Vai trò của đấu thầu

Một phần của tài liệu Pháp luật về đấu thầu điện tử của một số nước, kinh nghiệm và khả năng áp dụng ở Việt Nam (Trang 29 - 30)

Đấu thầu đóng góp những thành tựu to lớn cho sự phát triển kinh tế, thể hiện vai trò quan trọng trong các hoạt động của kinh tế thị trường, cụ thể vai trò của hoạt động đấu thầu thể hiện cơ bản qua các mặt sau:

- Là một công cụ quan trọng của kinh tế thị trường, giúp người mua (bên mời thầu) và người bán (nhà thầu) gặp nhau thông qua cạnh tranh công bằng, minh bạch;

- Phát triển các ngành sản xuất theo hướng chuyên môn hóa sâu và hợp tác hóa rộng đồng thời phát triển thị trường đấu thầu. Thông qua đấu thầu đã phát triển được thị trường người bán, nhiều doanh nghiệp nhà thầu lớn mạnh, nhiều doanh nghiệp được thành lập mới hoặc đặt chân vào thị trường đấu thầu, kích thích thị trường trong nước phát triển chống được sự độc quyền tự nhiên. Các chủ đầu tư, bên mời thầu cũng được tăng cường về năng lực, họ có thêm kiến thức, thông tin và trở thành những người mua ngày một thông thái hơn. Bên cạnh đó, hoạt động đấu thầu góp phần tạo động lực cho sự phát triển nhờ tăng cường sự công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả và cạnh tranh trong các hoạt động mua sắm bằng nguồn vốn của Nhà nước;

- Là một công cụ quan trọng giúp Chính phủ quản lý chi tiêu, sử dụng các nguồn vốn của Nhà nước sao cho có hiệu quả và chống thất thoát, lãng phí. Đó là những khoản tiền được chi dùng cho đầu tư phát triển mà có sự tham gia của các tổ chức nhà nước, doanh nghiệp nhà nước ở một mức độ nào đó, cũng như cho mục tiêu duy trì các hoạt động của bộ máy Nhà nước;

- Cùng với pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, pháp luật về phòng, chống tham nhũng tạo thành công cụ hữu hiệu để chống lại các

hành vi gian lận, tham nhũng và lãng phí trong việc chi tiêu các nguồn tiền của Nhà nước, góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội nhờ thực hiện các hoạt động mua sắm công theo đúng luật pháp của Nhà nước;

- Thúc đẩy chuyển giao công nghệ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữa các quốc gia, các tổ chức phát triển với các quốc gia đang phát triển. Hoạt động đấu thầu không chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp mà được diễn ra trên toàn thế giới. Các nhà thầu danh tiếng trên thế giới- họ là những người sẵn sàng và có khả năng tham gia vào tất cả các hoạt động của các quốc gia, thông qua đó họ sẵn sàng chuyển giao công nghệ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm;

- Việc chi tiêu, sử dụng tiền của Nhà nước thông qua đấu thầu sẽ giúp các cơ quan quản lý có điều kiện xem xét, quản lý và đánh giá một cách minh bạch các khoản chi tiêu (do quá trình đấu thầu phải tuân thủ các quy trình chặt chẽ với sự tham gia của nhiều bên);

- Tạo điều kiện để thúc đẩy tiến trình đổi mới nền kinh tế từ cơ chế tập trung bao cấp, cơ chế "xin - cho" sang cơ chế thị trường - cơ chế cạnh tranh;

- Thực hiện dân chủ hóa nền kinh tế, khắc phục những nhược điểm của những thủ tục hành chính nặng nề, cản trở sự năng động, sáng tạo.

Một phần của tài liệu Pháp luật về đấu thầu điện tử của một số nước, kinh nghiệm và khả năng áp dụng ở Việt Nam (Trang 29 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)