Quy định pháp luật về việc công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định trọng tài nước ngoà

Một phần của tài liệu Pháp luật về giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng trọng tài tại Việt Nam (Trang 44 - 47)

quyết định trọng tài nước ngoài

Hiện nay, Việt Nam đã ký một số điều ước quốc tế song phương và đa phương liên quan tới việc công nhận cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài. Trong số các điều ước song phương về vấn đề này, các hiệp định tương trợ tư pháp và các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư chiếm một vị trí quan trọng. Trong số các điều ước quốc tế đa phương, Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài là điều ước chủ yếu về lĩnh vực được đề cập.

a) Các hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư

Về các điều ước quốc tế song phương ở khía cạnh hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, trong số các hiệp định này có hiệp định đưa ra các quy định điều chỉnh cụ thể nhưng cũng có những hiệp định chỉ viện dẫn pháp luật quốc gia hoặc các điều ước quốc tế đa phương về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài. Các hiệp định trong lĩnh vực này phải kể đến là:

- Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư với Italia ngày 15/05/1990, đề cập đến nhiều vấn đề về đầu tư, trong đó có vấn đề giải quyết tranh chấp đầu tư. Theo Hiệp định, các tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư và một bên ký kết có thể được giải quyết tranh bằng phương thức như hoà giải, toà án, trọng tài phù hợp với quy định về trọng tài của Uỷ ban Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế năm 1976.

- Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư với Liên minh kinh tế Bỉ - Luc- xăm- bua ngày 24/01/1991, điều chỉnh cụ thể việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài.

- Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư với Malaysia ngày 21/01/1992, chỉ quy định cách thức giải quyết bằng trọng tài mà không quy định rõ việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài. Điều này có nghĩa là hiệp định để ngỏ cho các nguồn luật quốc nội để các quốc gia ký kết tự do điều chỉnh.

- Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư với Philipines ngày 27/02/1992, không điều chỉnh cụ thể việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài liên quan đến tranh chấp. Tuy nhiên, Hiệp định lại quy định, trong trường hợp quyết định của trọng tài không được thực thi thì giữa các bên ký kết sẽ đàm phán bằng con đường ngoại giao.

b) Các Hiệp định tương trợ tư pháp

Trong số các hiệp định tương trợ tư pháp, có một số hiệp định không điều chỉnh vấn đề công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước

ngoài mà chỉ điều chỉnh vấn đề công nhận và cho thi hành các quyết định của toà án và các cơ quan tư pháp khác như Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với Cuba, Hungary…Các hiệp định tương trợ tư pháp điều chỉnh vấn đề công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài là Hiệp định tương trợ tư pháp với Lào, Trung Quốc, Mông Cổ…So với các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, các hiệp định tương trợ tư pháp có hai điểm khác cơ bản.

Một là, chúng điều chỉnh một cách trực tiếp không viện dẫn hoàn toàn vào nguồn luật quốc nội của các quốc gia ký kết do đó sẽ cụ thể và chi tiết hơn.

Hai là, đối tượng điều chỉnh của chúng là các quyết định trọng tài nói chung chứ không là quyết định trọng tài về các tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư.

c) Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài

Công ước được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 07/06/1958, có hiệu lực từ ngày 07/06/1959 và Việt Nam gia nhập Công ước này vào ngày 28/07/1995. Công ước điều chỉnh các vấn đề sau: xác định khái niệm quyết định trọng tài thuộc diện điều chỉnh của Công ước, vấn đề liên quan đến thoả thuận trọng tài; vấn đề áp dụng pháp luật tố tụng trong việc công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài; thủ tục yêu cầu công nhận và thi hành; các điều kiện công nhận và thi hành quyết định; mối quan hệ giữa Công ước với các điều ước quốc tế khác, với pháp luật quốc gia về công nhận và cho thi hành quyết định trọng tài nước ngoài. Cụ thể cho mối quan hệ trên, Công ước đã quy định: “Các điều khoản của Công ước này không làm ảnh hưởng tới hiệu lực của các thoả thuận nhiều bên liên quan tới việc công nhận và cho thi hành các phán quyết trọng tài của các quốc gia thành viên, cũng như không tước quyền có thể của một bên liên quan tới việc công nhận và thi hành một phán quyết trọng tài theo cách và theo giới hạn mà luật pháp và các điều ước của nước, nơi phán quyết sẽ

được thi hành cho phép”. Công ước này là điều ước phổ biến về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài. Theo quy định trên, các quy định về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài của các hiệp định tương trợ tư pháp sẽ được áp dụng trong quan hệ giữa nước ta với các quốc gia mà điều đó không phụ thuộc vào việc các quy định đó có trái với các quy định của Công ước hay không.

Ngoài ra, các quy định trên còn cho thấy Công ước cho phép các quốc gia thành viên quy định trong pháp luật của mình về cách thức và giới hạn công nhận và thi hành quyết định của trọng tài; ví dụ như các quy định về trật tự công cộng, về lĩnh vực giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Tất cả các Điều ước quốc tế về vấn đề trên đều thể hiện được mặt lợi ở chỗ chúng không chỉ giải quyết các vấn đề về điều kiện xét công nhận và thi hành, trình tự và thủ tục mà còn đặt ra nghĩa vụ của các quốc gia phải bảo đảm sao cho các quy định của điều ước được đưa vào cuộc sống. Ngoài ra, điều ước quốc tế còn thể hiện điểm thuận lợi ở chỗ, các quy định điều ước quốc tế thường thể hiện tính phổ biến ở các quốc gia. Điều này đảm bảo cho việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài ở các quốc gia diễn ra nhiều hơn. Đây là một điều kiện quan trọng để thúc đẩy sự hợp tác kinh tế quốc tế giữa các quốc gia và cũng là một trong số các điều kiện pháp lý thuận lợi cho sự hội nhập quốc tế của các quốc gia. Tuy nhiên, các điều ước quốc tế về công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài không phải là không có mặt trái của nó. Như điều ước quốc tế không tính được tính các đặc thù của các quốc gia do mỗi quốc gia có trình độ phát triển,truyền thống, phong tục mang bản sắc dân tộc của mỗi quốc gia.

Một phần của tài liệu Pháp luật về giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng trọng tài tại Việt Nam (Trang 44 - 47)