6. Bố cục của luận văn
3.1 Một số nét riêng và chung của chợ làng xã ở Mê Linh từ thế kỷ XIX đến
thế kỷ XX
Trải qua hai thế kỷ với nhiều thăng trầm, thay đổi và biến thiên của lịch sử dân tộc, trên vùng đất Mê Linh, Hà Nội ngày nay cũng trải qua nhiều thay đổi cả về thể chế kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội. Từ hình thái kinh tế xã hội phong kiến đến thời kỳ Pháp thuộc, giai đoạn kháng chiến chống Pháp, tiếp đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước oanh liệt, kết thúc thời kỳ chiến tranh cách mạng, cả đất nước bắt tay vào công cuộc khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nằm trong bối cảnh đó, hệ thống chợ làng xã cũng không ngừng thay đổi, phát triển. Nhìn chung chợ làng xã ở Mê Linh từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX có sự phát triển về số lượng các chợ, quy mô buôn bán, trao đổi cũng như diện mạo, điều này cũng chứng minh cho sự phát triển của nền kinh tế, xã hội trong các làng xã ở Mê Linh mặc dù sự chuyển biến và phát triển này chậm chạp.
- Về số lượng và quy mô các chợ làng xã: Nếu như đầu thế kỷ XIX, dưới thời nhà Nguyễn, mỗi tổng (gồm nhiều làng, xã) ở Mê Linh chỉ có một chợ: Chợ Trung Hậu thuộc tổng Thiên Lộc; chợ Hạ thuộc tổng Hạ Lôi; chợ Đợ tổng Kim Đà; chợ Mét tổng Thọ Lão; chợ Sặt tổng Yên Lãng, chợ làng Xa Mạc tổng Xa mạc; chợ làng Kim Hoa tổng Kim Hoa; chợ làng Chi Đông tổng Da Thượng thì đến cuối thế kỷ XX, số lượng các chợ làng xã ở Mê Linh đã tăng lên nhiều, trung bình mỗi xã thuộc Mê Linh có 1 chợ, có xã có 02 đến 03 chợ (Xã Hạ Lôi, xã Tiến Thịnh). Và ngoài các chợ làng xã họp theo phiên với số lượng hàng hóa đa dạng, số người tham gia đông thì ở trong các làng, các xóm cũng hình thành những chợ sáng, chợ chiều họp tự phát phục vụ nhu cầu phát sinh của một bộ phận dân cư. Trong một làng, bán kính đến chợ gần
nhất không quá 3km, có thể nói một hệ thống chợ dày đặc xung quanh các làng ở Mê Linh.
Quy mô các chợ làng xã gần như thay đổi một cách rất chậm, về cơ bản ở các chợ cơ sở vật chất, lều quán, cầu chợ vẫn còn nhiều bất cập và tạm bợ. Thời phong kiến các chợ làng chỉ có các lều chợ đơn giản được dựng lên bằng 4 cây cọc ở 4 góc, trên dùng ni lông, lá cây, hoặc rơm để che, còn lại họp hoàn toàn ngoài trời, dưới bóng cây cổ thụ. Thế kỷ XX, ghi nhận sự phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, song bên cạnh một số gian hàng ở các chợ, các kiot được xây kiên cố bằng gạch, lợp ngói, hoặc tấm lợp bằng tôn, bờ rô thì hình thức tạm bợ vẫn chưa được xóa bỏ, hình thức chợ họp giữa trời còn phổ biến. Ngày nắng, hay ngày mưa người đi chợ đều gặp khó khăn, hệ thống nước, vệ sinh không đảm bảo, chỗ để xe cho khách mua hàng, bán hàng chưa có. Diện tích các chợ còn có xu hướng giảm theo thời gian do quy hoạch đất đai của các địa phương. Điều này cũng cho thấy diện mạo của chợ làng xã chưa được quan tâm, xây dựng, phát triển theo đúng với vai trò và vị trí của nó trong nền kinh tế.
- Về hàng hóa buôn bán, trao đổi ở các chợ làng xã: Dưới thời nhà Nguyễn, chính quyền phong kiến vẫn mang nặng tư tưởng "dĩ nông vi bản, dĩ thương vi mạt" từ đó đi đến nhận thức và đi đến quyết sách "trọng nông ức thương" "bế quan tỏa cảng" gây cho nền nội thương, ngoại thương của dân tộc gặp nhiều khó khăn, không phát triển lên nền kinh tế sản xuất hàng hóa được, đồng thời nó cũng kìm hãm hoạt động buôn bán, trao đổi ở các chợ làng xã, chợ huyện, chợ tỉnh trên địa bản cả nước, trong đó có cả các chợ làng xã trên địa bàn Mê Linh. Lúc này, hàng hóa chính ở chợ Trung Hậu, chợ Hạ, chợ Đợ, chợ Mét, chợ Sặt,… là các loại sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp, hàng tiêu dùng hàng ngày và những đồ phục vụ cho lễ hội cũng như các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng như: Lương thực có: Thóc, gạo, ngô, khoai; thực phẩm có các loại rau, củ, quả, cây gia vị; thịt lợn, thịt gà, trâu, bò; hàng xén,
vải vóc, thuốc nhuộm, trầu cau, hàng mã, công cụ lao động, rượu,… tạo nên sự ổn định cho cả một xã hội làng xã suốt nhiều thế kỷ [19].
