2.2.1. Điểm tương đồng giữa tiếng Việt và tiếng Trung về từ xưng hô trong gia đình hô trong gia đình
Tiếng Việt và tiếng Trung đều có hẳn một hệ thống từ xưng hô gia đình hoàn chỉnh với số lượng tương đối lớn. Ngoài việc dùng các đại từ nhân xưng đích thực, tiếng Việt và tiếng Trung còn sử dụng các danh từ chỉ quan hệ thân tộc, tên riêng hay các cụm từ, tổ hợp từ làm phương tiện xưng hô. Hệ thống từ xưng hô gia đình của tiếng Việt và tiếng Trung đều giàu sắc thái biểu cảm và được sử dụng rất linh hoạt trong các tình huống giao tiếp gia đình khác nhau, mang lại hiệu quả cao trong quá trình giao tiếp, biểu đạt.
Phần lớn các danh từ chỉ quan hệ thân tộc trong tiếng Việt và tiếng Trung đều có thể được chuyển hóa thành từ xưng hô. Việc sử dụng danh từ
thân tộc để xưng hô trực tiếp trong gia đình thể hiện sự coi trọng huyết thống, tình cảm, coi trọng gia đình và trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình đối với nhau và với cả gia đình, khiến cho các thành viên trong gia đình xích lại gần nhau hơn, yêu thương và cảm thông cho nhau hơn.
Chính tâm lí coi trọng tình cảm gia đình đã dẫn đến việc xuất hiện xu hướng huyết thống hóa và rút ngắn khoảng cách thế hệ trong xưng hô của cả tiếng Việt và tiếng Trung.
Trong tiếng Việt và tiếng Trung, tính lịch sự đã trở thành chuẩn mực giao tiếp, không chỉ trong môi trường giao tiếp xã hội mà trong cả môi trường giao tiếp gia đình. Tính lịch sự hay chính là nguyên tắc “khiêm xưng hô tôn” hay tâm lí tôn trọng “tôn ti trật tự” đã ảnh hưởng, chi phối đến việc lựa chọn từ xưng hô khi giao tiếp trong môi trường gia đình. Nhờ có hệ thống từ xưng hô trong gia đình phong phú mà trong các tình huống giao tiếp nhất định, xưng hô trong tiếng Việt và tiếng Trung vừa cho thấy được thứ bậc, vai vế trong gia đình mà vẫn thể hiện được tình cảm, sự gần gũi, tôn trọng nhau giữa những người tham gia giao tiếp.
Họ tên trong tiếng Việt và tiếng Trung đều được dùng để xưng hô. Khi xưng hô trong gia đình, việc dùng cả học và tên hay dùng tên đơn, tên kép, tên tục…sẽ mang lại các sắc thái biểu cảm và hiệu quả giao tiếp khác nhau. Thông thường thì khi dùng tên để xưng hô, cả tiếng Việt và tiếng Trung đều kết hợp với các danh từ chỉ quan hệ thân tộc, vừa để chỉ rõ quan hệ, vai vế, thể hiện sự tôn trọng, lịch sự lễ phép, vừa làm thỏa mãn thái độ, tình cảm của người nói đồng thời thỏa mãn tấm lí của người nghe. Trong gia đình, thế hệ trên (ông bà, cha mẹ, chú bác…) có thể chỉ dùng tên để hô gọi khi xưng hô trực tiếp với thế hệ dưới (con, cháu, chắt), nhưng thế hệ dưới thì không thể dùng tên để hô gọi thế hệ trên. Trong một vài trường hợp, thế hệ dưới có thể dùng tên để hô gọi thế hệ trên nhưng phải kết hợp với danh từ thân tộc.
Tiếng Việt và tiếng Trung đều có cách xưng hô thay, xưng hô nâng bậc, lấy người nghe làm chuẩn hoặc lấy người người thứ ba làm chuẩn. Đây là cách xưng hô đặc biệt, nhấn mạnh vị trí, vai trò của người nói hoặc người nghe nhằm nâng cao tính biểu cảm cũng như sức thuyết phục đối phương trong cuộc hội thoại.
Hiện tượng sử dụng tổ hợp từ xưng hô lâm thời xuất hiện trong cả tiếng Việt và tiêng Trung (đồ quỷ sứ, con nhóc cứng đầu, thằng giặc này...). Tùy theo từng tình huống cụ thể mà các tổ hợp từ này mang ý nghĩa mắng yêu, trách móc nhẹ nhàng mà vẫn đầy yêu thương hay thể hiện sự trách mắng nặng nệ hoặc thậm chí là ghét bỏ.
Từ “vợ”, “chồng” trong tiếng Việt và từ “我” phu, “我” thê trong tiếng Trung thường thì không được sử dụng làm từ xưng hô trực tiếp, thay vào đó là hàng loạt các cách xưng hô khác uyển chuyển hơn và né tránh mối quan hệ bản chất sinh học giữa vợ và chồng. Để xưng hô giữa vợ và chồng được tự nhiên nhưng vẫn tình cảm và giữ được tính lịch sự, tôn trọng nhau trước mặt người khác, nhất là các thế hệ trong gia đình, tiếng Việt và tiếng Trung đều sử dụng các cách xưng hô khác như đại từ nhân xưng, danh từ chỉ quan hệ thân tộc hoặc cách gọi thay, lấy con làm trung tâm, theo xu hướng huyết thống hóa. Cách xưng hô này không những cho thấy nét văn hóa đặc trưng của người Á Đông là sự nền nếp, gia giáo, tránh né những vấn đề nhạy cảm như tình yêu - tình dục mà còn thể hiện truyền thống coi trọng con cái, xem con cái là trung tâm của của gia đình đồng thời nói lên vai trò của người làm cha, làm mẹ đối với con cái trong quan niệm của người Việt Nam và người Trung Quốc.
Về mặt cú pháp, vị trí của từ xưng hô trong cả hai thứ tiếng đều tương đối linh hoạt, có thể đứng đầu câu, giữa câu hoặc cuối câu. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là ở đầu câu. Trường hợp đứng ở giữa hay cuối câu thường mang sắc thái biểu cảm đặc biệt hơn, thể hiện dụng ý của người nói muốn thu hút sự chú ý của người nghe vào nội dung mà người nói đang nhắc đến.