Từ xưng hô gia đình trong tiếng Việt vô cùng phong phú, đa dạng và không kém phần phức tạp. Ngoài các đại từ chỉ ngôi hay còn gọi là đại từ nhân xưng đích thực ra thì các danh từ thân tộc cũng được dùng để xưng hô trực tiếp: ông, bà, bố, mẹ, con gái, con trai… biến đổi thành ngôi thứ nhất, thứ hai hay thứ ba tùy theo từng tình huống giao tiếp, đối tượng giao tiếp. Nhờ đó mà từ xưng hô gia đình có tác dụng biểu cảm đặc biệt trong các tình huống giao tiếp cụ thể, phát huy hiệu quả to lớn trong giao tiếp đồng thời thể hiện được cái tinh túy, lễ nghĩa, tình cảm hay chính là nét văn hóa đặc trưng trong phạm vi gia đình của người Việt.
Nhờ tuổi thọ người Việt ngày càng cao mà có những gia đình có tới bốn thế hệ sống cùng nhau: cụ, ông bà, cha mẹ, con cái. Tuy nhiên những trường hợp như vậy là rất hiếm, thường thì các gia đình có ba thế hệ là ông bà, cha mẹ và con cái sống cùng nhau, thường xuyên chung đụng và thủ thỉ chuyện trò. Chính vì vậy mà xưng hô trong gia đình chủ yếu gói gọn trong ba thế hệ này. Có thể phân chia như sau:
2.1.1.1. Xưng hô giữa vợ chồng
Quan hệ vợ chồng là mối quan hệ hạt nhân trong gia đình, có bản chất là quan hệ tình dục xây dựng trên cơ sở tình yêu. Tuy nhiên do ảnh hưởng bởi tư tưởng truyền thống và chuẩn mực xã hội mà cách xưng hô giữa vợ chồng trước đây thường không làm nổi rõ lên tình yêu, tình dục giữa vợ chồng mà tận dụng những mối quan hệ liên đới khác để định vị vai giao tiếp và xưng hô. Cụ thể là lấy con cái làm trung tâm để tạo mối quan hệ giao tiếp tự nhiên hơn khi xưng hô. Cùng với sự phát triển của xã hội qua
các thời đại, sự cởi mở hơn trong các quan niệm, chuẩn tắc đạo dức mà lối xưng hô giữa vợ chồng với nhau cũng phong phú và cởi mở, tự nhiên hơn.
Trong tiếng Việt, từ xưng hô giữa vợ chồng rất phong phú, thiên biến vạn hóa, giàu sắc thái biểu cảm như yêu thương, âu yếm, lạnh nhạt, giận hờn, chán ghét…, thể hiện nếp văn hóa tình cảm đồng thời phản ánh nhiều mặt của đời sống hôn nhân gia đình như tuổi tác, vợ chồng trẻ hay già, tính cách, đặc trưng vùng miền,…
Trong xã hội hiện đại ngày nay, vợ chồng trẻ thường gọi nhau bằng hai từ “anh”, “em”: vợ xưng “em”, gọi chồng bằng “anh” và ngược lại, chồng xưng “anh” và gọi vợ bằng “em”, hay thân mật hơn nữa thì là “anh yêu”, “em yêu”. Hoặc có thể gọi nhau bằng tên: chồng gọi vợ bằng tên và xưng “anh”, vợ vẫn xưng “em” và có thể gọi chồng bằng tên, nhưng thường đi kèm với từ “anh”, đặt trước tên để thể hiện sự tôn trọng, khiêm nhường mà cũng rất thân mật. Ví dụ:
- “Ơ! Anh quên là em ăn khuya sẽ bị đau bụng à!”
(Người phố Hoài, Lữ Thị Mai)
Cách xưng hô này không bị ảnh hưởng bởi tuổi tác, địa vị xã hội. Vợ dù có lớn tuổi hơn chồng thì vẫn xưng là em, chồng có nhỏ tuổi hơn vợ thì vẫn xưng là anh. Đây là cách xưng hô thân thiết, tình cảm, cho thấy sự hòa hợp giữa vợ chồng. Với cách xưng hô không phân biệt chênh lệch tuổi tác này, ta có thể thấy quan niệm của người Việt về đời sống hôn nhân: người vợ phải dịu dàng, khéo léo, chồng thì thì phải mạnh mẽ, biết chở che, là trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa cho vợ của mình.
Bên cạnh đó, từ “anh” và “em” là danh từ thân tộc vừa mang nét nghĩa biểu thị sự tôn trọng, lịch sự trong quan hệ khác giới, vừa là dấu hiệu biểu thị tình yêu. Khi một đôi bạn trẻ chuyển từ cách xưng hô thông thường là “cậu - tớ”, “đằng ấy - mình” sang “anh - em” thì chính là dấu hiệu cho thấy tình yêu đã bắt đầu nảy nở. Lối xưng hô này thể hiện hai mặt văn hóa rõ rệt:
Một là, xu hướng huyết thống hóa trong quan hệ hôn nhân nhằm tạo ra không khí hòa đồng không phân biệt huyết thống và phi huyết thống trong gia đình.
