Những khó khăn cũng như lỗi sai trong dịch thuật từ xưng hô trong gia đình của tiếng Việt và tiếng Trung mà chúng tôi đề cập trên đây có thể nói là rất cơ bản và thường gặp trong quá trình dịch thuật nói chung và từ xưng hô nói riêng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, lỗi sai này, cụ thể là:
- Người dịch không hiểu hết được cách dùng cũng như sắc thái biểu cảm, đặc điểm ngôn ngữ, văn hóa hàm chứa trong các từ xưng hô trong gia đình, dẫn đến việc lý giải sai và dịch sai.
- Người dịch không chú ý đến tình huống giao tiếp cũng như tình trạng quan hệ giữa hai chủ thể xưng hô.
- Sự khác biệt về từ xưng hô cũng như cách dùng từ xưng hô trong gia đình của tiếng Việt và tiếng Trung.
- Sự cứng nhắc, thiếu linh hoạt của người dịch.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế lỗi sai trong quá trình dịch, nâng cao chất lượng, hiệu quả biểu đạt và giá trị của bản dịch, đòi hỏi người dịch khắc phục được những nguyên nhân đã nêu ra trên đây. Cụ thể:
Thứ nhất, người dịch phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất về từ xưng hô trong gia đình của cả hai ngôn ngữ cũng như những đặc điểm ngôn ngữ, văn hóa, giá trị biểu cảm được hàm chứa trong đó. Đặc biệt, phải tìm hiểu xem cách dùng cũng như ý nghĩa, sắc thái tình cảm của
những từ xưng hô đó trong mỗi hoàn cảnh, vai giao tiếp cụ thể sẽ thay đổi như thế nào.
Thứ hai, trong quá trình dịch thuật, người dịch buộc phải chú ý và nắm rõ tình huống giao tiếp là như thế nào, tình trạng quan hệ giữa hai chủ thể xưng hô ra sao, kể cả nội dung cuộc giao tiếp, thái độ của hai chủ thể như thế nào để lựa chọn cách dịch phù hợp nhất, vừa chuyển tải được đúng và đủ nội dung, ý nghĩa như trong văn bản gốc, còn phải phù hợp với cách dùng từ của ngôn ngữ được dịch ra, khiến cho bản dịch chính xác, hay và thu hút hơn.
Thứ ba, phải tìm hiểu, nắm rõ những điểm tương đồng và khác biệt của hai ngôn ngữ Việt Trung về từ xưng hô trong gia đình trên cả phương diện kết cấu, ngữ nghĩa cũng như cách sử dụng, đồng thời người dịch phải chủ động, linh hoạt hơn trong quá trình dịch. Bởi có những từ và cách dùng từ xưng hô trong gia đình ở tiếng Việt có nhưng tiếng Trung lại không, hoặc ngược lại, lúc này người dịch đừng chỉ dịch cứng chắc theo văn bản gốc mà phải linh hoạt, chọn lựa cách dịch khác, dùng từ khác mang ý nghĩa tương đương, cũng có thể dịch thoáng ra.
KẾT LUẬN
Từ xưng hô, đặc biệt là từ xưng hô trong gia đình, không chỉ đơn thuần là một phương tiện để xưng hô trong giao tiếp mà nó còn chứa đựng, phản ánh những đặc điểm, giá trị và cả sự phát triển về văn hóa của cả một dân tộc. Trong phạm vi của đề tài này, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu từ xưng hô trong gia đình của tiếng Việt và tiếng Trung, một lớp từ mang đậm bản sắc dân tộc, dấu ấn thời đại của hai dân tộc Việt Nam, Trung Hoa.
Thông qua việc hệ thống hóa và phân tích phương thức kết cấu từ xưng hô trong gia đình của hai ngôn ngữ Việt Trung, có thể kết luận rằng, từ xưng hô trong gia đình của tiếng Trung thể hiện rõ tư tưởng trọng nam khinh nữ ngay từ phương diện kết cấu: phương thức kết cấu từ xưng hô xuất phát từ các từ xưng hô mang nghĩa gốc nam giới, đằng nội, gây ra sự mất cân bằng giữa xưng hô nam và nữ, nội và ngoại, điều này cho thấy sự ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho gia và lễ giáo phong kiến mấy ngàn năm đến văn hóa cũng như ngôn ngữ Trung Hoa. Trong khi đó, sự cân bằng và tương đối bình đẳng trong kết cấu từ xưng hô trong gia đình của tiếng Việt lại cho thấy văn hóa của dân tộc Việt Nam mặc dù cũng bị ảnh hưởng bởi chế độ phong kiến, Nho giáo, nhưng lại không sâu sắc bằng Trung Quốc, hơn nữa còn cho thấy tư duy công bằng và coi trọng tình gia đình từ ngàn xưa của dân tộc Việt.
Chúng tôi đã tiến hành khảo sát hoạt động của từ xưng hô trong gia đình của tiếng Việt và tiếng Trung xét trong các mối quan hệ hạt nhân là vợ chồng, cha con, và ông cháu, đồng thời phân tích nghĩa ngữ dụng của chúng trong các tình huống giao tiếp cụ thể mang tính điển hình. Từ đó, làm rõ những đặc điểm ngôn ngữ, văn hóa được bộc lộ qua từ xưng hô, hay chính là cách lựa chọn từ xưng hô trong các tình huống, quan hệ giao tiếp khác nhau. Nhìn chung thì cách lựa chọn từ xưng hô trong gia đình của tiếng Việt và tiếng Trung đều tuân theo nguyên tắc tôn ti trật tự, khiêm
xưng hô tôn, đồng thời thể hiện truyền thống coi trọng tình cảm và quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là sự coi trọng con cái, xem con cái là trung tâm của gia đình, đây chính là biểu hiện, đặc trưng văn hóa, tâm lí của dân tộc được biểu hiện qua từ xưng hô của tiếng Việt và tiếng Trung.
Trên cơ sở đã phân tích, chúng tôi tiến hành đối chiếu nhằm làm rõ điểm tương đồng và khác biệt giữa tiếng Việt và tiếng Trung về từ xưng hô trong gia đình, đồng thời cũng là điểm tương đồng và khác biệt trong văn hóa của hai ngôn ngữ. Thông qua phương pháp đối chiếu, chúng tôi đã trình bày một cách hệ thống những đặc điểm văn hóa được biểu hiện qua từ xưng hô trong gia đình song song với việc nêu ra 9 điểm tương đồng và 9 điểm khác biệt của hai ngôn ngữ Việt Trung về lớp từ này. Tuy nhiên, tiếng Việt và tiếng Trung thuộc cùng một loại hình ngôn ngữ, lại chịu tác động của nhiều nhân tố xã hội giống nhau, do đó, ngay trong cái tương đồng cũng có thể tìm ra những khác biệt. Mặt khác, ngay trong từ xưng hô và lựa chọn từ xưng hô trong gia đình, giữa tiếng Việt và tiếng Trung cũng có những trường hợp không hoàn toàn đồng nhất, người dùng buộc phải có sự am hiểu, đồng thời đặt nó vào hai tình huống tương đương để tìm ra được cách biểu thị xưng hô xác đáng và chuyển dịch hợp lí. Đây là cơ sở để ứng dụng nghiên cứu vào việc thực tiễn dịch thuật từ xưng hô gia đình tiếng Việt sang tiếng Trung và ngược lại.