Giai đoạn từ năm 2003 đến năm

Một phần của tài liệu Chế định tài phán đối với bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra (Trang 30 - 36)

Ngày 17/3/2003, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Nghị quyết đã xác định rõ ràng, cụ thể hơn các trường hợp được bồi thường, không được bồi thường.

Theo Điều 1 của Nghị quyết Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11, có bốn trường hợp được bồi thường thiệt hại là:

1. Người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

2. Người bị tạm giam mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giam vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;

3. Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, đã bị kết án tử hình mà có bản án, quyết định của Toà án có thẩm quyền xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội;

4. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không thuộc các trường hợp trên mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội. Những người bị khởi tố, truy tố, xét xử, bị tạm giữ, tạm giam, bị thi hành án nêu trên mà có tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu bị thiệt hại thì được bồi thường. [57]

Theo Điều 2 của Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11, có bốn trường hợp không được BTTH là:

1. Người được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; 2. Người bị xử lý về hình sự theo quy định của BLHS năm 1985 (được sửa đổi, bổ sung các năm 1989, 1991, 1997) nhưng nay theo quy định của BLHS năm 1999 thì không phải chịu trách nhiệm hình sự;

3. Những người bị khởi tố, truy tố, xét xử, bị tạm giữ, tạm giam, bị thi hành án mà do họ cố ý khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng khác sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm;

4. Những người bị khởi tố, truy tố, xét xử, bị tạm giữ, tạm giam, bị thi hành án mà bị tổn hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản do lỗi của chính mình hoặc do sự kiện bất khả kháng.[57]

Ngoài ra, Nghị quyết 388 cũng xác định cụ thể cơ quan nào có trách nhiệm bồi thường, thủ tục bồi thường, thiệt hại được bồi thường, mức bồi thường và hình thức khôi phục danh dự đối với người bị oan. Một vấn đề được ghi nhận rõ là kinh phí BTTH do ngân sách Nhà nước chi trả và người có lỗi gây oan trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự thì có nghĩa vụ hoàn trả theo quy định của pháp luật.

Kế thừa tinh thần của các quy định trước đó, Điều 12 của Nghị quyết 388 quy định về thẩm quyền và thủ tục giải quyết BTTH tại Toà án. Theo đó, Toà án có thẩm quyền giải quyết BTTH là TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi người bị oan cư trú hoặc làm việc. Thủ tục giải quyết BTTH tại Toà án được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. [57]

Cùng với sự ra đời của Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11, ngày 26/11/2003, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 cũng được ban hành. Theo đó, các quy định về bồi thường cho người bị oan, sai, bị gây thiệt hại do hành vi tố tụng cũng được ghi nhận như :

“Người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra có quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi. Cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự đã làm oan phải bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị oan; người đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.”[38, Đ.29]

Người bị thiệt hại do cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra có quyền được bồi thường thiệt hại. Cơ quan có

thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự phải bồi thường cho người bị thiệt hại; người đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.” [38,Đ.30]

Qua các quy định này, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với người bị hại (mà đại diện là CQTHTT) không chỉ dừng lại ở hành vi gây oan mà cả ở trường hợp làm sai gây thiệt hại.

Để thực hiện Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành như Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC- BTP-BQP-BTC ngày 25/3/2004 của liên ngành Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 388/NQ- UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Theo đó, Thông tư này hướng dẫn cụ thể các trường hợp được BTTH, các trường hợp không được BTTH, nguồn kinh phí chi trả bồi thường, thủ tục yêu cầu BTTH, thủ tục chi trả tiền BTTH, khôi phục danh dự, thẩm quyền và thủ tục giải quyết BTTH tại Tòa án và vấn đề giải quyết tranh chấp về trách nhiệm chi trả bồi thường giữa các CQTHTTHS có liên quan. Về việc thụ lý và giải quyết yêu cầu tại Tòa án, trong trường hợp Tòa án có thẩm quyền giải quyết BTTH lại đồng thời là cơ quan chịu trách nhiệm BTTH, thì cần phân công thành phần Hội đồng xét xử là những người không có liên quan đến việc làm oan. Việc quy định như vậy nhằm tránh những người có liên quan đến việc gây oan mà lại tham gia xét xử đối với chính hậu quả mà họ đã gây ra. Trong khi tiến hành tố tụng vụ án dân sự, họ cũng sẽ phải bị thay đổi nếu phát hiện có sự liên quan đến vụ án oan trước đó, dẫn đến có khả năng không khách quan, vô tư theo quy định tại Khoản 3 Điều 46 BLTTDS [39]. Như vậy, đến thời điểm

