CÁC QUI ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ CÁC LOẠI THƢƠNG NHÂN

Một phần của tài liệu Phân loại thương nhân theo pháp luật Việt Nam (Trang 50)

LOẠI THƢƠNG NHÂN

Khi nghiên cứu các loại thương nhân theo pháp luật Việt Nam, căn cứ vào mục đích nghiên cứu của đề tài luận văn, tác giả luận văn chỉ nghiên cứu, tiếp cận vấn đề về các loại thương nhân với tư cách là chủ thể của luật thương mại, nghĩa là làm rõ bản chất pháp lý của từng loại thương nhân. Luận văn không nghiên cứu những vấn đề về quy trình thành lập, tổ chức vận hành, quản trị, chuyển đổi hình thức…

Hộ kinh doanh

Có lẽ những người tham gia kinh doanh đầu tiên xuất hiện trên thị trường là những cá nhân. Cá nhân kinh doanh thường được gọi là thương nhân đơn lẻ hay doanh nghiệp cá thể. Ở Việt Nam do những điều kiện kinh tế xã hội mà con đường hình thành cá nhân kinh doanh có những điều khác biệt. Chỉ được hình thành trong qua trình đổi mới nền kinh tế sau đại hội Đảng lần thứ sáu (1986). Văn bản đầu tiên quy định về kinh tế cá thể là Nghị định số 27-HĐBT ngày 9/3/1988 ban hành bản quy định về chính sách đối với kinh tế

cá thể, kinh tế tư doanh sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, xây dựng, vận tải; nhằm giải phóng mọi lực lực lượng sản xuất phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế. Theo quy định tại nghị định này, các đơn vị kinh tế cá thể được tổ chức theo các hình thức: Hộ cá thể; Hộ tiểu công nghiệp; Xí nghiệp tư doanh. Chính từ các hình thức này là tiền đề cho sự ra đời của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân và công ty hiện nay ở nước ta. Cùng với sự biến đổi của nền kinh tế, hình thức thương nhân này cũng có những đổi thay. Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 03/2/2000 và Nghị định số 109/2004/NĐ-CP ngày 2/4/2004 gọi là hộ kinh doanh cá thể, đến Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 về đăng ký kinh doanh gọi là "hộ kinh doanh" và hiện nay là Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 định nghĩa: Hộ kinh doanh do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá mười lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

Từ định nghĩa trên cho thấy hộ kinh doanh được phân thành ba loại dựa vào chủ thể tạo lập ra nó:

+ Hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ: Hình thức kinh doanh này thực chất là thương nhân thể nhân, có bản chất là cá nhân kinh doanh. Toàn bộ tài sản đều thuộc quyền sở hữu của cá nhân, không có sự tách bạch về tài sản của hộ kinh doanh với cá nhân tạo lập ra nó. Cá nhân tự quản lý điều hành cơ sở kinh doanh và chịu trách nhiệm vô hạn trong kinh doanh. Trong trường hợp này ta thấy hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ không khác gì doanh nghiệp tư nhân, có chăng chỉ khác về quy mô kinh doanh.

+ Hộ kinh doanh do hộ gia đình làm chủ: Trường hợp này hộ kinh doanh có bản chất là hộ gia đình kinh doanh. Trong xã hội phương Đông, gia đình và kinh tế gia đình có vị trí đặc thù trong nền kinh tế. Hộ kinh doanh do hộ gia đình làm chủ, không phải là cá nhân và cũng không phải là pháp nhân,

mà là chủ thể đặc biệt của pháp luật dân sự Việt Nam. Hộ gia đình theo truyền thống ở Việt Nam bao gồm các thành viên có quan hệ huyết thống hay hôn nhân hay nuôi dưỡng, có tài sản chung, quan hệ kinh tế chung. Tuy nhiên, khi hộ gia đình tiến hành kinh doanh thì việc xác định các thành viên tham gia không hề đơn giản. Vì vậy, khi đăng ký kinh doanh cần xác định rõ các thành viên của hộ gia đình trong hộ kinh doanh nhằm bảo vệ lợi ích của các chủ nợ cũng như của hộ kinh doanh.

