Giai đoạn trước năm

Một phần của tài liệu Chế định tài phán đối với bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra (Trang 25 - 30)

Ở chế độ phong kiến, quân chủ chuyên chế, Nhà nước không chịu bất kỳ loại trách nhiệm pháp lý nào đối với người dân của họ. Vua là người đứng đầu nhà nước và có quyền quyết định tối cao và không giới hạn về mọi vấn đề trong xã hội như chính trị, quân sự, kinh tế và tôn giáo. Quyền lực nhà nước cũng chính là quyền lực của Nhà Vua. Dưới chế độ này, mặc dù vấn đề trách nhiệm của nhà nước hay Vua trước hành vi sai trái của quan lại không được đặt ra nhưng vấn đề xử lý trách nhiệm của quan lại gây oan, sai đối với dân chúng cũng được ban hành trong từng trường hợp cụ thể hoặc bằng việc ban hành luật lệ. Tuy nhiên, pháp luật thời kỳ này cũng chưa có sự phân định rõ ràng giữa dân sự và hình sự, giữa cơ quan tài phán và cơ quan quản lý hành chính.

Ngay từ thời Lê sơ (thế kỷ XV), nguyên tắc tránh gây oan sai cũng đã được hình thành. Điều 677 Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật- 1483) quy định: “Khi lấy khẩu cung người phạm tội, quan tra phải xem xét kỹ tìm ra sự thật, để cho kẻ phạm phải nhận tội, không được hỏi quá rộng đến cả người ngoài để tìm chứng cứ bậy.” Điều 237 Bộ luật này cũng đặt ra trách nhiệm của người làm oan, sai cho người khác mà không chịu khắc phục hậu quả:

“Những ty quan làm việc có điều lầm lỗi, sự tình đã rõ ràng mà không chịu phục tình tạ lỗi, lại còn dối trá che đậy, xét tội nhẹ thì xử biếm hay tội đồ, nặng thì xử lưu”. Như vậy có thể thấy rằng, ngay từ thời kỳ này, mặc dù không quy định chi tiết về trách nhiệm bồi thường của các quan lại điều tra, xét xử sai nhưng Luật này cũng đã đưa ra mức xử lý đối với người không chịu bồi thường, không chịu “phục tình tạ lỗi”. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những vấn

đề về trách nhiệm của người gây oan, sai mà không phải trách nhiệm của Triều đình (Nhà nước) trước các hành vi gây oan, sai và hậu quả của nó.

Hoặc như lịch sử truyền lại về nỗi oan của Nguyễn Trãi trong vụ án Lệ Chi Viên xảy ra năm 1442 (năm Nhâm Tuất), quy kết bà Nguyễn Thị Lộ (vợ Nguyễn Trãi) đầu độc vua Lê Thái Tông tại vườn hoa Lệ Chi Viên thuộc huyện Gia Định (nay thuộc huyện Gia Lương, Bắc Ninh). Nguyễn Trãi bị triều đình do hoàng hậu Nguyễn Thị Anh cầm đầu khép tội giết vua và bị giết cả 3 họ (tru di tam tộc). Sau vụ án Lệ Chi Viên, dòng họ Nguyễn Trãi ở Chi Ngại, Nhị Khê gần như bị thảm sát hết, chỉ còn một số ít chạy trốn thoát nạn (được ghi lại trong phả hệ). Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi. Con cháu ông được tìm lại và bổ dụng. Người con út sinh ra sau khi Nguyễn Trãi qua đời là Nguyễn Anh Vũ được vua Lê Thánh Tông phong cho chức Đồng Tri Phủ huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), cấp cho 100 mẫu ruộng gọi là "Miễn hoàn điền" (ruộng không phải trả lại) con cháu đời đời được hưởng. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông đã chính thức minh oan cho Nguyễn Trãi. Ông ca ngợi Nguyễn Trãi là Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo, truy tặng tước Tán Trù Bá, ban cho con là Anh Vũ chức huyện quan. Năm 1467, Lê Thánh Tông ra lệnh sưu tầm di cảo thơ văn Nguyễn Trãi. Việc làm này đã góp phần bảo tồn một phần quan trọng các di sản văn hóa mà Nguyễn Trãi đã để lại. Qua đó cũng có thể thấy rằng, ở thời kỳ này, hậu quả của việc kết tội oan, sai đã được xem xét lại và khắc phục phần nào. Tuy nhiên, điều đó cũng chỉ phụ thuộc vào ý thức cá nhân và quyền lực của Nhà Vua mà không phải là trách nhiệm của triều đình hay trên cơ sở của quy định, luật lệ đã được ban hành.

