2.1 PHƯƠNG TIỆN
2.1.1 Đối tượng cây trồng nghiên cứu
- Cây xoài (Mangifera indica L.)
2.1.2 Thời gian và địa điểm nghiên cứu
- Thời gian thực hiện đề tài: tháng 1/2012 đến tháng 11/2012.
- Địa điểm: Tại phòng thí nghiệm Bộ môn Bảo vệ thực vật, Khoa Nông Nghiệp và SHƯD, Trường Đại học Cần Thơ.
- Điều tra nông dân và khảo sát ngoài đồng: được thực hiện tại vườn xoài thuộc xã Lương Phi (Huyện Tri Tôn) và xã An Cư (Huyện Tịnh Biên), Tỉnh An Giang, thực hiện điều tra tại mỗi địa bàn 20 phiếu chuẩn bị sẵn.
2.1.3 Vật tư thí nghiệm
Nguồn bông xoài bị muỗi gây hại được thu trên các vườn xoài thuộc huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang ở các giai đoạn phát triển khác nhau của bông. - Bọc nilon đựng mẫu.
- Nhiệt kế, ẩm độ kế: để đo nhiệt độ và ẩm độ trong phòng thí nghiệm trong quá trình làm thí nghiệm.
- Hộp nhựa (nhiều kích thước khác nhau), đĩa petri: để nuôi các loại ấu trùng và thành trùng.
- Giấy thấm và bông gòn: để giữ ẩm
- Phương tiện quan sát: Kính lúp, kính hiển vi, máy ảnh: quan sát và ghi nhận các giai đoạn của côn trùng.
- Cồn 70o dùng để bảo quản mẫu.
2.2 PHƯƠNG PHÁP
Thí nghiệm được thực hiện bao gồm: - Điều tra nông dân.
- Điều tra ngoài đồng.
- Khảo sát trong phòng thí nghiệm.
2.2.1 Điều tra nông dân
Mục đích: nhằm tìm hiểu về kỹ thuật canh tác, tình hình dịch hại trong vùng khảo sát cũng như sự hiểu biết và biện pháp đối phó của nông dân đối với côn trùng gây hại chính trên bông xoài.
Địa bàn điều tra: các vườn trồng xoài ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang.
Phương pháp điều tra: tiến hành điều tra bằng cách phỏng vấn trực tiếp
người nông dân theo phiếu điều tra đã chuẩn bị sẵn (phiếu điều tra đính kèm ở phần phụ lục).
Thời gian điều tra: tháng 7/2012 đến tháng 9/2012 Số hộ điều tra: mỗi địa bàn chọn từ 20 hộ trở lên.
Cách chọn vườn: chọn ngẫu nhiên những vườn có diện tích từ 1.000m2 trở lên, cây xoài ở giai đoạn ra hoa.
Nội dung điều tra:
- Tình hình dịch hại trên vườn.
- Mức độ gây hại và thời gian gây hại của các loại dịch hại chính ở giai đoạn bông. - Sự hiểu biết của nông dân về dịch hại chính trên bông xoài.
- Biện pháp phòng trừ dịch hại của nông dân.
- Sự hiểu biết của nông dân về muỗi gây hại bông xoài
2.2.2 Điều tra ngoài đồng
2.2.2.1 Điều tra thành phần loài muỗi gây hại trên bông xoài
Mục đích: Xác định thành phần loài, sự hiện diện côn trùng gây hại phổ biến trên bông, cũng như mức độ gây hại của muỗi gây hại trên bông xoài.
Địa bàn điều tra: các vườn trồng xoài ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang.
Phương pháp: trên mỗi vườn tiến hành khảo sát 5 điểm theo đường chéo gốc. Tại mỗi điểm khảo sát 1 cây. Trên mỗi cây quan sát theo hướng, trên mỗi hướng quan sát và chọn ngẫu nhiên từ 3 phát hoa để khảo sát thành phần sâu hại trên bông, triệu chứng gây hại, tỷ lệ gây hại của muỗi gây hại bông xoài.
Chỉ tiêu ghi nhận: Ghi nhận thành phần sâu hại trên bông và mô tả triệu chứng và tỷ lệ gây hại của muỗi gây hại bông xoài.
2.2.3 Khảo sát trong phòng thí nghiệm
Mục đích: Khảo sát một số đặc điểm về hình thái phân loại và sinh học của loài muỗi gây hại trên bông xoài.
Địa điểm: tiến hành trong phòng thí nghiệm Bộ Môn Bảo Vệ Thực Vật, khoa
Nông Nghiệp và Sinh Học Ứng Dụng.
Phương pháp khảo sát: Các mẫu bông xoài bị muỗi gây hại được tiến hành
thu từ một số vườn tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang, bông xoài có các giai đoạn phát triển của muỗi gây hại (trứng, ấu trùng, nhộng, thành trùng). Sau đó đem về nuôi và khảo sát trong điều kiện phòng thí nghiệm, dùng kim châm và dao mổ tách nhẹ mộtsố bông chọn ngẫu nhiên để quan sát.
Chỉ tiêu theo dõi:
- Trứng: Ghi nhận hình dạng, màu sắc, kích thước (đo 30 trứng), số lượng và thời gian trứng nở.
- Ấu trùng: quan sát ấu trùng tuổi 1 và ấu trùng tuổi cuối về hình dạng, màu sắc, kích thước, thời gian sống ở các giai đoạn và khả năng gây hại.
- Nhộng: Ghi nhận hình dạng, màu sắc, kích thước (đo 50 nhộng).
- Thành trùng: Ghi nhận hình thái bên ngoài, màu sắc, kích thước, thời gian sống của thành trùng (đo kích thước 50 thành trùng đực và 50 thành trùng cái).
- Phương pháp định danh: Sử dụng khóa phân loại của Gagne và Etienne (2006) để định danh muỗi và tài liệu trên internet để phân loại theo sự hướng dẫn của giáo viên hướng dẫn.
2.3 XỬ LÝ SỐ LIỆU
Số liệu được phân tích, xử lý bằng chương trình Excel 2003 để tính trung bình.