Trước và trong những năm 90, các nghiên cứu về nước tưới, đất nông nghiệp ở Hà Nội nói riêng cũng như ở Việt Nam nói chung còn rất ít và chủ yếu chỉ quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng của đất, làm tăng sản lượng cây trồng. Sản lượng nông sản được quan tâm ở giai đoạn này là lúa gạo và các loại cây lương thực vì ở giai đoạn này việc xóa đói được Chính phủ hết sức quan tâm. Một số công trình đã được công bố trên các tạp chí điển hình là tạp chí Khoa học đất như:
“Vai trò của phân hóa học trong thâm canh lúa ngắn ngày trên đất phù sa sông Hồng” và “Vấn đề bón phân kali cho lúa ngắn ngày thâm canh trên đất phù sa sông Hồng” của các tác giả Nguyễn Như Hà và Vũ Hữu Yêm (1999). Các nghiên cứu khẳng định sự tất yếu và hiệu quả của việc sử dụng phân bón hóa học trong thâm canh lúa ngắn ngày trên đất phù sa sông Hồng [7,8].
“Vai trò của các dạng lân đối với lúa trên đất phù sa sông Hồng tại Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội” của tác giả Vũ Thị Kim Thoa và cộng sự (1999) kết luận: liên kết hữu cơ với sắt, nhôm đóng vai trò chủ đạo chiếm từ 70 – 72% so với cacbon tổng số, liên kết hữu cơ với canxi giữ vai trò thứ yếu đạt từ 2 -5% trên đất phù sa sông Hồng [28].
“Ảnh hưởng của tưới nước phù sa sông Hồng tới thành phần cơ giới đất bạc màu Đông Anh, Hà Nội” của tác giả Nguyễn Khang và Hoàng Xuân Phương (1999) cho thấy kết quả của việc tưới bằng nước phù sa sông Hồng trong hơn 30 năm qua đã góp phần tăng tỷ lệ sét của đất bạc màu Đông Anh, đặc biệt là khu vực đầu nguồn trồng 2 vụ lúa [14].
“Nghiên cứu định lượng sự thay đổi và phân cấp độ phì nhiêu đất đồi vùng lưu vực sông Hồng ở quy mô ô thửa” của tác giả Phạm Quang Hà (1999) chỉ ra rằng cần có phương thức sử dụng đất phù hợp cho loại đất trên đồi, các loại đất dưới ruộng tùy theo địa hình, chế độ ngập nước và lịch sử canh tác chân ruộng đó để đạt được một phương thức canh tác hợp lí đảm bảo an toàn lương thực và môi trường [9].
Hay “Ảnh hưởng của N, P, K và quá trình ngập nước đến một số tính chất hóa học đất phù sa sông Hồng trong điều kiện thí nghiệm đồng ruộng” của tác giả Nguyễn Xuân Cự (1999) cho thấy phân bón N, P có xu hướng làm tăng độ chua của đất, tỷ lệ và lượng bón các loại phân có ảnh hưởng rõ rệt đến tính chất môi trường đất cũng như năng suất lúa [3]. Và một số công trình khác.
Trong giai đoạn này mới chỉ có một số ít công trình đề cập đến hiện trạng ô nhiễm KLN trong nước tưới và đất trồng rau ở các vùng ngoại thành Hà Nội. Một trong số đó là: “Đánh giá ô nhiễm kim loại nặng trong môi trường đất nước và trầm tích – thực vật ở khu vực Công ty Pin Văn Điển và Công ty Điện tử Orion – Hanel” của tác giả Lê Văn Khoa và cộng sự (1999). Bài báo sử dụng kỹ thuật xác định các KLN bằng phương pháp chiết trắc quang là một trong những công cụ phân tích bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Kết quả nghiên cứu đã bước đầu cảnh báo nguy cơ ô nhiễm một số KLN trong môi trường đất, nước và đặc biệt là trong thực vật trồng
tại hai khu vực nghiên cứu nói trên [17].
