Tính lý đại toàn

Một phần của tài liệu Nghiên cứu văn bản Tính lý tiết yếu (Trang 61 - 66)

b. Khái lược về Nguyễn Huy Oánh

2.1.3 Tính lý đại toàn

Tính lý đại toàn 性理大全(TLĐT) hay Tính lý đại toàn thư性理大全書là một trong ba bộ Đại toàn được nhóm Hồ Quảng 胡廣, Dương Vinh杨榮… biên soạn theo lệnh của Minh Thành Tổ vào năm Vĩnh Lạc thứ 12 (1414), cùng với Tứ thư đại toàn 四書大全và Ngũ kinhđại toàn 五經大全, và được hoàn thành chỉ một

60

năm sau đó. Ở một phương diện, có thể coi sự ra đời của TLĐT nói riêng và ba bộ

Đại toàn nói chung là đại biểu cho việc triều đình phong kiến một lần nữa chấn hưng Nho học. Nên nhớ Minh Thành Tổ lên ngôi bằng phương thức cướp đoạt, cướp ngôi của cháu mình bằng hành động quân sự, hành vi này phá đi trật tự phong kiến về tông pháp vốn đã có lịch sử lâu đời và ảnh hưởng lớn, điều này có sự nguy hại nhất định tới sự vững vàng trên lý luận của hoàng đế. Nhìn từ điều kiện lịch sử, buổi đầu nhà Minh, tương tự như buổi đầu nhà Tống là khi chiến tranh mới chấm dứt, các lực lượng quân sự còn đang hùng mạnh, trong triều đình trọng võ hơn văn. Tương tự với cách giải quyết của các vua đầu nhà Tống, Chu Thái Tổ cũng thực hiện các chính sách khuyến khích sự phục hồi của Nho học, hướng xã hội quay trở lại con đường trọng văn khinh võ. Minh Thành Tổ, sau hành động cướp đoạt ngôi vua của mình lại càng muốn mau chóng ổn định trật tự, tránh hành vi của mình trở thành tiền lệ. Xin đặc dẫn bài tựa của ba bộ “Đại toàn” do Minh Thành Tổ ngự chế:

Trẫm nghĩ, thuở xưa, bậc thánh vương kế trời dựng khuôn phép, dùng đạo trị thiên hạ. Từ Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn vương Vũ vương trao truyền cho nhau, trên thì dùng nó mệnh xuống, dưới thì nhờ nó thừa hành, có thể có được buổi thịnh trị yên ổn dài lâu không ra ngoài việc dùng đạo mà cai trị vậy. Sau từ Tần Hán tới nay, khi ổn khi không, hoặc lâu hoặc chóng, không thể được như buổi thịnh trị thuở xưa, hoặc vì bỏ qua nó không thi hành, hoặc thi hành nó không tử tế, cho nên thiên hạ chẳng được ngay ngắn, người dân chẳng được đội cái ơn trạch buổi thịnh trị, thật đáng than thay!

Đạo ở trong thiên hạ, xưa nay không sai nhau, cái con người được trời ban, trước giờ cũng không khác biệt, sao cái việc trị - loạn, được - mất của hậu thế so với thuở xưa lại xa xôi cách tuyệt thế? Đây không gì khác là bởi đạo không được sáng rõ, không được thi hành. Đạo không được sáng rõ, không được thi hành há lại bởi đạo có bệnh sao? Ấy là vì người ta bỏ bê trách nhiệm với thế đạo vậy. Phàm là người biết trách nhiệm với thế đạo là tại mình thì ắt có thể gánh cái trọng trách với đạo ấy mà không dám chểnh mảng, như thế đạo lại không sáng rõ, không được thi hành mà thế đời không ngay ngắn được sao! Trẫm từ lúc lên ngôi, kế thừa nghiệp lớn của Hoàng khảo Thái tổ Cao hoàng đế đến nay, chăm chăm mưu việc sửa trị, lo nghĩ trách nhiệm trị giáo nặng nề của bậc làm vua làm thầy, sợ hãi chẳng làm được