+ Hộ kinh doanh do một nhóm người làm chủ. Hộ kinh doanh thuộc loại hình này, trên thực tế được tạo lập dựa trên cơ sở tự do ý chí, các thành viên trong nhóm có sự quen biết và tin tưởng lẫn nhau, nói cách khác là dựa vào chữ "tín" để cùng nhau góp vốn, góp công để cùng kinh doanh lấy lãi chia nhau và cùng nhau chịu rủi ro trong kinh doanh. Xét về kết cấu hình thức, thì hộ kinh doanh do một nhóm người làm chủ có bản chất rất giống mô hình công ty hợp danh. Có lẽ nhà làm luật ở Việt Nam cho rằng hình thức hộ kinh doanh có quy mô kinh doanh nhỏ, phạm vi kinh doanh hẹp cần có những quy định đơn giản nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân liên kết để kinh doanh mà không thành lập công ty vì phải chịu sự ràng buộc rất phức tạp của các quy định pháp luật. Hình thức kinh doanh này, đáp ứng tâm lý "làng xã, phường hội" của một nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, việc cho phép "một nhóm người" không phải là hộ gia đình, được kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh cũng gây khó khăn về mặt pháp lý, nhất là về chế độ trách nhiệm của toàn nhóm và của từng thành viên trong nhóm.

Từ những phân tích trên, có thể rút ra, hộ kinh doanh có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân

Trường hợp hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ, có bản chất là cá nhân kinh doanh. Hộ kinh doanh không phải là một thực thể tách biệt với cá nhân thành lập ra nó. Mọi tài sản trong hộ kinh doanh đều là tài sản của cá

nhân tạo lập ra nó (không có sự tách bạch tài sản). Cá nhân tạo lập hộ kinh doanh hưởng toàn bộ lợi nhuận và gánh chịu mọi nghĩa vụ trong kinh doanh. Cá nhân là chủ hộ kinh doanh có thể là nguyên đơn hoặc bị đơn trong các vụ kiện liên quan tới hoạt động của hộ. Do đó hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ không phải là pháp nhân.

Trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình làm chủ, có bản chất là hộ gia đình kinh doanh. Ở hình thức này, các thành viên trong gia đình do có quan hệ huyết thống, hay hôn nhân, hay nuôi dưỡng, có tài sản chung để hoạt động kinh doanh, chính là sự đảm bảo độ tin cậy cao trong kinh doanh. Ở đây, không có sự tách bạch tài sản trong hộ kinh doanh với tài sản của thành viên trong hộ, tài sản của hộ kinh doanh là tài sản chung của hộ gia đình. Do đó hộ kinh doanh do hộ gia đình làm chủ cũng không phải là pháp nhân (trong trường hợp này rất gần với công ty hợp danh). Pháp luật Việt Nam đổ dồn tất cả quyền lợi và gánh nặng quản trị hộ gia đình vào chủ hộ. Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự, thương mại vì lợi ích chung của hộ. Tài sản chung của hộ gia đình được quy định tại điều 108 Bộ luật Dân sự năm 2005.

Trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm người làm chủ. Đây là hình thức liên kết kinh doanh đơn giản dựa trên sự thỏa thuận của các thành viên trong nhóm thường là quen biết nhau, có độ tin tưởng cao về nhân thân, cùng làm chủ và không có sự tách bạch tài sản, nên không có tư cách pháp nhân.