Từ những năm 2000 trở lại đây, khi kinh tế xã hội phát triển cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, đời sống của người dân đã được cải thiện rất nhiều, nhất là ở các khu vực thành thị như thành phố Hà Nội. Ngoài nhu cầu về lương thực thì nhu cầu về thực phẩm tăng lên đáng kể. Nhiều vùng canh tác lúa ngoại thành Hà Nội trong giai đoạn trước đã chuyển sang canh tác rau xanh phục vụ cho người dân nội thành và các vùng lân cận. Tuy nhiên đi kèm với sự phát triển kinh tế xã hội đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, các dịch bệnh ngày càng phát sinh nhiều, hiện tượng ngộ độc thức ăn liên tục xảy ra trên cả nước đặc biệt là ở các thành phố lớn trong đó có Hà Nội. Người dân đã bắt đầu hình thành ý thức về thực phẩm sạch. Đứng trước nhu cầu thực tế của xã hội, các nhà khoa học bắt đầu quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, đặc biệt là các loại rau. Một số các công trình khoa học đã được công bố như:
“Kim loại nặng trong đất và rau ở một số vùng ngoại thành Hà Nội” của tác giả Vũ Đình Tuấn và Phạm Quang Hà (2004) với kết quả nhìn chung đất trồng rau ven đô ở hai điểm nghiên cứu vẫn được coi là sạch theo TCVN phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mặc dù có chịu tác động của chất thải đô thị (Thanh Trì) hoặc chịu áp lực thâm canh cao (Từ Liêm). Nghiên cứu đã phát hiện một số biểu hiện tịch lũy kim loại nặng trong rau tuy nhiên chưa thấy có sự tương quan giữa kim loại nặng tổng số trong đất với kim loại nặng trong rau [34].
“Nghiên cứu hiện tượng ô nhiễm nước tại huyện Đông Anh – ngoại thành Hà Nội và tìm kiếm biện pháp xử lí nước bị ô nhiễm” của tác giả Trần Kông Tấu và nnk (2004) thông qua việc khảo sát 13 mẫu nước đại diện đã phát hiện hàm lượng các kim loại nặng trong một mẫu nước thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép và cảnh báo về hiện tượng nước thải không qua xử lí mà cho chảy thẳng vào hệ thống kênh mương thủy lợi [23].
“Hiện trạng chất lượng môi trường đất – nước tại khu vực nhà máy Pin Văn Điển” của tác giả Cái Văn Tranh và cộng sự (2005) cho thấy chất lượng môi trường đất nhìn chung không bị ảnh hưởng bởi tác động của nước thải nhà máy pin Văn
Điển, tuy nhiên hàm lượng mùn trong đất nghiên cứu ở mức độ thấp [31].
“Nghiên cứu ảnh hưởng của nước thải thành phố Hà Nội đến năng suất và chất lượng cây rau và cây lúa” của các tác giả Nguyễn Thị Hiền và Bùi Huy Hiền (2004) đưa ra kết luận hàm lượng các kim loại nặng Cu, Zn, Pb, Cd tích lũy cao trong cây khi sử dụng các nguồn thải của thành phố Hà Nội và việc tưới nước thải của các sông Tô Lịch và Kim Ngưu có ảnh hưởng tích cực đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, nhưng cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sản phẩm [13].
“Ảnh hưởng của đồng, chì, kẽm, cadimi đến cây mạ trên nền đất phù sa sông Hồng” của tác giả Lê Đức và cộng sự (2005) cho thấy ảnh hưởng của kim loại nặng đến sinh trưởng, phát triển của mạ là rất rõ đối với từng nguyên tố ở các nồng độ khác nhau. Và một số công trình nghiên cứu có liên quan về KLN khác [6].
Tuy nhiên, các công trình vẫn đang ở mức sơ lược, chưa đưa ra được bức tranh tổng quát về vấn đề ô nhiễm KLN cũng như chưa chỉ ra được khả năng tích lũy cũng như sự phân bố hàm lượng KLN trong các đối tượng môi trường. Hơn nữa, về kỹ thuật phân tích cũng chưa cho phép xác định được các dạng tồn tại của kim loại trong môi trường nên việc đánh giá ảnh hưởng của các KLN độc hại đến môi trường vùng trồng rau cũng gặp không ít khó khăn. Vì vậy cần có những nghiên cứu sâu hơn, rộng hơn để xác định nguồn gốc ô nhiễm KLN trong rau.