Hai là, vẫn giữ được tôn ti trật tự và sự trân trọng, khiêm nhường mà người phụ nữ dành cho chồng mình.
Đôi vợ chồng trẻ khi ở chỗ riêng tư cũng có khi họ gọi nhau bằng “mình”, thể hiện sự ngọt ngào, âm yếm, tình cảm nồng thắm. Ví dụ như, người chồng khi đi làm về, thấy vợ đang nấu ăn thì hỏi:
- Chồng: Hôm nay mình cho anh ăn món gì đấy?
- Vợ: Em làm món mà mình thích ăn nhất đấy mình ạ!
“Mình” ở câu thứ nhất là chỉ người vợ, ở câu thứ hai lại là chỉ người chồng, với cách gọi “tuy hai mà một, tuy một mà hai” này, khoảng cách vợ chồng như được kéo gần lại, tình cảm lại thêm phần thắm thiết.
Hay như trong tác phẩm Đời thừa của Nam Cao, ta cũng có thể bắt gặp cách xưng hô này giữa hai vợ chồng Từ và Hộ:
- Mình đi phố thì đi ăn đi nhé…Em không để cơm mình đâu đấy…
Thường thì vợ chồng trẻ ít gọi nhau bằng tiếng “mình” trước mặt người khác bởi họ còn ngại ngùng, nhưng khi đã có con hoặc lớn tuổi hơn thì lại rất vô tư, tự nhiên hơn khi gọi nhau như vậy trước đám đông.
Thông thường, khi yêu thương, mặn nồng thì có rất nhiều cách để gọi nhau, thậm chí lúc gọi thế này, lúc gọi thế kia cho... yêu hơn. Nhưng một khi cơm không lành canh chẳng ngọt, nóng giận, cãi vã thì vợ chồng đổi giọng, khó mà gọi nhau được như bình thường. Những cách nói đầy yêu thương như anh anh em em, mình ơi, mình à,… sẽ nhường chỗ cho những danh xưng đầy khách sáo và hờ hững: vợ gọi chồng là “ông”, chồng gọi vợ là “cô”, cùng tự xưng mình là “tôi”,…
Trong đời thường, ta có thể bắt gặp những tình huống vợ chồng xung đột, cãi vã và gọi nhau bằng những danh xưng không mấy ngọt ngào như:
- Chồng: Cô nín đi, đừng lắm lời nhiều chuyện như vậy. Tôi chịu đựng hết nổi rồi đấy!...
-Vợ: Tôi biết hết rồi! Không có lửa sao có khói? Ông không gì, sao có lời ong tiếng ve xì xầm?
Tệ hại hơn, nhiều trường hợp khi mâu thuẫn lên đến cao độ, vợ chồng không thể kiềm chế cơn nóng giận mà “tặng” nhau những tiếng “mày – tao” đầy hậm hực. Thậm chí còn tự xưng là “ông”, “bà” và gọi đối phương là “mày” hay mạt sát nhau là đồ này, đồ nọ, loại này, loại nọ,… khiến cho vợ chồng về sau khó nhìn mặt nhau, khó mà âu yếm gọi nhau bằng những từ thân mật như trước kia. Từ “ông” và “bà” ở đây là ngôi thứ nhất, thể hiện sự trịch thượng, tự nâng cao mình và hạ bệ, xem thường người khác. Ví dụ:
- Chồng: Mày im cái mồm ngay! Không, ông vả cho méo mặt bây giờ! - Vợ: Bà không im. Ngon vô đây mà vả. Bà thách mày đấy!
Từ “mày” trong câu thứ nhất chỉ người vợ, “mày” ở câu thứ hai lại là chỉ người chồng. Trong ví dụ này, cả hai vợ chồng đều gọi đối phương một cách miệt thị là “mày” đồng thời tự xưng mình là “ông”, “bà”, đây cách hành xử, xưng hô thiếu chuẩn mực, văn hóa, thiếu kiềm chế, đẩy mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm và tất yếu dẫn đến tình cảm vợ chồng rạn nứt, đổ vỡ.
