chọn Thẩm phán, giới thiệu Hội thẩm nhân dân
2.1.4.1. Hoạt động tố tụng
* Tố tụng trực tiếp
Có hai lĩnh vực mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia tố tụng là tố tụng hình sự và tố tụng dân sự.
- Trong lĩnh vực tố tụng hình sự: Ở Trung ương, đối với những vụ án
quan trọng, nhất là những vụ có tác động lớn đến dư luận nhân dân hoặc có liên quan đến các đối tượng là những người tiêu biểu như chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số, người Việt Nam ở nước ngoài… Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao giờ cũng có sự quan tâm theo dõi và kịp thời kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đảm bảo sự công minh của pháp luật. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng coi đây là một lĩnh vực cần thiết có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và chủ động tham gia vào quá trình tố tụng đối với một số vụ án lớn ở địa phương. Những kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc thường xuất phát từ dư luận của quần chúng nhân dân, từ đơn thư khiếu nại, tố cáo, sau khi Mặt trận Tổ quốc xác minh trực tiếp, thấy có cơ sở, đã hình thành quan điểm kiến nghị của mình, vì thế nhiều kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc đã được các cơ quan có thẩm quyền tôn trọng xem xét, xử lý kịp thời. Thời gian qua Mặt trận Tổ quốc một số cấp đã tham gia lĩnh vực tố tụng hình sự có hiệu quả.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng hình sự, góp phần đấu tranh phòng ngừa tội phạm, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Trong các giai đoạn của tố tụng hình sự, nếu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phát hiện những hành vi trái pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng thì có quyền kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan này phải có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời. Trong các lĩnh vực tố tụng khác như hành chính, lao động, kinh tế… cũng có những quy định tương tự về việc tham gia tố tụng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.
- Trong các lĩnh vực tố tụng khác như dân sự, hành chính, lao động: Sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc thường không trực tiếp mà chủ yếu làm công tác hỗ trợ cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tiến hành hoà giải giữa các bên đương sự hoặc vận động đương sự thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật. Riêng tổ chức Công đoàn, với chức năng bảo vệ quyền lợi chính đáng của công đoàn viên và người lao động, kể từ khi Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động được ban hành đến nay, Công đoàn đã tham gia rất nhiều vào quá trình giải quyết các tranh chấp về lao động của Toà án nhân dân các cấp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công đoàn viên và người lao động.
Trong tố tụng dân sự, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có thể tham gia các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân trước khi khởi kiện, có quyền cung cấp cho Toà án những tin tức về vụ án và tuỳ trường hợp, giúp đỡ Toà án trong việc hoà giải; có quyền kiến nghị Toà án cấp trên xem xét những việc làm trái pháp luật của Toà án cấp dưới. Nếu không có người khởi kiện, thì Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền khởi kiện hoặc đề nghị Viện kiểm sát nhân dân xem xét việc khởi tố vụ án đối với những vụ việc vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho tài sản xã hội chủ nghĩa hoặc quyền lợi của công dân trong quan hệ lao động, kết hôn trái pháp luật, xác định cha mẹ cho con chưa thành niên ngoài giá thú, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của người chưa thành niên hoặc quyền lợi của người có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần.
* Tố tụng gián tiếp
Là một hình thức tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào hoạt động tố tụng, tuy gián tiếp nhưng có tính nguyên tắc, đó là thông qua đội ngũ Hội thẩm nhân dân. Hội thẩm nhân dân là người thay mặt nhân dân tham gia công tác xét xử của Toà án, đồng thời có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật cho nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức duy nhất có trách nhiệm giới thiệu người để Hội đồng nhân dân bầu làm Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân địa phương. Thông qua hoạt động của đội ngũ Hội thẩm nhân dân, Mặt trận tổ quốc thực hiện quyền giám sát của mình đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên phối hợp với Hội đồng nhân dân, Toà án nhân dân cùng cấp giúp đỡ Hội thẩm nhân dân hoạt động. Nhiều Hội thẩm nhân dân thường xuyên giữ mối liên hệ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc để thông báo cho Mặt trận tình hình công tác tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân, giúp Mặt trận tổ quốc có thêm thông tin để thực hiện chức năng giám sát của mình.
Vấn đề này tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng trong thực tế đã được các cấp Mặt trận vận dụng có hiệu quả.
