Vấn đề tác giả của TLTY

Một phần của tài liệu Nghiên cứu văn bản Tính lý tiết yếu (Trang 35 - 36)

Xét từ bản thân văn bản, thông tin “Bùi thị nguyên bản” do nhà in cung cấp ở bìa sách không thể chứng minh “Bùi thị” là Bùi Huy Bích. Tuy nhiên, trong Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu khi ghi chép về TLTY nói riêng và hệ sách “tiết yếu” nói chung đều khẳng định “Bùi thị” chính là Bùi Huy Bích mà không nêu duyên do. Trong quá trình nghiên cứu văn bản TLTY, rất tiếc chúng tôi cũng không tìm ra thêm chứng cứ nào từ trong TLTY để chứng minh cho khẳng định này. Nhưng, căn cứ vào nghiên cứu cũng như kết luận của một vài nhà nghiên cứu tiền bối, chúng tôi cũng nghiêng về ý kiến Bùi thị chính là Bùi Huy Bích.

Đầu tiên, phải khẳng định một sự thật là Bùi Huy Bích có thực hiện công việc chỉnh lý, rút gọn các bộ sách Nho học. Điều này được chứng minh từ khá nhiều nguồn. Sách Nguyễn Thông con người và tác phẩm nói về danh thần Nguyễn Thông (1827 - 1884) có ghi lời phê của bộ Lễ thời Tự Đức trả lời khi Nguyễn Thông dâng sớ đòi bãi bỏ các bộ Tiết yếu rằng: “Bộ sách tiết yếu của Bùi Huy Bích là bản tư, dùng trong nhà ông ta. Các học trò thấy ước lược có lợi đem dùng học tắt cho mau.”[11:308]. Như vậy ít nhất đã chứng minh thực tế Bùi Huy Bích có thực hiện “bộ sách tiết yếu” để dùng riêng. Một mặt khác, ghi chú thông tin nguồn văn bản “Bùi thị nguyên bản” là một ghi chú xuất hiện rất nhiều lần ở nhiều tựa sách khác nữa như Tứ thư tiết yếu, Ngũ kinh tiết yếu, Thiếu vi tiết yếu, có thể lập luận rằng nếu mục đích của việc các nhà in khi ghi rõ thông tin nguồn văn bản là để “làm rõ” xuất xứ văn bản thì giả như các văn bản nêu trên, kể cả TLTY, là của nhiều ông

34

họ Bùi khác nhau mà các nhà in lại ghi gộp chung chung là “Bùi thị” sẽ là phi lý, bởi như thế thông tin được cung cấp này không giúp ích gì cho việc phân biệt nguồn gốc các bản cả và cũng không có ích gì hết bởi cuối cùng ta vẫn không biết được Bùi thị là ông nào. Từ lập luận này có thể đưa ra nhận định thực ra “Bùi thị” ghi ở các tựa sách nêu trên chỉ là một người duy nhất, và đương nhiên nếu các “Bùi thị nguyên bản” được nhiều nhà in lựa chọn để khắc in như vậy thì nhân vật “Bùi thị” này phải là một nhân vật uy tín. Nói đến “Bùi thị nguyên bản” trong trường hợp Thi kinh tiết yếu, trong cuốn Diên cách cấu trúc chữ Nôm Việt, T.s Nguyễn Tuấn Cường có nêu: “[…] các trang bìa sách cho ta thông tin: “Bùi thị nguyên bản” (裴氏原本, bản gốc của họ Bùi). Có ý kiến đề xuất năm 1952 cho rằng “Bùi thị” là Bùi Dương Lịch 裴揚瓑 (1758-1828) […]. Nhưng chúng tôi cho rằng “Bùi thị” ở đây là Bùi Huy Bích裴輝璧 (1744-1818), bởi ông là người từng làm “tiết yếu” cho hầu hết các “sách giáo khoa” của Nho gia tại Việt Nam […]; hơn nữa những cuốn Tứ thư tiết yếu四書節要(VHv.3553), Thiếu vi tiết yếu少微節要 (VHv.3342), do Bùi Huy Bích thực hiện cũng có dòng “Bùi thị nguyên bản” […]”[26:34]. Trong trường hợp “Bùi thị nguyên bản” ở Dịch kinh tiết yếu, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Anh cũng khẳng định: “Nhứng sách có ghi “Bùi thị nguyên bản” như Ngũ kinh tiết yếu, Tứ thư tiết yếu, Chu lễ chú sớ san dực tiết yếu, Thiếu vi tiết yếu,… có những chứng cứ để khẳng định là các tác phẩm của Bùi Huy Bích […]”[23:145]. Từ trên chỉnh thể hệ thống “tiết yếu”, chúng tôi xin kế thừa nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tiền bối, chấp nhận nhận định TLTY là của Bùi Huy Bích.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu văn bản Tính lý tiết yếu (Trang 35 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)