Ở thời kỳ Pháp thuộc (1858 - 1945), thực dân Pháp xâm lược và thống trị Việt nam. Suốt gần một thế kỷ đô hộ, thực dân Pháp áp dụng chế độ cai trị hà khắc, tăng cường bóc lột, khai thác thuộc địa và đàn áp các phong trào yêu

nước, giải phóng dân tộc của nhân dân ta, biến Việt Nam trở thành một quốc gia thuộc địa nửa phong kiến. Thời kỳ này, xã hội dân sự không được thừa nhận, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước vì thế cũng không được quy định, trong khi trách nhiệm dân sự khác cũng đã được quy định cụ thể tại các Bộ dân luật Bắc kỳ (1931), Trung kỳ (1936), Nam kỳ (1883).

Ngay sau khi thành lập Nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà, tuy chưa có quy định về trách nhiệm bồi thường nhà nước như là một chế định, nhưng nguyên tắc chống oan sai, lạm quyền cũng đã được thể hiện ngay trong Hiến pháp năm 1946: “Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam.”[40, Đ.11]

Hiến pháp năm 1959 ra đời cũng đã ghi nhận quyền được bồi thường của người dân: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có quyền khiếu nại và tố cáo với bất cứ cơ quan Nhà nước nào về những hành vi phạm pháp của nhân viên cơ quan Nhà nước. Những việc khiếu nại và tố cáo phải được xét và giải quyết nhanh chóng. Người bị thiệt hại vì hành vi phạm pháp của nhân viên cơ quan Nhà nước có quyền được bồi thường” [40, Đ.29]. Tuy nhiên, đến thời điểm này, quyền được bồi thường thiệt hại do hành vi công quyền gây ra chỉ là một nguyên tắc mà chưa quy định rõ ai là người có trách nhiệm bồi thường, cán bộ, công chức hay là của Nhà nước.

Chế định bồi thường thiệt hại này dần được rõ ràng hơn trong Thông tư số 173/UBTP ngày 23/3/1972 của TANDTC hướng dẫn xét xử về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, Thông tư này cũng chỉ hướng dẫn chung về trách nhiệm bồi thường thay của pháp nhân, cơ quan, xí nghiệp khi cán bộ, viên chức, công nhân hay người đại diện hợp pháp của pháp nhân, cơ quan, xí nghiệp trong khi thi hành nhiệm vụ mà gây thiệt hại cho người khác và quyền đòi hỏi cán bộ, viên chức, công nhân hay người đại diện hợp pháp đó phải

hoàn trả khoản đã bồi thường thay đó, nhưng cũng chưa đặt ra trách nhiệm của nhà nước trong trường hợp này.

Và cho đến Hiến pháp năm 1980, vấn đề BTTH do người thi hành công vụ gây ra tiếp tục được khẳng định: Công dân có quyền khiếu nại và tố cáo với bất cứ cơ quan nào của Nhà nước về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc của bất cứ cá nhân nào thuộc các cơ quan, tổ chức và đơn vị đó. Các điều khiếu nại và tố cáo phải được xem xét và giải quyết nhanh chóng. Mọi hành động xâm phạm quyền lợi chính đáng của công dân phải được kịp thời sửa chữa và xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường.”[40, Đ.73]