Ở độ tuổi ngũ tuần, con người đã không còn trẻ trung nữa, tâm lí đã bắt đầu xuất hiện sự lão hóa. ở nông thôn Việt Nam, độ tuổi này đã “lên lão” được xếp vào lớp người cao tuổi. Về mặt khách quan, xã hội Trung Quốc cũng như Việt Nam đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của lễ giáo phong kiến. Lấy năm 1945, cách mạng tháng 8 thành công ở Việt Nam và năm 1949, nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời làm mốc lịch sử mở ra kỷ nguyên mới cho hai dân tộc. Có thể thấy, những người độ tuổi 50 trở lên chịu ảnh hưởng nhiều hơn những tư tưởng truyền thống so với thế hệ trẻ hơn, sau này được tiếp xúc với từ tưởng hiện đại. Có thể nói rằng, lúc này, tâm sinh lý của cả hai vợ chồng đều đã thay đổi, tình yêu nồng thắm thời
tuổi trẻ dần nhường chỗ cho “nghĩa” vợ chồng. Do đó, quan niệm về gia đình nói chung và quan niệm về quan hệ vợ chồng cũng như cách xưng hô giữa vợ chồng ở độ tuổi này cũng có sự khác biệt.
Mặt khác, thông thường ở độ tuổi này, con cái đã trưởng thành, có khi đã có gia đình riêng và họ đã thực sự nên ông, nên bà ngay trong quan hệ gia đình. Có con, có cháu cả rồi nên việc thay đổi cách xưng hô cũng rất tự nhiên, họ tự xưng là “tôi” nhưng lại chuyển sang gọi nhau là “ông - bà”: vợ xưng “tôi”, gọi chồng “ông”, chồng cũng xưng “tôi” và gọi vợ là “bà”. Hai tiếng “ông”, “bà” ngôi thứ hai này không còn mang ý nghĩa lạnh lùng, xa cách và thiếu tôn trọng như trường hợp đã đề cập ở trên nữa, thay vào đó là ý nghĩa tôn trọng, mang nét đứng tuổi, nhưng cũng không kém phần thân thiết, đằm thắm. Ví dụ:
- Chồng: Bà đã gọi cho con bé chưa?
- Vợ: Gọi rồi ông ạ, giờ ông đèo tôi qua nhà nó nhé!
Ngoài những cách xưng hô kể trên, giữa vợ chồng người Việt còn có sự “chuyển vai xưng hô” theo lối tự xưng gọi thay cho con, cháu (khi hai người đã có con, cháu): vợ gọi chồng là bố cu Tí, bố nó, ông nó…, tự xưng là em, mẹ hoặc tôi; chồng thì gọi vợ là mẹ thằng Cún, mẹ nó, bà nó…và tự xưng anh, bố hoặc tôi. Ví dụ:
- Bố nó hôm nay kiếm được bao nhiêu tất cả...?
(Bà lão lòa, Vũ Trọng Phụng)
Hoặc những tình huống ta thường thấy trong đời thường như, khi người vợ chuẩn bị đi chợ, người chồng có thể nói:
- Mẹ nó đi chợ nhớ mua cho anh chai bia nhé.
Cũng có những cặp vợ chồng chỉ gọi nhau một cách giản lược là “bố” hoặc “mẹ” như:
- Bố cái Su đâu lấy cho mẹ bình sữa nào!
“Bố” ở đây là chỉ người chồng, “mẹ” là cách người vợ tự xưng mình, người vợ lúc này đã chuyển cách xưng hô thông thường giữa hai vợ chồng
thành cách xưng hô gọi thay cho con, làm nổi bật trọng tâm quan hệ giữa hai vợ chồng là con cái.
Cách xưng hô này thể hiện sự trân trọng, khắc sâu, nhắc nhở về tôn ti trật tự vai vế cũng như mối quan hệ mật thiết, trách nhiệm đối với nhau trong gia đình. Cha mẹ với con cái mặt khác nó thể hiện lối sống vì con, coi trọng con cái (lấy con cái làm trung tâm của quan hệ, giao tiếp), đặt con cái vào trong cuộc sống, quan hệ của mình.
2.1.1.2. Xưng hô giữa cha mẹ với con cái
Có thể khẳng định rằng quan hệ giữa con cái với cha mẹ là quan hệ huyết thống, thuộc hai thế hệ trên và dưới, thế hệ sau là sự phái sinh của thế hệ trước. Về mặt khách quan, bối cảnh xã hội khác nhau có những ảnh hưởng khác nhau đến quá trình hình thành nhận thức và nhân cách của hai thế hệ. Điều này đã tạo nên hàng rào vô hình về tư tưởng, tình cảm, lối sống, sở thích giữa hai thế hệ. Tuy nhiên, trong ý thức về gia đình của người Việt, con cái bao giờ cũng là “khúc ruột liền”, là một phần cơ thể, một phần cuộc đời, là niềm vui nỗi buồn và cũng là mục đích để phấn đấu, hy sinh của cha mẹ. Con cái là nhịp cầu nối hạnh phúc, niềm vui giữa cha và mẹ. Xưng hô giữa cha mẹ và con cái một mặt phản ánh nghi thức giao tiếp trong gia đình, mức độ tu dưỡng, giáo dục của con cái, mặt khác là tiêu chí phản ánh tư tưởng tình cảm giữa hai thế hệ.
