Môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng do bụi không chỉ ở những khu vực khai thác mà cảở các khu vực dân cư, trong các làng mạc và các khu đô thị. Bụi bao phủ lên khắp các làng mái nhà, ruộng vườn, trên cá thảm xây xanh dọc theo đường vận chuyển than. Bụi tích tụ trên lá cây làm giảm khả năng quang hợp, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh do có các độc tố chứa trong bụi... Bụi gây tác hại đến các công trình và vật liệu, máy móc vì bụi có chứa các chất hoá học, khi bám vào bề mặt của vật liệu sẽ gây ra các phản ứng hoá học, làm hư hỏng các công trình máy móc thiết bị. Bụi gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của cộng đồng. Bụi gây bệnh bụi phổi và các bệnh đường hô hấp. Kết quả khám định kỳ cho 1700 công nhân ngành than cho thấy trên 40% người mắc bệnh viêm mũi, viêm họng; 17% mắc bệnh viêm xoang sau 5 năm làm việc; 40% mắc bệnh phế quản sau 5 năm làm việc. Số công nhân ngành than bị bệnh bụi phổi chiếm 85% tổng số người mắc bệnh của cả khối công nghiệp.
Mức độ ô nhiễm bụi tuỳ theo mùa và cường độ hoạt động khai thác liên quan. Nguồn sinh bụi chủ yếu là do các khâu khoan nổ mìn, khai thác gương lò chợ, sàng tuyển tại các nhà máy tuyển than, bốc rót than tại các bến cảng, bụi từ cá bãi thải mỏ lộ thiên cao hàng trăm mét, dài hàng chục km theo dọc bờ biển từ vịnh Hạ Long đến Bái Tử Long do gió cuốn theo, bụi do vận chuyển than và đất đá bằng ôtô từ khu vực khai thác qua các khu dân cư đến nhà máy tuyển, kho chứa hoặc đến các bến cảng.
Ngoài bụi từ các mỏ than hầm lò còn thoát ra một lượng lớn khí độc như khí CO, SO2, H2S, NOx, CH4... Tại các khu vực sàng tuyển, nghiền , chế biến than còn xảy ra quá trình ôxy hoá dẫn đến suy giảm nồng độ ôxy cần thiết để hô hấp ( <12%).