này, pháp luật về trách nhiệm bồi thường Nhà nước trong tố tụng hình sự đã có quy định rõ hơn về người có thẩm quyền tham gia xét xử, đã phần nào thể hiện sự quan tâm đến vấn đề đảm bảo khách quan hơn trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại oan, sai do người có thẩm quyền của CQTHTTHS gây ra.

Để thực hiện thống nhất Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 và Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC-BTP-BQP- BTC nêu trên trong lực lượng Công an nhân dân, ngày 09/11/2004, Bộ Công an Thông tư số 18/2004/TT-BCA hướng dẫn việc bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc ngành Công an nhân dân gây ra.

Ngày 22/11/2006, liên ngành Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ công an, Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC- BTP-BQP-BTC thay thế Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT-VKSNDTC- BCA-TANDTC-BTP-BQP-BTC ngày 25/03/2004 hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 388/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Việc sửa đổi này nhằm hướng dẫn chi tiết, đảm bảo hơn nữa quyền lợi hợp pháp của người bị thiệt hại,

Cũng trong giai đoạn này, Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng đặt ra phương hướng và nhiệm vụ:

“Hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự và dân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công

khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.”; “Tăng quyền hạn, trách nhiệm tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán để họ chủ động thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trong hoạt động tố tụng” [7]

Kế thừa quy định về trách nhiệm BTTH của CQTHTT từ Bộ luật Dân sự năm 1995 (Điều 624), Bộ luật dân sự năm 2005 cũng quy định: “Cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của mình gây ra khi thực hiện nhiệm vụ trong quá trình tiến hành tố tụng. Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm yêu cầu người có thẩm quyền đã gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật, nếu người có thẩm quyền có lỗi trong khi thi hành nhiệm vụ.[37, Đ.620]

Tóm tại, trong giai đoạn này, sự ra đời của Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 là một bước đột phá mạnh mẽ trong nhận thức về trách nhiệm của Nhà nước trước thiệt hại của người bị oan do hoạt động của người tiến hành tố tụng, Cơ quan tiến hành TTHS gây ra. Trên cơ sở đó nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này được ban hành nhằm thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc BTTH cho người bị oan, bảo đảm cho người bị thiệt hại được bồi thường, từ đó cũng nâng cao được ý thức trách nhiệm và sự tuân thủ pháp luật của người tiến hành tố tụng hình sự. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết này cũng bộc lộ nhiều bất cập bởi hiệu lực pháp lý thấp và thiếu tính khả thi, đối tượng được bồi thường trong Nghị quyết 388 mới chỉ dừng lại ở đối tượng bị oan, còn đối tượng bị làm sai, gây thiệt hại như quy định của BLTTHS thì còn bỏ ngỏ, chưa có quy định giải quyết cụ thể. Bên cạnh đó, việc quy định cơ quan giải quyết tranh chấp về bồi thường là Toà án nên trong một số trường hợp Toà án phải xét xử chính mình hoặc cơ quan cấp trên của mình, không đảm bảo tính khách quan

trong việc xét xử, không làm thoả mãn được yêu cầu của người bị thiệt hại, gây bức xúc trong dư luận.

Một phần của tài liệu Chế định tài phán đối với bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra (Trang 30 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)