Sự quan tâm của cha mẹ khi còn trẻ hay khi đã cao tuổi đối với con cái còn nhỏ hay đã trưởng thành, lập gia đình là khác nhau, dẫn đến cách xưng hô qua từng giai đoạn cũng có sự khác biệt.
Khi cha mẹ còn trẻ và con còn nhỏ: “cha” và “mẹ” là hai từ xác định vị trí đấng sinh thành ra con, tuy nhiên “cha” ít khi được dùng để xưng hô trực tiếp. Xưng hô giữa bố mẹ và con cái thường dùng từ “bố” và “mẹ” ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai. Nghĩa là bố mẹ có thể tự xưng với con, đồng thời con cũng dùng từ “bố”, “mẹ” để gọi. Đây là cách xưng hô cơ bản và phổ biến, thể hiện sự gần gũi, ân cần và quan tâm của cha mẹ đối với con
cái. Bước đầu định hình cho con trẻ nhân cách, tình cảm. Ví dụ, người bố có thể nói với con:
- Con đúng là con gái ngoan của bố!
- Con muốn ăn gì nào, bố mua cho!
Những năm đầu đời của con trẻ, bố mẹ cũng thường gọi chúng bằng tên tục chung chung cho con cái là cu tí, nhóc, bé, cún…, hay tên tục đặt cho con gắn với kỷ niệm, món ăn, sở thích của hai vợ chồng, nét đặc trưng, sở thích của đứa bé như cà rốt, trứng, thỏ, tròn,… Trước đây người ta quan niệm rằng gọi con bằng những cái tên càng xấu, càng tục thì con cái lại càng dễ nuôi, chóng lớn nhưng bây giờ, những tên tục đẹp, đáng yêu lại được ưu tiên sử dụng hơn cả. Không ít cặp vợ chồng còn gọi con là cưng,
cục cưng, cục vàng…
- Cún vào đây mẹ tắm cho.
- Thỏ ơi ra đây bố bảo cái này.
Cách xưng hô này cho thấy sự âu yếm, cưng nựng của cha mẹ dành cho con cái, khiến cha mẹ với con cái gần gũi, thân thiết nhau thêm. Nó cũng phần nào thể hiện được lối sống trọng tình nghĩa, giàu thương yêu và xem trọng con cái của của người Việt Nam.
Trong nhiều gia đình, các cặp vợ chồng có thói quen gọi con bằng tên riêng: Lan, Mai, Tùng, Trâm Anh…,còn mình vẫn tự xưng là bố mẹ. Ví dụ:
- Tùng đâu ra mẹ đèo đi học!
- Lan ơi lấy cho bố tờ báo!
Các cụm danh từ chỉ quan hệ thân tộc như “con trai/gái của bố”, “con trai/gái của mẹ”, “con trai/gái mẹ”…thường được dùng để xưng hô ở cả ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai. Các cụm từ này mang sắc thái biểu cảm mạnh, có tính gợi cảm cao, sâu sắc. Ở ngôi thứ hai, tức bố mẹ dùng để gọi con cái, nó thể hiện sự âu yếm, ân cần và đầy yêu thương của bố mẹ dành cho con cái. Ví dụ:
- Con trai mẹ hôm nay đi học có ngoan không?
Ở ngôi thứ nhất, tức là con cái dùng để tự xưng khi nói chuyện với bố mẹ, các cụm từ này lại cho thấy sự nũng nịu, muốn được vỗ về, quan tâm nhớ đó có tính thuyết phục mạnh hơn trong các tình huống cầu khiến, thuyết phục.
- Mẹ xem, con gái mẹ hôm nay có xinh không?
- Bố có thương con gái bố thì bố đừng uống rượu nữa!
Cha mẹ lúc nào cũng yêu thương con cái, dành cho con những cử chỉ, lời nói âu yếm thân mật. Thế nhưng, khi con cái làm điều sai trái, khiến người làm cha làm mẹ không kiềm chế được cơn tức giận mà có cách xưng hô xa cách, nặng nề: bố mẹ tự xưng là “bố mày”, “mẹ mày” và gọi con là “mày”, hay thậm chí là xưng hô “mày - tao”, cho thấy sự thiếu kiềm chế lúc tức giận,la mắng, răn đe con cái. Ví dụ, trong nhiều trường hợp, ta bắt gặp các ông bố bà mẹ mắng con:
- Sao mày cứ suốt ngày phá phách làm khổ bố mẹ thế hả?
- Mày im đi cho tao nhờ, khóc lóc nỗi gì!
- Mày có biết nghĩ thì mày lo học hành đi cho mẹ mày được nhờ!