61

gì. Cái sự cai trị của bậc đế vương, gốc chỉ ở đạo. Cái gọi là, đạo tức cái lẽ sơ khai nhân luân ngày thường sử dụng, chẳng trông đợi gì cái bên ngoài đâu. Cái lẽ sơ khai ấy, lúc thánh nhân chưa sinh thì đạo ở trong trời đất, thánh nhân sinh rồi, đạo ở thánh nhân, thành nhân khuất đi, đạo nằm trong Lục kinh. Lục kinh là dấu tích việc cai trị của thánh nhân vậy. Đạo ở Lục kinh sáng rõ thì có thể thấy được lòng của thánh nhân, của thiên địa, từ đấy cái công đưa việc trị bình tới cùng cực có thể thành được. Đạo ở Lục kinh không được sáng, ắt tâm thuật ở con người bất chính, từ đó tà thuyết bạo hành, xâm lấn gây hại, muốn cầu yên ổn nào có được đâu! Trẫm bởi thế mà sợ, bèn mệnh cho nho thần biên tu Ngũ kinh, Tứ thư, tập hợp truyện chú của chư nho mà làm bộ Đại toàn. Phàm là cái làm sáng rõ kinh nghĩa thì thu nhận, cái bội nghịch với nghĩ lý trong kinh thì bỏ đi. Lại gom sách vở cùng nghị luận, cách ngôn phụ trợ cho Ngũ kinh, Tứ thư, có ích cho đạo thánh, biên tập thành sách, đặt tên là Tính Lý đại toàn thư. Biên thành dâng tới, trẫm xem xét qua, thấy nó rộng lớn đầy đủ như giang hà có ngọn nguồn, sơn xuyên có trật tự. Trong đó, đạo thánh hiền rạng thay, được sáng rõ lại. Đáng gọi là, khảo ở Tam vương không thấy sai, dựng trong trời đất không trái, xét nơi quỷ thần không nghi hoặc. Trăm đời nhờ nó theo thánh nhân không bị mê hoặc. To lớn thay, đạo của thánh nhân. Há có thể có nó mà giữ riêng cho mình được, bèn mệnh cho thợ khắc in ban bố thiên hạ. Để người thiên hạ thấy được cái toàn thể của kinh sách, coi xét được cái hàm chứa của thánh nhân. Nhờ đó truy cùng lý để làm sáng đạo, dựng lòng thành để đạt cái gốc nguồn, tu nó nơi thân, hành nó trong nhà, dùng nó ra nước mà khiến nó đạt khắp thiên hạ. Khiến nhà không có khuôn phép lạ, nước không có phong tục lạ, quay trở về phong thái thuần cổ để nối thừa đạo thống của tiên vương, thành được buổi thịnh trị hợp hòa, ắt phải nhờ vào đây vậy! [45:1872-1873]

Từ bài tựa này có thể thấy thái độ của Minh Thành Tổ đối với việc biên tu ba bộ “Đại toàn”, đó là khẳng định giải pháp để khiến cho thiên hạ được trị bình là làm sáng rõ đạo của thánh nhân, một cách gián tiếp để khẳng định Nho giáo và cũng là gián tiếp củng cố sự vững vàng trên danh nghĩa của bậc thiên tử; sau nữa là để cho người học thấy được cái toàn thể của sách vở, nói cách khác tức là khuyến khích Nho học, khuyến khích văn hóa. Trong Trung Quốc Nho học sử của Trương Học Trí có nêu: “Thành Tổ biên tu ba bộ “Đại toàn”, một là để khoa cử khảo thí có hệ

62

thống sách giáo khoa và sách tham khảo, hai là để thay đổi hiện tượng trọng quân sự, chính trị không trọng văn hóa của các nhà thống trị triều Nguyên, ba là để thống nhất tư tưởng của phần tức tri thức cả nước về Nho học, bốn là để chấn hưng văn hóa, trừ bỏ ảnh hưởng xấu từ việc chu giết Phương Hiếu Nhụ lưu lại trong lòng phần tử tri thức sau sự biến Tĩnh Nạn, thể hiện rõ bản thân dùng Nho học trị quốc, sùng văn đức, xa cách sách lược chính trị của họ Thân họ Hàn, đồng thời sửa đổi cục diện dùng luật pháp quá nghiêm, không khí văn hóa quá mức suy yếu thời Chu Nguyên Chương.”[50:16-17].

