Hiện nay, một số nước ở Châu Á và Châu Mỹ đã bắt đầu chiến dịch vận động gia nhập APEC. Đáng chú ý, trong số các ứng cử viên có cả những nước không tiếp giáp với Thái Bình Dương. Do sự không rõ ràng trong quy chế thành viên hiện hành, một trong những việc mà APEC-2007 đã làm là xác định rõ các tiêu chuẩn về vị trí địa lý đối với một thành viên của APEC và định nghĩa cụ thể “Châu Á – Thái Bình Dương” là gì?. Đây không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật vì nó sẽ quyết định khả năng tham gia hay không của một số nước có vai trò kinh tế và chính trị rất quan trọng như Ấn Độ. Việc kết nạp Nga đã từng là một quyết định gây tranh cãi mà APEC cần rút kinh nghiệm. Từ lâu trong APEC đã tồn tại hai quan điểm trái ngược đối với vấn đề mở rộng APEC.
Phía ủng hộ cho rằng APEC cần theo đuổi một chính sách khu vực mở thay vì khép kín và tăng phân biệt đối xử đối với những nước không phải là thành viên, rằng tính đa dạng chính là một ưu điểm của APEC; APEC thậm chí có thể bao gồm cả các thành viên ngoài khu vực vì đây là diễn đàn hợp tác kinh tế vì khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chứ không chỉ giữa các quốc gia và lãnh thổ trong khu vực.
Phía phản đối mở rộng APEC cho rằng sự chênh lệch về trình độ phát triển và khác biệt về văn hoá, quan điểm chính trị và chính sách kinh tế, thương mại giữa 21 thành viên APEC hiện nay đã gây không ít rắc rối và trở ngại cho sự phát triển của tiến trình APEC. Việc kết nạp thêm thành viên mới không chỉ làm các bộ máy của APEC thêm cồng kềnh, phức tạp mà còn ảnh hưởng đến quá trình cải cách chỉ mới được bắt đầu của APEC, và trên hết sẽ giảm tính khả thi của mục tiêu xây dựng Cộng đồng Châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, quyết định kết nạp thành viên mới sẽ không chỉ dựa trên cơ sở phân tích tác động của việc mở rộng APEC đối với tương lai của tiến trình này mà còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố chính trị phức tạp, các cuộc vận động,
mặc cả, trong hậu trường giữa các thành viên hiện nay với các ứng cử viên gia nhập APEC.