2.1.4.2. Tuyển chọn Thẩm phán
Tại Thông tri số 02 ngày 10/6/1998, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hướng dẫn Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức các hội nghị nhân dân để lấy ý kiến nhận xét người được giới thiệu tuyển chọn làm Thẩm phán. Điều này cho thấy, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quan điểm rõ ràng nhằm khắc phục tính hình thức trong việc tham gia Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán của Mặt trận Tổ quốc lâu nay. Thông qua việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét của nhân dân, những người có tín nhiệm thấp trong nhân dân (như bản thân và gia đình không gương mẫu chấp hành đường lối, chính sách hoặc có những vi phạm về đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên…) thì đại diện Mặt trận Tổ quốc có trách nhiệm phản ánh tại Hội đồng tuyển chọn, đồng thời bày tỏ quan điểm không nhất trí của mình về người đó để Hội đồng xem xét. Điều này phù hợp với các quy định trong Điều lệ Đảng về mối quan hệ giữa đảng viên với quần chúng nhân dân và quy định
của Pháp lệnh cán bộ, công chức về mối quan hệ giữa cán bộ, công chức với nhân dân. Trong những năm qua, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc một số xã, phường, thị trấn đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức các hội nghị nhân dân nơi cư trú nhằm giúp Mặt trận Tổ quốc cấp trên có những đánh giá đầy đủ về người được được giới thiệu tuyển chọn làm Thẩm phán.
Quy định của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét của nhân dân đối với người được giới thiệu tuyển chọn làm Thẩm phán khi mới ban hành đã có rất nhiều ý kiến khác nhau, dư luận nhân dân và cán bộ Mặt trận thì tỏ ý đồng tình, ủng hộ, coi đây là việc làm cần thiết để nhân dân tham gia vào việc tuyển chọn Thẩm phán, là những người có những quyền năng đặc biệt được nhà nước giao cho mà cán bộ, công chức ở các ngành khác không thể có. Về phía những người được tuyển chọn, nhất là một số Thẩm phán sắp hết nhiệm kỳ thì chưa thực sự tán thành. Họ cho rằng, pháp luật không có quy định Mặt trận Tổ quốc được quyền tổ chức lấy tín nhiệm của nhân dân đối với người được giới thiệu tuyển chọn Thẩm phán, làm như vậy e rằng sẽ không khách quan… Quan điểm của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rõ ràng và nhất quán: Chỉ có từ nhân dân, thông qua nhân dân, Mặt trận Tổ quốc mới có cơ sở để đánh giá đạo đức, phẩm chất, mối liên hệ với quần chúng nhân dân của người Thẩm phán. Mặt khác, trong thực tế, Mặt trận vẫn tiến hành lấy ý kiến nhân dân để nhận xét, đánh giá những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Một điều đáng nói là quan điểm của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao và Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán hết sức đồng tình.
2.1.4.3. Giới thiệu Hội thẩm nhân dân
Là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc tổ chức trưng cầu ý kiến nhân dân về những vấn đề quan trọng.
Việc hướng dẫn các địa phương lấy ý kiến nhân dân đối với người được giới thiệu làm Hội thẩm nhân dân nhằm giúp cho Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có những thông tin chuẩn xác về tư cách, đạo đức, mối liên hệ với quần chúng của người được giới thiệu, từ đó có cơ sở để hiệp thương giới thiệu với Hội đồng nhân dân để Hội đồng nhân dân tuyển chọn Hội thẩm nhân dân. Hơn ai hết, chính nhân dân nơi người được giới thiệu cư trú là những người gần gũi, có thể nhận xét, đánh giá một cách sâu sắc, khách quan về đạo đức, phẩm chất của người được giới thiệu, đặc biệt mối quan hệ của người đó và gia đình họ với nhân dân địa phương, xem họ có xứng đáng là người đại diện cho nhân dân tham gia công việc của nhà nước hay không.
Qua theo dõi việc giới thiệu Hội thẩm nhân dân của Mặt trận Tổ quốc ở các địa phương trong những năm qua cho thấy, phần lớn các địa phương đã thực hiện tốt việc lựa chọn, giới thiệu Hội thẩm nhân dân. Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương đã chủ động bàn bạc với lãnh đạo Toà án nhân dân cùng cấp về nhân sự của Hội thẩm nhân dân, hầu hết là có sự thống nhất cao giữa hai bên về danh sách Hội thẩm nhân dân kể cả số giới thiệu mới và số tái nhiệm. Rất ít trường hợp cần phải đưa ra hội nghị hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc để cân nhắc quyết định.