Bản thân TLĐT là một bộ sách khá là đồ sộ, gồm 70 quyển, bố cục đại khái như sau:

Quyển 1 : Thái Cực đồ thuyết 太极图说 (Chu Đôn Di 周敦颐) Quyển 2-3 : Thông Thư通书 (Chu Đôn Di)

Quyển 4 : Tây minh西铭 (Trương Tái张载) Quyển 5-6 : Chính mông正蒙(Trương Tái)

Quyển 7-13 : Hoàng cực kinh thế thư皇极经世书(Thiệu Ung邵雍) Quyển 14-17 : Dịch học khải mông易学启蒙 (Chu Hy朱熹)

Quyển 18-21 : Gia lễ家礼(Chu Hy)

Quyển 22-23 : Luật lữ tân thư律吕新书 (Sái Nguyên Định蔡元定)

Quyển 24-25 : Hồng phạm hoàng cực nội thiên洪范皇极内篇(Sái Thẩm蔡忱) Quyển 26-27 : Lý Khí理气

Quyển 28 : Quỷ Thần鬼神

Quyển 29-37 : Tính lý性理

Quyển 38 : Đạo thống, Thánh hiền道统、圣贤

Quyển 39-42 : Chư Nho诸儒

Quyển 43-56 : Học

Quyển 57-58 : Chư tử诸子

63

Quyển 65 : Quân đạo君道

Quyển 66-69 : Trị đạo治道

Quyển 70 : Thi, văn

Trong đó từ quyển 1 tới quyển 25 có nội dung khá độc lập, bao gồm các trước tác của Chu Đôn Di, Trương Tái, Thiệu Ung, Chu Hy, Sái Nguyên Định, Sái Thẩm, mỗi một trước tác là một hệ lý luận đầy đủ, tự thành một sách riêng. Từ quyển 26 cho tới cuối thu gom bàn luận của các nhà đưa vào. Tuy dung lượng lớn nhưng vì thời gian biên tu quá ngắn, tháng mười một năm Vĩnh Lạc 12 hạ sắc dụ biên thư, tới tháng chín năm Vĩnh Lạc 13 thì dâng bản thảo, tức là thời gian biên soạn cả ba bộ Đại toàn chưa đến một năm, cho nên biên soạn được ngoài việc nhiều ra thì giá trị không được đánh giá cao, đại biểu là khi đưa TLĐT vào Tứ khố toàn thư, ở Tứ khố toàn thư tổng mục có miêu tả TLĐT là: “Đại để rộng nhiều mà hỗn tạp, đều là giật gấu vá vai để góp thành văn, chẳng thể thật sự giúp được gì cho việc coi xét cái uyên nguyên của đạo học”. Cũng bởi thế mà Khang Hy từng lệnh cho nho thần san bớt cái râu ria, giữ lại cương yếu, tinh tuyển nội dung quan trọng, làm thành Khâm định tính lý tinh nghĩa. Trong Ngự chế tính lý tinh nghĩa tự Khang Hy có chê TLĐT rằng: “Trước nhà Minh có toản tu một bộ sách là Tính lý đại toàn, rất khen là rộng mà đầy đủ. Nhưng thu lấy vào quá nhiều, các loại cũng lắm. Phàm các sách nói về việc thi hành Tính lý ở đời số không dưới trăm. Trẫm thực vì cái mâu thuẫn trong đó mà thấy lo vậy.” Khâm định tính lý tinh nghĩa sau khi lược bỏ phần nội dung được cho là hỗn tạp thì còn 13 quyển. Đề mục như sau:

Quyển 1: Thái cực đồ thuyết, Thông thư

Quyển 2: Tây minh, Chính mông

Quyển 3: Hoàng cực kinh thế

Quyển 4: Dịch học khải mông

Quyển 5: Gia lễ

Quyển 6: Luật lữ tân thư

Quyển 7: Học loại (1): Tiểu học, Tổng luận Vi học chi phương, Lập chí, Tồn dưỡng, Tỉnh sát

64

Quyển 8: Học loại (2):Trí tri, Lực hành, Nhân luân, Độc thư pháp, Văn nghệ

Quyển 9: Tính mệnh loại: Tính mệnh, Tâm tính tình, Ngũ thường, Tạp luận kinh thư danh nghĩa

Quyển 10: Lý khí loại: Lý khí, Thiên địa nhật nguyệt, Âm dương ngũ hành, Lịch pháp, Địa lý

Quyển 11: Trị đạo loại (1): Tổng luận trị đạo, Quân đạo, Thần đạo, Dụng nhân

Quyển 12: Trị đạo loại (2): Điền phú, Học hiệu, Tông miếu, Lễ nhạc, Binh chính, Hình phạt, Gián tranh, Trinh dị

Có thể thấy kỳ thực “tinh nghĩa” và “tiết yếu” đều là hành vi gạt bỏ cái mà chủ thể hành vi cho rằng không quan trọng, giữ lại phần nội dung cốt yếu, cách gọi tuy khác nhau như dụng ý thì không khác.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu văn bản Tính lý tiết yếu (Trang 61 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)