Thứ hai, chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm vô hạn trong hoạt động kinh doanh của hộ. Hộ kinh doanh không phải là một thực thể độc lập, tách bạch với chủ nhân của nó. Vì vậy, về nguyên tắc, chủ nhân của hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ của hộ phát sinh từ hoạt động kinh doanh. Nghĩa là chủ nhân của hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình kể cả tài sản không đưa vào kinh doanh. Tuy nhiên, theo cách diễn đạt trong điều văn của Nghị định số 43/2010/NĐ-CP về

trách nhiệm của hộ kinh doanh đối với các khoản nợ phát sinh trong quá trình kinh doanh thì còn nhiều vấn đề phải giải thích do cách diễn đạt "...hộ kinh doanh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh" [6]. Theo cách diễn đạt này thì, nếu hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ thì ta hiểu ngay rằng cá nhân đó phải chịu trách nhiệm vô hạn. Trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình làm chủ thì, thì việc trả nợ sẽ được hiểu là, trước hết phải dùng toàn bộ tài sản chung của hộ đưa vào kinh doanh để trả nợ, nếu tài sản đó không đủ thì việc xác định trách nhiệm của các và từng thành viên hộ gia đình cần tới các quy định của Bộ luật Dân sự 2005. Theo quy định của Bộ luật này thì, hộ gia đình chịu trách nhiệm bằng tài sản chung của hộ, nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình (Điều 110, khoản 2). Nếu hộ kinh doanh do một nhóm người làm chủ thì vấn đề sẽ phức tạp hơn bởi chế độ trách nhiệm của thành viên trong nhóm không được pháp luật quy định cụ thể. Nếu xem hộ kinh doanh do một nhóm người làm chủ là một công ty hợp danh không có tư cách pháp nhân, thì các thành viên trong nhóm phải chịu trách nhiệm liên đới và vô hạn đối với các khoản nợ của hộ. Song cách diễn đạt tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP như đã dẫn có ý chưa chính xác do cách diễn đạt "hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình" [6], quy định này phải giải thích là hộ kinh doanh có chế độ trách nhiệm vô hạn và chế độ này ứng với các thành viên của nhóm đã tạo lập nên hộ kinh doanh đó. Việc phân chia trách nhiệm giữa các thành viên của nhóm đối với các khoản nợ của nhóm có thể được thực hiện theo sự thỏa thuận giữa các thành viên.

Như vậy, "đứng ra chịu trách nhiệm" về mặt tài sản ở đây, trên thực tế có thể là cá nhân, là tập thể các cá nhân, hay thậm chí là tổ chức. Bởi lẽ, hộ kinh doanh không phải là pháp nhân, không phải là cá nhân(trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình, hay nhóm người làm chủ), nhưng là chủ thể kinh doanh, nghĩa là nó là một thực thể pháp lý. Song ở đó không có sự tách bạch

về tài sản giữa phần của thực thể đó và của chủ nhân tạo lập nên thực thể đó. Vì vậy khi xem xét trách nhiệm về mặt tài sản thì chính thực thể đó cùng với chủ nhân của nó (các cá nhân trong hộ gia đình, các cá nhân trong nhóm kinh doanh) phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ của thực thể pháp lý đó. Những thực thể pháp lý đó, khoa học pháp lý truyền thống gọi là thể nhân mà không nhất thiết là cá nhân. Thực thể này tương ứng với tổ hợp tác, hộ kinh doanh do gia đình làm chủ, nhóm kinh doanh ở Việt Nam [19, tr. 23]. Có lẽ, Luật Thương mại 2005 của Việt Nam khi định nghĩa thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân…mà không gọi là thể nhân hay pháp nhân như pháp luật thương mại các nước, cụm từ " Tổ chức kinh tế" phải chăng là muốn ám chỉ có những tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân như: Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn… Có tổ chức kinh tế không phải là pháp nhân như: Nhóm kinh doanh, hộ kinh doanh do gia đình làm chủ?

