

•Phân tích độ nhạy (Sensitivity Analysis)

Phân tích độ nhạy là xem xét mức độ nhạy cảm của các kết quả khi có sự thay đổi giá trị của một hay một số tham số của dự án (đầu ra, đầu vào).

Khi phân tích độ nhạy của dự án, ta lần lượt cho từng yếu tố của dự án thay đổi trong khi các yếu tố khác vẫn giữ nguyên để nghiên cứu tác động của yếu tố đó tới kết quả (NPV, IRR…) hay tính khả thi của dự án. Nếu biến nào thay đổi mà không ảnh hưởng đến kết quả thì các biến này không được dùng trong phân tích rủi ro. Phân tích độ nhạy giúp người ra quyết định trả lời câu hỏi "cái gì xảy ra nếu như…", giúp đánh giá được các biến số quan trọng, đó là biến số có ảnh hưởng

nhiều đến kết quả và sự thay đổi của biến số có nhiều tác động đến kết quả. Phân tích độ nhạy gồm hai loại:

- Phân tích độ nhạy một chiều: Phân tích sự thay đổi của một biến rủi ro ảnh hưởng đến kết quả dự án. Ví dụ như phân tích mức độ nhạy cảm của mức biến động của giá bán sản phẩm đến chỉ tiêu NPV của dự án.

- Phân tích độ nhạy hai chiều: Phân tích sự thay đổi của hai biến rủi ro cùng lúc để đánh giá mức độ ảnh hưởng đến kết quả dự án. Ví dụ như phân tích đồng thời sự biến động của chi phí nguyên vật liệu và giá bán ảnh hưởng đến chi tiêu NPV hay IRR của dự án.

Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản và dễ dàng áp dụng. Về kỹ thuật phân tích, nhờ có Microsoft Excel, những người thường xuyên sử dụng bảng tính như trong thẩm định dự án dễ dàng sử dụng kỹ thuật này bằng lệnh Table trong thanh công cụ Data.

Tuy nhiên nhược điểm lớn nhất của phân tích độ nhạy là chỉ xem xét từng tham số trong khi kết quả lại chịu tác động của nhiều tham số cùng một lúc và không trình bày được xác suất xuất hiện của các tham số và xác suất xảy ra của các kết quả, cũng như mối tương quan giữa các biến.

•Phân tích tình huống (Scenario Analysis)

Phân tích tình huống còn gọi là phân tích kịch bản giúp xem xét sự thay đổi dòng tiền của một tổ hợp các biến có mối tương quan nhau. Phân tích tình huống dựa trên quan điểm các biến có tương quan lẫn nhau và biến động theo chiều hướng thuận lợi hay bất lợi cho dự án. Theo đó một tập hợp của nhiều biến rủi ro được chọn do được đánh giá là mang nhiều rủi ro nhất và được sắp đặt theo các tình huống: lạc quan, trung bình và bi quan. Mục đích là xem xét kết quả của dự án trong các tình huống tốt nhất (giá bán cao nhất, chi phí thấp nhất, lạm phát thấp nhất…), trường hợp trung bình, trường hợp xấu nhất (giá bán thấp nhất, chi phí cao nhất, lạm phát cao nhất…). Như vậy, muốn có kết quả cho mỗi tình huống ta phải tiến hành tính toán lại kết quả dự án theo các dữ liệu của từng kịch bản. Về kỹ thuật phân tích tình huống, nhờ có Microsoft Excel, người thẩm định dự án dễ dàng sử dụng kỹ thuật này bằng lệnh Scenario trong thanh công cụ Tools. Phân tích tình

huống bắt buộc những người ra quyết định phải xem xét cẩn thận mối quan hệ giữa các yếu tố ảnh hưởng tới dòng ngân lưu của dự án.

Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm:

- Phân tích kịch bản cũng là dạng phân tích tất định, nó có hạn chế là không thể xác định được cho tất cả các trường hợp kết hợp lẫn nhau giữa các yếu tố và không tính tới xác suất của các trường hợp xảy ra.

- Phân tích tình huống thường thổi phồng hiệu quả dự án trong trường hợp tốt và cho kết quả quá thấp trong trường hợp xấu.

Tóm lại, trên quan điểm chủ đầu tư, phân tích tài chính dự án đầu tư là khâu cốt lõi khi ra quyết định đầu tư dự án nhằm đánh giá và nhận diện các rủi ro và đưa ra các giải pháp quản lý và kiểm soát rủi ro. Phân tích hiệu quả tài chính của dự án được xem là khâu tổng hợp của tất cả các nội dung liên quan đến dự án. Tuy nhiên, việc phân tích hiệu quả tài chính của một dự án đầu tư không chỉ dừng lại ở việc đánh giá các chỉ tiêu hiệu quả tài chính một cách cứng nhắc trong trạng thái tĩnh và không quan tâm đến sự tác động qua lại lẫn nhau giữa các yếu tố rủi ro liên quan đến kết quả cần phân tích, mà phải xem xét ở trạng thái luôn biến đổi của các yếu tố rủi ro và trong mối quan hệ tương tác lẫn nhau giữa chúng có khả năng ảnh hưởng đến kết quả của dự án.

Nói đến dự án tức là nói đến những gì hình thành trong tương lai được xây dựng trên những thông tin có được trong quá khứ và hiện tại, mà một điều chắc chắn trong tương lai đó là không có gì chắc chắn cả. Do vậy việc phân tích và lượng hóa các rủi ro trong tương lai ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án là vấn đề hết sức quan trọng mà các chủ đầu tư cần phải quan tâm nhằm đưa ra các giải pháp hạn chế rủi ro trước khi đưa ra các quyết định đầu tư.

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHÂN TÍCH HIỆU QUẢ TÀI CHÍNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ TẠI DOANH NGHIỆP - TRƯỜNG HỢP DỰ ÁN NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN SÔNG LÔ 5 (Trang 43 - 45)