Hoạt động của các công ty

Một phần của tài liệu Phân loại thương nhân theo pháp luật Việt Nam (Trang 31 - 32)

Khác với thương nhân thể nhân, các công ty hoạt động thông qua người đại diện của mình. Người đại diện của công ty xác lập, thay đổi hay chấm dứt các hành vi pháp lý nhân danh và vì lợi ích của công ty. Thông qua người đại diện, công ty xác lập, thay đổi hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ của mình. Thông thường có hai chế độ đại diện:

- Chế độ đại diện theo pháp luật (đại diện đương nhiên). Người đại diện này được xác định trong điều lệ của công ty hoặc được xác định bởi quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người này có thẩm quyền nhân danh công ty tham gia các hành vi pháp lý cho công ty trong khuôn khổ pháp luật và điều lệ của công ty quy định.

- Chế độ đại diện theo ủy quyền. Người đại diện theo ủy quyền của công ty là người được người đại diện theo pháp luật của công ty ủy quyền thay mặt mình tham gia các hành vi pháp lý cho công ty. Người đại diện theo pháp luật có thể ủy quyền cho cá nhân thuộc nội bộ của pháp nhân hoặc cá nhân khác, hoặc cũng có thể ủy quyền cho một pháp nhân khác tiến hành các giao dịch. Người được ủy quyền tiến hành các giao dịch trong phạm vi được ủy quyền và chỉ được ủy quyền lại nếu người ủy quyền đồng ý. Hành vi của nhân viên hay đại lý của pháp nhân thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ hay sự ủy quyền được xem là hành vi của pháp nhân.

Tuy nhiên để bảo đảm cho công ty hoạt động đúng mục đích và có lợi cho các thành viên hoặc thành viên của công ty, các công ty tự mình hoặc theo qui định của pháp luật tổ chức bộ máy quản trị công ty tùy thuộc vào hình thức công ty. Cơ quan có quyền lực cao nhất trong công ty thông thường là cơ quan tập hợp các chủ sở hữu của công ty hoặc chủ sở hữu của công ty (nếu là công ty một thành viên). Nơi đây thường ra các quyết sách về các vấn đề tồn vong và các vấn đề nhân sự, tổ chức, kinh doanh lớn của công ty. Các quyết sách này buộc người đại diện của công ty phải thi hành. Vấn đề này khá khác với thương nhân thể nhân. Trong mọi hoàn cảnh và mọi trường hợp, trừ khi có qui định khác của pháp luật, thương nhân thể nhân hoàn toàn có quyền quyết định mọi vấn đề liên quan tới hoạt động kinh doanh. Các nguyên tắc cơ bản này xuất phát từ quyền tự do định đoạt của tư nhân đối với tài sản của mình.

Quan hệ giữa công ty và người đại diện xét từ bên trong là mối quan hệ ủy quyền. Do vậy người đại diện phải chịu trách nhiệm về việc gây thiệt hại cho công ty đối với những hành vi sai trái của mình, ví dụ như hành động vượt quá phạm vi của sự ủy quyền hay vi phạm nghĩa vụ của người quản lý công ty.

Một phần của tài liệu Phân loại thương nhân theo pháp luật Việt Nam (Trang 31 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)