3.4.1.1. Nhóm giải pháp chiến lược
Lập kế hoạch đa dạng hóa phương thức quản lý NLTS trong KBTB hướng tới phát triển bền vững. Nghiên cứu, phát huy thế mạnh của phương thức đồng quản lý đối với nguồn lợi thủy sản trong khu bảo tồn vịnh Nha Trang. Đây có thể xem là phương thức quản lý có nhiều ưu điểm nhất hiện nay đối với quản lý nghề cá.
Tăng cường quyền tiếp cận của người dân với chính sách và pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như môi trường. Việc tăng cường quyền tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật là hết sức cần thiết để có thể khai thác hiệu quả quản lý từ sự phản hồi thông tin phản ánh những hạn chế trong nội dung chính sách, pháp luật của người dân. Các hình thức tăng cường quyền tiếp cận cần được khuyến khích bằng quy định cụ thể trong các quy chế của KBTB.
Thiết lập các chương trình tuyên truyền, thông báo về hiện trạng NLTS và môi trường: Tiếp tục hoàn thiện và đưa trang tin điện tử vào hoạt động cũng như có các bản tin về các hoạt động quản lý diễn ra trong KBTB.
Đồng bộ các văn bản đối với ngành khai thác thủy sản trong vịnh, UBND tỉnh Khánh Hòa cần ban hành quy chế chính thức về phối hợp thực hiện giữa Ban quản lý vịnh Nha Trang và các bên liên quan (sở, ban, ngành và thành phố Nha Trang), làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động quản lý được thuận lợi hướng tới quản lý tổng hợp vùng bờ vịnh Nha Trang.
3.4.1.2. Giải pháp cụ thể cho quản lý KBTB vịnh Nha Trang a. Về quản lý khai thác thủy sản, nuôi trồng và các dịch vụ giải trí
Tiếp tục đầu tư cho công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản bao gồm các hoạt động về tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ NLTS, khuyến khích tái tạo NLTS bằng cách thả giống ra biển để tái tạo các loài đã bị mất hoặc cạn kiệt.
Tích cực công tác tuần tra ngăn chặn các hình thức khai thác hủy diệt sử dụng thuốc nổ, hóa chất, xung điện.
Giám sát rừng ngập mặn đã được khôi phục ở Đầm Bấy. Tiếp tục cấy ghép, khôi phục, bảo vệ rạn san hô, cỏ biển trong KBTB.
Có những quy định riêng về quản lý tàu thuyền đánh cá, đặc biệt đối với loại tàu thuyền nhỏ có tổng công suất máy chính dưới 20 sức ngựa hoặc không lắp máy có
chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 mét. Cần xây xựng quy chế bắt buộc khai báo đăng ký với cơ quan chức năng để quản lý;
Có biện pháp mạnh để quản lý những nghề gây hủy hoại nguồn lợi như: đánh bắt bằng chất nổ, đánh bắt bằng chất độc, đánh bắt bằng ánh sáng mạnh…
Quy hoạch lại tàu thuyền đánh bắt, cấm phát triển tàu nhỏ dưới 20CV đồng thời tiếp tục tạo điều kiện để chuyển đổi nghề sang các nghề khác như nuôi trồng thủy sản, dịch vụ du lịch. Tạo điều kiện để ngư dân đi khai thác xa bờ, nhằm giảm cường lực khai thác trong vịnh.
Ban quản lý khu bảo tồn biển cần có sự phối hợp với các ban ngành triển khai thực hiện theo quy hoạch chi tiết vùng mặt nước nuôi trồng thủy sản trong vịnh Nha Trang.
Cần duy trì hoạt động nuôi trồng thủy sản trong vịnh Nha Trang vì đây là hoạt động sinh kế có khả năng thay thế hoạt động khai thác thủy sản vùng ven bờ. Tuy nhiên, cần quy hoạch chi tiết, giám sát chặt chẽ vùng nuôi thủy sản cũng như lựa chọn mô hình nuôi, đối tượng nuôi thân thiện với môi trường và bền vững về cả mặt kinh tế như hải sâm, trai ngọc, tu hài....
Quản lý về kỹ thuật, môi trường nuôi thủy sản để bảo vệ môi trường tránh dịch bệnh phát sinh. Tiếp tục tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức người nuôi về bảo vệ môi trường và tài nguyên biển.
Quản lý và cấp phép cho các chủ hộ nuôi lồng bè, quản lý loài, giống nuôi và các điều kiện được nuôi theo đúng quy định.