Thứ ba, hộ kinh doanh là hình thức kinh doanh có quy mô kinh doanh nhỏ, phạm vi kinh doanh hẹp. Đặc điểm này không xuất phát từ bản chất bên trong của hình thức kinh doanh này mà xuất phát từ ý chí của nhà lập pháp (do các quy định của pháp luật). Điều đó được thể hiện bởi các quy định: Chỉ được kinh doanh tại một địa điểm; Sử dụng không quá mười lao động. Nếu sử dụng thường xuyên hơn mười lao động thì phải đăng ký kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân

Có lẽ thuật ngữ "doanh nghiệp tư nhân" là sản phẩm của lập pháp Việt Nam dùng để phân biệt với hộ kinh doanh, bởi quy mô kinh doanh đạt đến tầm "doanh nghiệp". Pháp luật các nước gọi hình thức kinh doanh này là thương nhân thể nhân hay thương nhân đơn lẻ. Theo pháp luật Việt Nam, thì "Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp" (khoản 1, Điều 141, Luật Doanh nghiệp 2005). Từ định nghĩa này

cho thấy, các nhà lập pháp Việt Nam muốn ám chỉ rằng đây là một hình thức kinh doanh do một cá nhân làm chủ nhưng ở quy mô "doanh nghiệp". Doanh nghiệp được định nghĩa là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh (khoản 1, Điều 4, Luật Doanh nghiệp 2005). Xét về bản chất, loại hình kinh doanh này không khác gì so với loại hình hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ. Vì vậy doanh nghiệp tư nhân cũng không phải là một thực thể độc lập mà phải gắn liền với chủ nhân của nó. Chủ nhân của nó phải đầu tư vốn để tạo lập nó (một chủ sở hữu). Chủ sở hữu có toàn quyền quyết định đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp. Tài sản của doanh nghiệp không có sự tách bạch hoàn toàn với tài sản của cá nhân chủ doanh nghiệp. Thuật ngữ doanh nghiệp tư nhân trong pháp luật của Việt Nam có hàm ý, dùng để phân biệt với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ và được gọi là doanh nghiệp Nhà nước, phân biệt với doanh nghiệp do nhiều người liên kết kinh doanh gọi là công ty. Do đó từ "tư nhân" ở đây phải được hiểu là một cá nhân hay một thể nhân hay một cá thể.

Doanh nghiệp tư nhân có những đặc điểm sau đây:

- Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ. Toàn bộ vốn đầu tư ban đầu để tạo lập nên tổ hợp tài sản của doanh nghiệp do một cá nhân đầu tư, vì vậy cá nhân đó có toàn quyền sở hữu doanh nghiệp (chủ sở hữu), đồng thời làm chủ quản lý, bởi lẽ quan hệ sở hữu sẽ quyết định quan hệ quản lý. Trên thực tế dù người chủ doanh nghiệp không trực tiếp điều hành (thuê người khác) song chủ doanh nghiệp vẫn toàn quyền quyết định. Lợi nhuận thu được từ hoạt đông kinh doanh thuộc về chủ doanh nghiệp. Tư cách thương nhân thuộc về chủ doanh nghiệp với tư cách cá nhân chứ không thuộc về doanh nghiệp với tư cách là một tổ chức kinh tế.

- Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân: Bản chất pháp lý thực sự của doanh nghiệp tư nhân như đã phân tích là thương nhân thể nhân. Nó được xác định một cách dễ dàng hơn so với bản chất pháp lý của hộ

kinh doanh, mặc dù luật Doanh nghiệp có đưa ra khái niệm doanh nghiệp là tổ chức kinh tế. Trong doanh nghiệp tư nhân không có sự phân tách tài sản của doanh nghiệp và tài sản của chủ doanh nghiệp (dấu hiệu quan trọng nhất để xác định tư cách pháp nhân). Khi đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho doanh nghiệp. Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký (Khoản 1, Điều 142, Luật Doanh nghiệp 2005).Tài sản của doanh nghiệp tư nhân là tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân.

- Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn trước mọi khoản nợ phát sinh từ hoạt động của doanh nghiệp. Xuất phát từ đặc điểm không có sự tách bạch về tài sản như đã phân tích, chủ nhân tạo lập nên doanh nghiệp là

Một phần của tài liệu Phân loại thương nhân theo pháp luật Việt Nam (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)