HÌNH SỰ GÂY RA CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH
2.1. Các quy định hiện hành về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị oan, sai do hoạt động tố tụng hình sự gây ra cho người bị oan, sai do hoạt động tố tụng hình sự gây ra
2.1.1. Các quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự trong hoạt động tố tụng hình sự
Hậu quả của sự oan, sai do hoạt động tố tụng hình sự gây ra là vô cùng lớn, đặc biệt là đối với người bị khởi tố, truy tố và kết án oan. Tuy nhiên, qua các báo cáo tổng kết thực tiễn áp dụng Nghị định 47/CP ngày 03/5/1997 thì thấy rằng từ khi ban hành, Nghị định này hầu như không phát huy được tác dụng, không thực sự giải quyết được các yêu cầu của người bị thiệt hại [8]. Ngay kể cả Nghị quyết 388/NQ-UBTVQH11 cũng chưa làm thoả mãn yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị khởi tố, bắt giam, truy tố, xét xử và phạt tù oan sau khi đã được minh oan. Thêm vào đó là những đối tượng bị gây thiệt hại từ hành vi tố tụng, quyết định tố tụng sai cũng chưa được pháp luật đề cập xem xét. Điều đó có nhiều nguyên nhân kể cả về mặt nội dung của quy định pháp luật, về trình tự, thủ tục cũng như hệ thống cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế của xã hội, sau nhiều lần soạn thảo, tiếp thu ý kiến rộng rãi, chỉnh sửa, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XII, ngày 18/6/2009, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (số 35/2009/QH12) đã được thông qua với kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề bất cập cũng như bức xúc của xã hội liên quan đến các vấn đề BTTH do cán bộ, cơ quan nhà nước gây ra, trong đó bao gồm cả vấn đề BTTH trong hoạt động tố tụng hình sự.
Kể từ ngày Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực (01/01/2010), Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra, Nghị định 47/CP ngày 03/5/1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức Nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra và các văn bản hướng dẫn thi hành hết hiệu lực.
Về phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, Điều 26 quy định liệt kê 7 trường hợp Nhà nước phải có trách nhiệm BTTH. Đó là:
1. Người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Đây là trường hợp được bồi thường do hành vi bắt, giữ người không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Việc không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật không có nghĩa là người đó không có hành động cụ thể nào. Hành vi được biểu hiện qua hành động hoặc không hành động. Có hành động trái luật và không trái luật, có việc không hành động được coi là không phạm luật và bị coi là phạm luật. Ví dụ như việc gây thiệt hại đến sức khỏe người khác nhưng lại là hành vi hợp pháp nếu là phòng vệ chính đáng; hoặc người có khả năng mà bỏ mặc, không cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng thì bị coi là có hành vi không hợp pháp.
2. Người bị tạm giam, người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp này được áp dụng với đối với người bị kết án oan (theo phán quyết của cơ quan có thẩm quyền).
3. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành phạt tù có thời hạn mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp này được áp dụng đối với người bị mặc dù không bị tạm giữ, tạm giam hoặc chấp hành hình phạt tù nhưng bản thân họ bị CQTHTT áp dụng các biện pháp tố tụng bất lợi, trở thành bị can, bị cáo hoặc người phải thi hành bản án thì khi có phán quyết của cơ quan có thẩm quyền xác định họ bị oan thì họ vẫn được bồi thường.
4. Người bị khởi tố, truy tố, xử về nhiều tội trong cùng một vụ án, đã chấp hành hình phạt tù mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được BTTH tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành. Trường hợp này áp dụng đối với người phạm tội nhưng bị quy kết oan một số tội và đã bị giam giữ, phạt tù vượt quá mức mà họ phải chịu với tội còn lại.
5. Người bị khởi tố, truy tố, xử về nhiều tội trong cùng một vụ án và bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm tội bị kết án tử hình và tổng hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam thì được BTTH tương ứng với thời gian đã bị tạm giam vượt quá so với mức hình phạt chung của những tội mà người đó phải chấp hành.
6. Người bị xét xử bằng nhiều bản án, Toà án đã tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đó, mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một
số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được BTTH tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành.