Xây dựng Quy chế quản lý về hoạt động nuôi trồng thủy sản trong vịnh Nha Trang. Xây dựng đề án quy hoạch về phát triển kinh tế biển trong vịnh Nha Trang. Trong đó ưu tiên cho các lĩnh vực hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và bảo tồn biển;
Xây dựng bộ tiêu chí quy định về số lượng khách tham quan trên 01 đơn vị diện tích mặt nước biển và các hoạt động du lịch lặn biển, đặc biệt là tại khu vực vùng lõi của khu bảo tồn biển, hạn chế số lượng khách để duy trì sự bền vững các hệ sinh thái đang bị tổn thương cần phải được bảo vệ;
Phát triển và bảo vệ đa dạng sinh học, tài nguyên và môi trường biển nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các nguy cơ suy thoái;
Quy hoạch chi tiết để xác định rõ các khu vực cần được bảo vệ (đang chờ thống nhất theo hướng dẫn của Nghị định số 57). Các dự án đầu tư thực hiện theo thứ tự ưu tiên và phù hợp với mục đích phát triển của vùng;
Xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng trong công tác bảo vệ đa dạng sinh học, tài nguyên và môi trường biển gắn với hoạt động phát triển tại địa phương;
Tăng cường công tác quản lý nhà nước ở tất cả các lĩnh vực theo pháp luật, xây dựng qui chế phù hợp nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học, tài nguyên và môi trường biển;
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học, tài nguyên và môi trường biển;
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ đa dạng sinh học, tài nguyên và môi trường biển cho cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như các cơ quan quản lý nhà nước các cấp thuộc thành phố Nha Trang;
Xã hội hóa công tác bảo vệ đa dạng sinh học, tài nguyên và môi trường biển. Trong đó các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư bảo vệ được hưởng lợi từ kết quả đầu tư đó để phục vụ cho họat động sản xuất, kinh doanh của đơn vị;
Xây dựng cơ chế phù hợp nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư bảo vệ đa dạng sinh học, tài nguyên và môi trường biển trong thời gian tới,
Ban quản lý KBTB vịnh Nha Trang cần mở rộng hơn hoạt động tuần tra của mình trên khắp các vùng khác trong vịnh. Các nhân viên đội tuần tra của Ban quản lý cần được giao những quyền hạn cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của mình. Có sự phối hợp với chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ đội Biên phòng, ban bảo tồn Tổ dân phố và công ty Yến Sào Khánh Hòa trong công tác tuần tra bảo vệ NLTS trong khu bảo tồn biển.
Phổ biển quy chế quản lý KBTB vịnh Nha Trang tới các hộ ngư dân trong KBTB.
b. Đối với những hoạt động tạo thu nhập, nâng cao đời sống cộng đồng:
Việc tạo các nguồn thu nhập cũng như các hoạt động sinh kế phụ góp phần làm giảm áp lực khai thác lên nguồn lợi thủy sản trong vịnh Nha Trang.
Ban quản lý phối hợp với hội phụ nữ phường Vĩnh Nguyên duy trì tín dụng với Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh.
Các hoạt động sinh kế phụ khác như làm mành ốc hiện đang phát triển khá tốt ở khóm đảo Bích Đầm, tạo được công việc cho phụ nữ ở đây, nhưng đầu ra chưa ổn định cũng như nguồn nguyên liệu đầu vào còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Hoạt động này chưa
phát huy được hiệu quả cao trong cộng đồng các khóm đảo khác. Vì thế, Ban quản lý KBTB vịnh Nha Trang cần tìm đầu ra cũng như nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định để tạo thêm thu nhập cho cộng đồng cũng như phát triển bền vững nghề này, có thể kết hợp làm tranh ốc và đưa sang khu Hòn Mun giới thiệu và bán cho khách du lịch.
Ngoài ra, Hội phụ nữ phường Vĩnh Nguyên cũng đã phối hợp với Ban quản lý KBTB vịnh Nha Trang tổ chức các lớp tập huấn về đan lưới thể thao nhưng hoạt động này chỉ phát triển ở khóm đảo Trí Nguyên. Đầu ra của sản phẩm này khá ổn định. Vì thế, Hội phụ nữ phường Vĩnh Nguyên cần phổ biến nghề đan lưới thể thao ra các khóm đảo khác.
Chèo thúng đáy kính đưa khách du lịch tham quan đáy biển ở Hòn Một và Trí Nguyên. Đây là hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng phụ thuộc vào mùa vụ. Kỹ năng giao tiếp của những thành viên trong đội chèo thúng chưa cao. Ban quản lý vịnh Nha Trang nên tổ chức các lớp kỹ năng giao tiếp và kỹ năng tiếng Anh cơ bản cho các thành viên trong đội kết hợp hướng dẫn du lịch.
Hoàn thiện cơ chế trích 15% phí thu từ tham quan vịnh Nha Trang cho cộng đồng địa phương bằng việc đóng góp vào Quỹ phát triển môi trường khóm cho mỗi khóm đảo trong KBTB.
Liên kết với các cơ sở đào tạo và cơ sở phát triển du lịch tiếp tục đào tạo các kỹ năng, nghiệp vụ du lịch cho con em trên các khóm đảo.
Nhìn chung, các hoạt động sinh kế phụ đang được triển khai trong KBTB, đạt được những hiệu quả nhất định nhưng chưa thật sự bền vững. Vì vậy, cần có giải pháp nâng cao hiệu quả cũng như tính lâu dài của các hoạt động này. Phối hợp đồng bộ trong công tác quản lý để tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái kết hợp tham quan các vùng nuôi biển, các khóm đảo trong KBTB vịnh Nha Trang.
c. Tài chính bền vững cho Khu bảo tồn biển:
Để duy trì chiến lược tài chính bền vững cho KBTB vịnh Nha Trang thì ngoài nguồn tài chính từ việc thu phí tham quan, Ban quản lý KBTB vịnh Nha Trang cần tiếp tục chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ hỗ trợ cho công tác bảo tồn và quản lý vịnh Nha Trang, kêu gọi sự hỗ trợ từ các công ty du lịch hoạt động trong KBTB vịnh Nha Trang.