Với tuyên bố chung “Liên kết để tăng trưởng- sáng tạo để thịnh vượng” với vai trò là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực, APEC đã có những phương hướng hoạt động động mạnh mẽ .Trong thời gian tới APEC tập trung vào các vấn đề chính như sau:
3.1. Mục tiêu Bogor và xây dựng 3 trụ cột chính.
Mục tiêu Bogor về tự do hoá thương mại và đầu tư:
Năm 2005 đánh dấu nửa chặng đường thực hiện các Mục tiêu Bogor về tự do hoá thương mại và đầu tư vào năm 2010 đối với các thành viên phát triển và năm 2020 đối với các thành viên đang phát triển. Nhiều người coi việc các thành viên cam kết thực hiện Mục tiêu Bogor là việc lớn lao nhất và ý nghĩa nhất mà APEC đã làm được cho dù mục tiêu này không rõ ràng và mang ý nghĩa chính trị là chính. Việc thực hiện Mục tiêu Bogor được coi là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá sự thành công hay thất bại của APEC.
Với cách tiếp cận đó, năm 2010 được coi là một mốc vô cùng quan trọng của tiến trình APEC. Đó là thời điểm các thành viên phát triển phải đạt được mục tiêu Bogor về thương mại, đầu tư tự do và mở cửa đối với các thành viên khác. Nếu thực hiện được mục tiêu này sẽ tạo ra động lực và cả áp lực lớn lên các thành viên đang phát triển để có thể thực hiện được mục tiêu tương tự vào thời hạn 2020, thậm chí sớm hơn. Ngược lại, nếu các thành viên phát triển không thể hoặc không chủ ý thực hiện những cam kết tự do hoá và mở cửa thì APEC sẽ chịu tổn hại lớn về uy tín và độ tin cậy. Các thành viên sẽ không còn coi trọng APEC. Ý tưởng xây dựng Cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị sụp đổ. Và đó cũng có thể là dấu chấm hết cho APEC.
Trong bối cảnh đó, việc tiến hành rà soát giữa kỳ việc thực hiện mục tiêu Bogor (MTST) trong năm 2005 đó đưa ra một Lộ trình đến Bogor là một quyết định chính trị khôn ngoan nhằm tăng cường lòng tin đối với APEC, rằng APEC
nói chung và mỗi cá nhân các nền kinh tế thành viên đều đang đi đúng hướng đến Mục tiêu Bogor.
Kết quả của MTST cho thấy APEC đã đạt được nhiều thành công trong cả 3 trụ cột là
- Tự do hoá Thương mại và Đầu tư.
- Thuận lợi hoá Thương mại và Đầu tư (hay thuận lợi hoá kinh doanh). - Hợp tác Kinh tế Kỹ thuật (ECOTECH).
Bên cạnh đó các lĩnh vực phi thương mại khác như chống tham nhũng, chống khủng bố, hợp tác phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2005 với MTST và Lộ trình Busan đến Bogor tạo cảm giác tự do hoá thương mại và đầu tư đang là nội dung hợp tác quan trọng nhất của APEC. Nhưng trên thực tế, trong thời gian qua, đặc biệt từ khi EVSL thất bại, với những khó khăn đặt ra trong quá trình thực hiện tự do hoá, APEC đã tập trung nhiều hơn vào trụ cột Thuận lợi hoá. Có thể nói, đây cũng là lĩnh vực thu được nhiều kết quả thực chất nhất trong thời gian qua và sẽ tiếp tục là trọng tâm của APEC trong những năm tới.
ECOTECH cũng sẽ tiếp tục là một trụ cột không thể thiếu của APEC một khi còn có sự khác biệt đáng kể về trình độ phát triển giữa các thành viên. Tính đa dạng và không đồng đều về trình độ phát triển dẫn đến sự khác biệt về quan điểm, chính sách phát triển và khả năng thực hiện cam kết mở cửa của 21 nền kinh tế APEC. Do đó, nếu tiếp tục chủ trương đẩy nhanh tiến trình tự do hoá thương mại và đầu tư, các thành viên phát triển cần phải chú trọng hơn nữa đến hợp tác kinh tế kỹ thuật, tạo cơ sở và điều kiện cho các thành viên đang phát triển có thể thực hiện mục tiêu tự do hoá, góp phần thúc đẩy tiến trình tự do hoá của cả APEC. Do APEC không phải là một tổ chức viện trợ phát triển, ECOTECH sẽ được thúc đẩy theo hướng nâng cao về chất và hiệu quả, tập trung vào xây dựng năng lực, phát triển nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ. Không chỉ các thành viên đang phát triển được hưởng lợi từ ECOTECH mà các thành viên đang phát triển cũng có thể thông qua đó đó tăng cường vai trò và ảnh hưởng chính trị của mình trong APEC. Đó là cơ sở để tin tưởng ECOTECH sẽ có vai trò quan trọng trong tiến trình APEC.
