I. Phân tích mua hàng
1. Mục đích và ý nghĩa phân tích
1.1. Mục đích
Mua hàng là hoạt động thương mại, theo đó bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thoả thuận (điều 3 Luật Thương mại).
Mục đích phân tích tình hình mua hàng nhằm đánh giá đúng đắn, khách quan tình hình thực hiện mua hàng của doanh nghiệp; qua đó thấy được sự tác động, ảnh hưởng của mua hàng đến thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và hiệu quả kinh tế.
Qua phân tích tình hình mua hàng chỉ ra những tồn tại bất hợp lý trong quá trình thực hiện kế hoạch mua hàng để từ đó đề ra được những chính sách, biện pháp đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, giá cả hàng mua nhằm thực hiện tốt kế hoạch mua hàng.
1.2. Ý nghĩa
Phân tích mua hàng là một khâu quan trọng trong quá trình phân tích hoạt động của doanh nghiệp. Đối với hoạt động kinh doanh thương mại phân tích mua hàng được thực hiện tốt sẽ đảm bảo cung ứng hàng hoá cho bán ra hợp lý; Nếu doanh nghiệp thực hiện tốt kế hoạch mua hàng, đảm bảo đủ về số lượng, kết cấu chủng loại, chất lượng, giá cả hàng mua cũng như thời điểm cung ứng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Nguồn số liệu dùng để phân tích tình hình mua hàng là các chỉ tiêu kế hoạch mua hàng được xây dựng căn cứ vào các chỉ tiêu kế hoạch bán ra, kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp bao gồm các chỉ tiêu: tổng trị giá hàng mua theo nhóm hàng, mặt hàng chủ yếu; các số liệu kế toán thống kê về hàng hoá, nguyên vật liệu... các hợp đồng mua hàng và các chứng từ, hoá đơn phản ánh tình hình mua hàng; ngoài ra còn phải sử dụng thêm cả thông tin kinh tế, thị trường của những mặt hàng mua vào của doanh nghiệp.