Thương nhân pháp nhân, được coi là thương nhân bởi hình thức, hay nói đúng hơn là các thương hội, có nghĩa là thương nhân này được thành lập dưới dạng các công ty thương mại. Trên thực tế tồn tại có nhiều loại công ty như: Công ty hợp danh, công ty hợp vốn đơn giản, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, và công ty hợp vốn cổ phần…hoạt động trên thị trường với tư cách là thương nhân. Loại thương nhân này được gọi là thương nhân pháp nhân để phân biệt với thương nhân thể nhân. Khi nói tới thương nhân pháp nhân là nói tới các công ty thương mại. Vì vậy định nghĩa công ty thương mại đồng nghĩa với việc định nghĩa thương nhân pháp nhân. Tuy nhiên pháp luật các nước có sự khác nhau về quan niệm pháp nhân, có nghĩa là không phải nước nào cũng quan niệm tất cả các công ty đều có tư cách pháp nhân. Có một khu vực khác biệt nhất liên quan tới công ty hợp danh, có nghĩa là có nước quan niệm công ty hợp danh có tư cách pháp nhân, nhưng có nước không quan niệm như vậy. Hiện nay Luật Doanh nghiệp 2005 của Việt Nam xem công ty hợp danh có tư cách pháp nhân. Trong khi đó pháp luật
Hoa Kỳ coi công ty hợp danh chỉ có tư cách pháp nhân trong một vài trường hợp liên quan tới phá sản, thuế…
Để các tổ chức tham gia vào các quan hệ pháp luật nói chung và các quan hệ thương mại với tư cách là một chủ thể riêng biệt, nên khái niệm pháp nhân ra đời nhằm phân biệt với các thể nhân là những cá nhân tham gia vào các quan hệ pháp luật.
Từ thời La Mã cổ đại, những phường hội, nhà thờ, xưởng thủ công… đã hình thành và ngày càng mở rộng. Ban đầu, những "tổ chức" này không có tài sản riêng của mình mà tài sản do các thành viên góp lại như một hình thức sở hữu chung theo phần và trong trường hợp "tổ chức" bị tan rã (do nhiều nguyên nhân khác nhau) tài sản được chia trả lại cho các thành viên theo phần mà họ góp vào. Lúc này, những "tổ chức" như vậy không thể tham gia như một chủ thể độc lập trong các quan hệ pháp luật. Trong khi đó, người ta nhận thấy những trường hợp tài sản không của riêng ai như: nhà hát, nhà thờ, con tàu… đó là những vật không thể chia tách được và mặc dù những thành viên của nó thay đổi nhưng tài sản vẫn tồn tại. Những tài sản này không của riêng từng người mà là của một tổ chức tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào sự thay đổi của các thành viên trong các tổ chức đó. Những giao dịch của tổ chức thông qua người đại diện nhưng dưới danh nghĩa của tổ chức chứ không phải của cá nhân. Tuy vậy, khái niệm pháp nhân trong thời cổ đại chưa hình thành.
Trong chế độ phong kiến việc phân chia lao động tiếp tục phát triển và ngày càng có nhiều "tổ chức" như vậy ra đời. Đã bắt đầu xuất hiện nhiều công ty khai thác thuộc địa trên lãnh thổ các nước Á, Phi, Mỹ La tinh.
Sản xuất hàng hóa chế ngự trong thời kỳ tư bản chủ nghĩa, vấn đề củng cố địa vị các tổ chức kinh tế bằng phương tiện pháp lý để các tổ chức này tham gia vào các quan hệ dân sự, thương mại là nhu cầu cấp thiết với các loại hình tổ chức khác nhau và cũng là phương tiện cạnh tranh giữa các nhà tư
bản với nhau trong nền kinh tế Tư bản chủ nghĩa. Khái niệm pháp nhân được hình thành và phát triển ở thời kỳ này. Tuy vậy, không có một định nghĩa chung về pháp nhân ở bất cứ pháp luật của một nước nào, mặc dù ngày nay pháp luật các nước đều công nhận sự tồn tại của pháp nhân với tư cách là một chủ thể của luật dân sự, thương mại [32, tr. 103-104]. Các học giả, trên cơ sở nghiên cứu pháp luật đã đưa ra năm dấu hiệu cần có của một tổ chức để được công nhận là pháp nhân:
- Pháp nhân tồn tại độc lập với sự tồn tại của các thành viên tham gia. Pháp nhân được coi như một thực thể riêng biệt, có lĩnh vực hoạt động riêng, có ý chí riêng, không trùng hợp với ý chí và đời sống các thành viên trong pháp nhân đó.
- Pháp nhân có tài sản riêng, độc lập với tài sản của các thành viên. - Pháp nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình và thực hiện những hành vi pháp lý nhân danh mình.
- Có thể trở thành nguyên đơn hay bị đơn trước tòa án. - Chịu trách nhiệm độc lập với tài sản của các thành viên.
Mặc dù tương đối thống nhất với nhau trong việc định ra các dấu hiệu cần có của một pháp nhân, song pháp luật một số nước cho rằng những dấu hiệu pháp nhân trên, bản thân nó chưa đủ để công nhận tổ chức này hay tổ chức khác là pháp nhân. Điều đó được lý giải rằng trong điều kiện tập trung tư bản hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều các tổ chức mà ở nước này được công nhận là pháp nhân nhưng ở nước khác thì không. Ví dụ điển hình về trường hợp này là loại hình công ty hợp danh. Các công ty này không được công nhận là pháp nhân ở Đức, Mỹ và Anh, nhưng lại được công nhận là pháp nhân ở Pháp, Nhật Bản… Có lẽ do tình trạng nêu trên mà nhiều người cho rằng quan điểm về pháp nhân trong khoa học pháp lý là những quan điểm trừu tượng và dễ thay đổi [32, tr. 105].
Công ty có bản chất là một hành vi thương mại, có nghĩa là hành vi pháp lý có tính chất thương mại. Công ty một thành viên là một hành vi pháp lý đơn phương. Còn công ty nhiều thành viên có bản chất là một hợp đồng [11, tr. 27]. Bởi vậy Bộ luật Dân sự Pháp tại Điều 1832 quan niệm: công ty là một hợp đồng do hai hay nhiều người cùng nhau góp vốn thành lập, cùng nhau kinh doanh, cùng nhau chia lãi và cùng nhau chịu lỗ; và công ty có thể được tạo lập bởi ý chí của chỉ một người.
Qua đây cần phải phân biệt giữa công ty một thành viên (công ty cổ phần một thành viên hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên) với thương nhân thể nhân. Thương nhân thể nhân là cá nhân kinh doanh và phải chịu trách nhiệm vô hạn định đối với các khoản nợ phát sinh trong kinh doanh. Trong khi đó công ty một thành viên là một pháp nhân - một thực thể tách biệt với chủ sở hữu của nó. Do đó chủ sở hữu của công ty này chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn tới số vốn của mình góp vào công ty. Hiện nay rất nhiều nước có qui định về hình thức công ty cổ phần một thành viên. Nhưng Việt Nam chưa có hình thức công ty này.