7. Tổ chức, cá nhân có tài sản bị thiệt hại do việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu, xử lý có liên quan đến các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 điều này thì được bồi thường.[41]
Như vậy, trong 7 trường hợp được bồi thường nêu trên, trường hợp thứ bảy (Khoản 7 Điều 26) là quy định đối tượng được BTTH không hẳn hoàn toàn phải là người bị khởi tố, truy tố, xét xử oan mà cả cá nhân, tổ chức có tài sản liên quan đến việc xử lý hình sự oan đó. Đây là quy định kế thừa từ quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11: Những người thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này nếu có tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu mà bị thiệt hại thì được bồi thường [57]. Và theo đó, chỉ những đối tượng bị CQTHTT ban hành quyết định xử lý đối với tài sản (bất lợi) mà gây thiệt hại thì mới có quyền yêu cầu bồi thường.
Tuy nhiên, còn có một trường hợp liên quan đến tố tụng hình sự trong thực tế thường bị thiệt hại nhưng không được điều luật này quy định. Đó là trường hợp cá nhân, tổ chức có tài sản liên quan đến việc điều tra, truy tố, xét xử hình sự bị thiệt hại do việc CQTHTTHS có thẩm quyền không ban hành các quyết định liên quan đến “việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu, xử lý...” tài sản đó (hiểu theo Khoản 2 Điều 3 LTNBTCNN là hành vi không thực hiện). Ví dụ như việc CQTHTT không hoặc không kịp thời ban hành quyết định thu giữ tài sản bị chiếm đoạt dẫn đến việc tài sản đó bị thất thoát, tẩu tán không thu hồi được... Trường hợp này, về nguyên tắc, cá nhân, tổ chức có tài sản bị thiệt hại do hành vi không ban hành hoặc không ban hành kịp thời các quyết định tố tụng đó có quyền bồi thường. Điều này cũng phù hợp quy định
tại Điều 30 BLTTHS, phù hợp với tinh thần xây dựng LTNBTCNN là mở rộng phạm vi bồi thường, buộc Nhà nước phải BTTH do các hành vi trái pháp luật gây ra (bao gồm cả việc không thực hiện đúng quy định pháp luật), góp phần chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém, sai sót và thiếu tinh thần trách nhiệm trong hoạt động tố tụng hình sự, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người bị thiệt hại trong tố tụng hình sự. (Vấn đề này cũng không thuộc trường hợp không được bồi thường nào trong 5 trường hợp theo Điều 27 của LTNBTCNN).
Có quan điểm cho rằng, việc hạn chế phạm vi và đối tượng bị thiệt hại được bồi thường (như luật định) mà không mở rộng sang việc bồi thường thiệt hại do tất cả các hành vi trái pháp luật, hành vi làm sai trong tố tụng hình sự gây ra như vậy mới tạo tâm lý an tâm công tác cho người tiến hành tố tụng hình sự, đảm bảo hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Thế nhưng, cũng có thể lý giải cho cách hiểu theo xu hướng mở rộng phạm vi, đối tượng bị thiệt hại được bồi thường hơn so với Nghị quyết 388/2003/NQ- UBTVQH11 là nhằm đảm bảo tinh thần cải cách. Tuy nhiên, việc có thể hiểu khác nhau về quy định trong điều luật sẽ dẫn đến tình trạng khó khăn hay tuỳ tiện cho áp dụng luật, không đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của người bị thiệt cũng như sự công bằng của pháp luật.
Mặt khác, với phạm vi trách nhiệm bồi thường của LTNBTCNN cũng như trong Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 trước đây, có thể thấy rằng, phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự vẫn chỉ dừng lại ở đối tượng bị oan, còn các hành vi làm sai vẫn chưa được giải quyết triệt để, ngoài một số trường hợp quy định ở Khoản 7 Điều 26 LTNBTCNN. Như vậy, nếu trường hợp xét xử không oan (đúng tội danh) nhưng xử quá nặng, phải chịu mức hình phạt không tương xứng thì thiệt hại cũng rất nghiêm trọng lại không được bồi thường. Hành vi này (xử quá nặng)
nếu là cố ý thì cũng không khác gì hành vi cố ý ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật trong lĩnh vực tố tụng dân sự, hành chính quy định tại Khoản 4 Điều 28 Luật TNBTCNN (thuộc trường hợp phải bồi thường). Do vậy, cũng là thiệt hại do người của CQTHTT gây ra nhưng trong tố tụng hình sự thì không được bồi thường, trong tố tụng dân sự, hành chính lại được bồi thường là sự bất công, không bình đẳng ngay trong một văn bản luật.