Kế thừa các nguyên tắc đó, nhằm tiến tới xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, tôn trọng tối cao các quyền cơ bản của công dân, Hiến pháp năm 1992 quy định:

Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh” [40, Đ.72];

“Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự.” [40, Đ.74]

Vấn đề bồi thường thiệt hại do hành vi gây oan, sai trong hoạt động tố tụng cũng được ghi nhận trong các Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự. Điều 24 BLTTHS năm 1988 (sửa đổi, bổ sung năm 1990, 1992 và 2000) quy định: “Cơ quan đã làm oan phải khôi phục danh dự, quyền lợi và bồi thường cho người bị thiệt hại. Cá nhân có hành vi trái pháp luật thì tuỳ trường hợp mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự” [38].

Điều 624 BLDS năm 1995 quy định: “Cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.”[36]

Để triển khai thực hiện có hiệu quả và cụ thể quy định của Bộ luật dân sự nêu trên, ngày 03/5/1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 47/CP về giải quyết bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Trong đó, Điều 1 quy định:Cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước hoặc người có thẩm quyền gây ra trong khi thi hành công vụ hoặc trong khi thực hiện nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án” [13]; Điều 3 quy định: “Người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng bồi thường cho mình thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra hoặc yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình”[13].

Theo Điều 3, Điều 6 Nghị định 47/CP ngày 03/5/1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức Nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra, cơ quan có quyền phán xử việc BTTH là Toà án nếu các bên không thoả thuận được mức bồi thường. [13]

Ngày 04/6/1998, Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) đã ban hành Thông tư số 54/1998/TT-TCCP cụ thể hoá Nghị định 47/CP ngày 03/5/1997 của Chính phủ ở trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường và hoàn trả. Theo đó, cơ quan quản lý công chức, viên chức gây thiệt hại có nhiệm vụ tiếp nhận yêu cầu bồi thường của người bị hại. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, Thủ trưởng cơ quan phải lập Hội đồng xét giải quyết BTTH tại cơ quan, tổ chức xác minh vụ việc, sơ bộ đánh giá thiệt hại và gặp

gỡ người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ để bàn việc giải quyết với sự có mặt cán bộ, công chức, gây ra thiệt hại. Nếu chính Thủ trưởng cơ quan là người gây thiệt hại thì Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp ra quyết định thành lập Hội đồng xét giải quyết BTTH. Thành phần Hội đồng gồm: Thủ trưởng cơ quan hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan được Thủ trưởng cơ quan uỷ quyền là Chủ tịch Hội đồng; đại diện tổ chức công đoàn cùng cấp; đại diện cơ quan tài chính, vật giá cùng cấp; đại diện cơ quan chuyên ngành khoa học, kỹ thuật và đại diện cơ quan tư pháp cùng cấp. Hội đồng có trách nhiệm xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại, xác định trách nhiệm dân sự của các bên để kiến nghị Thủ trưởng cơ quan quyết định mức và phương thức BTTH. Trường hợp không thoả thuận được thì cơ quan này phải lập thành hồ sơ vụ việc đề nghị Toà án giải quyết. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết cho thấy cơ chế và thủ tục giải quyết BTTH có nhiều điểm bất hợp lý, việc để Thủ trưởng cơ quan gây thiệt hại quyết định mức và phương thức BTTH đã không tạo ra sự bình đẳng thực sự trong thỏa thuận giữa một bên là cơ quan Nhà nước và một bên là người bị thiệt hại hoặc người có quyền yêu cầu BTTH.

Do đến thời điểm này, văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao nhất về vấn đề BTTH do công chức, viên chức (kể cả trường hợp oan, sai trong tố tụng hình sự) mới chỉ là nghị định và dưới là thông tư nên việc giải quyết tại Tòa án được hiểu là thực hiện theo thủ tục chung về tố tụng dân sự- theo quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự.

Một phần của tài liệu Chế định tài phán đối với bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra (Trang 25 - 30)