Sau 15 năm tồn tại và phát triển, APEC đã dần mang những yếu tố và đặc điểm của một cộng đồng; quá trình xây dựng cộng đồng đã được bắt đầu trong nhiều lĩnh vực hợp tác của APEC. Gần đây, bắt đầu xuất hiện ý tưởng thay đổi tên gọi của APEC từ “Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương” thành “Cộng đồng Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương” (“cooperation” thành “Community” thay “c nhỏ” thành “C lớn”). Tuy nhiên, sự mở rộng phạm vi nội dung hợp tác của APEC trong những năm gần đây cho thấy APEC đang hướng đến một cộng đồng gần hơn là một “cộng đồng kinh tế” thông thường.Với mục tiêu phát huy tối đa ưu điểm của nguyên tắc tự nguyện và giảm thiểu nhược điểm và tính cứng nhắc của nguyên tắc đồng thuận, thời gian qua, APEC đã áp dụng cơ chế “Người tìm đường” (path-finder) mà một số học giả còn gọi là "liên minh tự nguyện” (coalition of the willing) hay đơn giản là “21-x”. Cơ chế này làm tăng thêm tính linh hoạt và khả thi trong việc đưa ra các quyết định, cam kết cũng như việc thực hiện các cam kết trong APEC.
Một phương thức khác mà APEC áp dụng ngày càng nhiều là xây dựng các bộ “thông lệ/thực tiễn tốt nhất” (best practices) trong các lĩnh vực khó đạt được ý kiến thống nhất, vừa để các thành viên đi tiên phong chia sẻ kinh nghiệm với thành viên khác, vừa tạo ra những mô hình kiểu mẫu để tăng tính thống nhất, đồng bộ và hội tụ trong quá trình thực thi của các thành viên.
xu thế phát triển mạnh mẽ của các FTAs/RTAs (Hiệp định Thương mại tự do /Thỏa thuận Thương mại dự do) cũng có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của APEC, đặc biệt trong bối cảnh nhiều thành viên APEC đang đi tiên phong trong đàm phán và ký kết các FTA/RTA với những đối tác trong cũng như ngoài khu vực, trong khi tự do hoá thương mại và đầu tư vẫn là ưu tiên hàng đầu của APEC. Khi điều kiện để hình thành một FTA chung của APEC còn chưa chín muồi thì việc xây dựng bộ “best practices” của APEC về FTA/RTA và khuyến khích các FTA/RTA có điều khoản mở để các thành viên khác có thể tham gia sau là những nỗ lực kịp thời nhằm phát huy mặt tích cực và giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng FTA/RTA mới đối với APEC, làm tăng tính cộng đồng giữa 21 nền kinh tế thành viên.
Nguyên nhân đã và đang cản trở tiến trình APEC:
Những cơ cấu có thể là đủ cho một tổ chức mới ra đời trong năm 1989 đến nay đã trở nên bất cập khi APEC bước vào giai đoạn phát triển mới.
Những quy phạm đã từng thiết thực cách đây một thập niên nay đã trở thành những hạn chế cản trở APEC thích nghi với thực tế mới.
Cơ cấu quản trị của APEC đã trở nên quá phức tạp, quá yếu để có thể đáp ứng các nhu cầu của một tổ chức đang phát triển và cần phải được xem xét lại một cách toàn diện. Những quy định về việc đưa ra quyết định đòi hỏi sự nhất trí 100% của các thành viên thường xuyên làm trì trệ APEC và cần phải được điều chỉnh cho linh hoạt hơn.
Tính phổ cập vốn là điểm mạnh của APEC trước đây giờ đã suy giảm đúng vào lúc khu vực tư nhân, giới học giả và các nhân tố khác trong xã hội đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền ngoại giao của thế giới. Sản phẩm của APEC ngày càng trở nên hiếm hoi. APEC cần phải làm rõ vai trò của mình trong mở cửa thị trường, hợp tác kinh tế và xây xựng chính sách.
Cơ cấu tài chính của APEC yếu kém một cách đáng buồn, không tương xứng với các mục tiêu của APEC. Nếu không có cải cách, APEC sẽ đánh mất tính cạnh tranh so với các diễn đàn đa phương khác…
APEC đã thấy được nhu cầu cấp bách phải cải tổ, nhưng xác định đó là một quá trình liên tục và kéo dài. Thực tế, cải cách APEC đã bắt đầu từ lâu nhưng chỉ thực sự được chú ý và bắt đầu tăng tốc từ Năm Chilê - 2004.
Đặc biệt, cải cách APEC là một trong ưu tiên hàng đầu của Năm Hàn Quốc - 2005, tập trung vào 3 nội dung chính: nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua cơ chế phối hợp tốt hơn; ổn định tài chính và cải cách liên tục lần lượt được Nhật Bản, Ô-xtrây-lia và Xinh-ga-po chủ trì. Tuy nhiên, những nỗ lực trên đây mới chỉ là bước đầu. Để khôi phục sức sống, sự năng động và uy tín của APEC, 21 nền kinh tế thành viên phải quyết tâm hơn nữa để có thể đưa ra các biện pháp nhằm tăng hiệu quả hoạt động của APEC, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực sau:
- Cải tổ bộ máy hành chính;
- Đổi mới trong xác định mục tiêu;
- Tăng cường giám sát và rà soát chéo (monitoring and peer review); - Nâng cao hiệu quả phối hợp;
- Cải cách tài chính.