Các hình thức công ty khác nhau theo pháp luật của mỗi nước. Ở Việt Nam hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2005 chỉ qui định ba hình thức công ty là công ty hợp danh, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn. Đối với Anh Quốc có các hình thức công ty sau:
- Công ty hợp danh (Partnerships);
- Công ty trách nhiệm hữu hạn tư (Private limited companies);
- Công ty trách nhiệm hữu hạn công cộng (Public limited companies), trong đó gồm cả công ty đa quốc gia (Multi- national corporations) và các công ty tập đoàn (Conglomerate companies) [10, tr. 160].
Theo truyền thống pháp luật Châu Âu lục địa, các hình thức công ty có tư cách pháp nhân được chia thành hai loại bao gồm các công ty có chế độ trách nhiệm vô hạn, và các công ty có chế độ trách nhiệm hữu hạn.
Các công ty có chế độ trách nhiệm vô hạn bao gồm: công ty hợp danh (là hình thức công ty mà trong đó có sự liên kết từ hai thành viên trở lên và
các thành viên viên này phải chịu trách nhiệm liên đới và vô hạn đối với các khoản nợ của công ty); và công ty hợp vốn đơn giản (là hình thức công ty mà trong đó có sự liên kết ít nhất bởi một thành viên nhận vốn chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ của công ty và một thành viên góp vốn chịu trách nhiệm hữu hạn tới phần vốn góp của mình đối với các khoản nợ của công ty). Các công ty có chế độ trách nhiệm hữu hạn bao gồm: công ty cổ phần (là hình thức công ty mà trong đó vốn của nó được chia thành các phần nhỏ nhất bằng nhau được gọi là cổ phần được tự do chuyển nhượng trên thị trường và có các cổ đông là những người nắm giữ các cổ phần đó chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã đầu tư); công ty trách nhiệm hữu hạn (là hình thức công ty lai tạp giữa công ty hợp danh và công ty cổ phần mà trong đó thành viên hoặc các thành viên chỉ phải chịu trách nhiệm tới phần vốn mà họ cam kết góp vào công ty); và công ty hợp vốn cổ phần (là hình thức công ty lai tạp giữa công ty hợp vốn đơn giản và công ty cổ phần mà trong đó thành viên nhận vốn có cổ phần trong công ty nhưng phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ của công ty, còn các thành viên góp vốn có cổ phần trong công ty nhưng chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn tới khoản đã đầu tư).
Một số luật gia cho rằng công ty hợp danh và công ty hợp vốn đơn giản không có tư cách pháp nhân bởi không có sự phân tách rạch ròi giữa tài sản của công ty và của thành viên hợp danh hay thành viên nhận vốn. Theo quan niệm của PGS.TS Ngô Huy Cương, thành viên hợp danh hay thành viên nhận vốn có tư cách là người bảo lãnh liên đới cho các hoạt động của công ty [10, tr. 205]. Thực tế công ty hợp danh có sản nghiệp riêng biệt với sản nghiệp của các thành viên của nó. Do vậy quan điểm cho rằng không có sự phân tách rạch ròi giữa sản nghiệp của công ty với các sản nghiệp của các thành viên là thiếu chính xác. Luật Doanh nghiệp 2005 hiện hành của Việt Nam qui định công ty hợp danh có tư cách pháp nhân.