TLTY, đặt trong các trước tác của Bùi Huy Bích, là một bộ phận của hệ sách
Tiết yếu mà trong đó Bùi Huy Bích đã bỏ công tu chỉnh lại ba bộ Đại toàn của nhà Minh. Ba bộ Đại toàn biên soạn dưới thời Minh Thành Tổ, tạm không nói tới tinh thô thế nào, đã gom góp một lượng lớn trước tác của Nho gia, trong đó có Tứ thư, Ngũ kinh các kinh điển làm nên cột sống của Nho học, và Tính lý, cái đại diện cho tư tưởng Nho gia Tống Minh. Như vậy việc soạn Tiết yếu cho ba bộ Đại toàn cũng tương đương với việc một lần nữa đọc lại, tìm hiểu lại, diễn giải lại một cách khá toàn diện Nho học. Sự diễn giải lại này đương nhiên mang dấu ấn riêng của Bùi Huy Bích, thể hiện cách hiểu của ông với Nho học. Chúng tôi rất tán thành ý kiến của Quách Thị Thu Hiền (2009) khi nhận định việc Bùi Huy Bích lựa chọn phương thức “tiết yếu” để soạn lại các bộ Đại toàn là “diễn giải sự thể nghiệm thân tâm của ông [Bùi Huy Bích] trong việc lĩnh hội kinh điển Nho gia.” và xin được nhấn mạnh hai chữ “của ông” trong nhận định này.
Ở trường hợp của TLTY, có thể thấy phần nào cái Bùi Huy Bích quan tâm trong TLĐT. Như ở bảng tại mục 2.2.1 a đã thể hiện, tuy có cắt giảm một số lượng không nhỏ các đề mục nhưng TLTY vẫn giữ một khung đề mục tương đối gần sát với TLĐT. Có điều, nhìn từ thực tế tiết lược trong văn bản, có thể nhận định việc duy trì cái khung này ở một trình độ nào đó chỉ để bảo trì bóng dáng của TLĐT trong TLTY hơn là một sự tóm tắt có tính mô phạm. Tức là không nhất thiết có chuyện ở TLĐT có dung lượng nội dung lớn thì sang TLTY tương ứng sẽ được bảo lưu nhiều. Ví dụ như trong TLĐT nội dung “Thái cực đồ thuyết” có dung lượng là một quyển, nội dung “Dịch học khải mông”, nội dung “Gia lễ” mỗi nội dung đều lên tới bốn quyển nhưng khi sang TLTY nội dung “Thái cực đồ thuyết” được bảo lưu nhiều hơn nội dung “Dịch học khải mông” và “Gia lễ”, cụ thể như ở bản HN.111, nội dung “Thái cực đồ thuyết” ở phần chính văn kéo từ trang 1a tới trang 10b tức là dài khoảng 20 trang, trong khi ở bản HN.110 (cùng thuộc hệ bản TT2 không tăng bổ), “Dịch học khải mông” kéo từ trang 1a tới trang 2a, tức khoảng 2 trang rưỡi, “Gia lễ” chỉ kéo từ cuối trang 2a tới nửa đầu trang 3a, tức vào tầm 2
96
trang, tức tính riêng về dung lượng trong TLTY thì “Dịch học khải mông” và “Gia lễ” chỉ bằng một phần năm “Thái cực đồ thuyết” trong khi ở TLĐT hai nội dung này đều có dung lượng gấp khoảng bốn lần “Thái cực đồ thuyết”. So sánh này để chứng tỏ Bùi Huy Bích không có ý định làm một bản tóm tắt của TLĐT, TLTY là những tâm đắc của Bùi Huy Bích khi diễn giải lại TLĐT và bởi nó là tâm đắc của ông cho nên cái được tâm đắc hơn sẽ lưu dấu nhiều hơn, hay cụ thể mà nói Bùi Huy Bích chú trọng hơn tới cái đặt nền móng cho trào lưu Tính Lý học, tức “Thái cực đồ thuyết” so với các nội dung khác. Trong bài viết của mình(2013), Quách Thu Hiền có trích một đoạn trong Lư trung tạp thuyết 旅中雜說của Bùi Huy Bích để nói về “quan điểm soạn sách” của ông như sau:
Người thời cổ làm sách, lập luận không bỏ sót ý gì. Học giả chỉ nên đem mà thể hiện ở bản thân, thực hành được một câu, hay dùng được một chữ đã là khéo học rồi. Đến như sách, thì không nên làm lại nữa, vì làm là thừa như ngón tay thừa vậy. Nếu được ngày rỗi, thì nhặt lấy những câu trong các Kinh, tham khảo các loại như là sách của Chu tử, chính sử của liệt đại, học quy quan châm, gia phạm hoặc nữ tắc nữa, chia thành từng loại mà biên tập lại, để tiện khảo cứu, như thế là đủ.
Nếu căn cứ vào đây vậy thì thực chất là Bùi Huy Bích không có ý định “làm sách”, mà chỉ muốn thu nhặt lấy những câu ông thấy tâm đắc trong các sách của Nho gia. Dựa vào đây mà suy thì TLTY nói riêng hay cả hệ sách Tiết yếu “Bùi thị nguyên bản” của Bùi Huy Bích nói chung về bản chất không phải là sách, không có một thứ kết cấu bố cục nội dung như sách mà chỉ là tập hợp các “thu nhặt” của ông khi đọc các trước tác Nho học cụ thể tương ứng mà thôi, một dạng “sổ tay học tập” lưu ký lại những điểm đáng chú ý khi đọc sách. Chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là tính cá nhân của Bùi Huy Bích khi biên soạn TLTY, mục đích biên soạn là để dùng cho việc học tập nghiên cứu của riêng ông, chứ không phải để khắc in, bởi vậy không cần có sự cân đối giữa các mục trong đây.
97