Bước sang thời Pháp thuộc, hàng hóa đã có sự đa dạng hơn, chính sách "bế quan tỏa cảng" "trọng nông ức thương" gần như bị xóa bỏ hoàn toàn, Việt Nam vừa là thuộc địa lại vừa là thị trường độc chiếm của Pháp, bên cạnh dấu chân xâm lược, văn hóa Pháp trên khắp các làng xã Việt Nam là hàng hóa có xuất sứ từ Pháp, hoặc sản xuất ở Việt Nam theo công nghệ Pháp từng bước thâm nhập vào các chợ tỉnh, chợ huyện và về cả các lũy tre làng nơi có chợ làng xã. Bên cạnh những mặt hàng truyền thống, các chợ làng xuất hiện một số hàng hóa mới như: Dầu lửa, vải vóc, quần áo, giày dép theo kiểu dáng phương Tây, rượu Tây, nước uống có ga, góp phần làm cho việc buôn bán, trao đổi cũng như cơ cấu kinh tế, xã hội, văn hóa ẩm thực, ăn mặc trong các làng xã có sự thay đổi.
Thời Pháp tạm chiếm và kháng chiến chống Mỹ, hàng hóa ở chợ gần như không có sự biến động nhiều, về cơ bản vẫn là những hàng hóa truyền thống. 10 năm đầu sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1976 -1986), là thời kỳ khó khăn, hàng hóa buôn bán khan hiếm do cơ chế quản lý, do tình hình kinh tế, xã hội khủng hoảng. Tình trạng này sau đó nhanh chóng được khắc phục trong giai đoạn đổi mới kinh tế tháng 12/1986. Từ năm 1986 đến năm 2000, kinh tế đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, từng bước đạt được những thành tựu to lớn, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng, khó khăn, nội thương, ngoại thương bắt đầu ổn định và phát triển theo nền kinh tế hàng hóa. Ở khắp các chợ làng xã ở Mê Linh hàng hóa đủ loại với mẫu mã đa dạng, giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi và yêu cầu ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh hàng hóa Việt Nam sản xuất, còn có hàng Trung Quốc, Thái Lan, Lào và một số nước khác ở các chợ làng xã. Các vùng trồng rau, trồng hoa ở Mê Linh (Tiền Phong, Hạ Lôi, Tráng Việt,...) phát triển cây chủ lực của địa phương lên thành sản xuất hàng hóa đưa lại nét đặc trưng
của vùng đất Mê Linh và một nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho các hộ gia đình trong quá trình phát triển kinh tế.
- Về địa điểm họp chợ: Nằm trong mẫu số chung của chợ làng xã cả nước, chợ làng xã ở Mê Linh họp ở trung tâm của một tổng, một xã hay một làng, cạnh đường lớn, cạnh bến đò, giao thông thông thủy bộ đều thuận lợi. Hầu hết các chợ làng xã ở Mê Linh nằm trên vành đai tuyến đê quai vạc ven sông Hồng, sông Cà Lồ (chợ Yên, chợ Hạ, chợ Hoa, chợ Đợ, chợ Mét, chợ Đầu Đê, chợ Sặt, chợ Chi Đông,…). Một số chợ (chợ Yên, chợ Hạ, chợ Mét, chợ Sặt, chợ Chi Đông) nằm cạnh với trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng của một làng, đó có thể là đình hay chùa. Trải qua hai thế kỷ phát triển của chợ làng xã có một đặc điểm chung hầu hết vị trí họp chợ của các chợ làng xã ở Mê Linh ngày nay không thay đổi so với thời phong kiến, có chăng dưới thời kháng chiến chống Mỹ, do bom đạn của kẻ thù, chợ phải thay đổi vị trí họp, song hòa bình lập lại, chợ lại quay về họp ở vị trí cũ. Văn hóa nông nghiệp, trọng sự ổn định, tâm lý cộng đồng làng xã và thói quen trong đời sống hàng ngày đã ăn sâu vào tiềm thức những người nông dân làng xã, họ ngại sự thay đổi, thích sự ổn định vốn có. Duy, trong đó có chợ Mét là chuyển hẳn khỏi vị trí ban đầu thành chợ Đầu Đê cách vị trí cũ 2km, giao thông cũng thuận lợi, là trung tâm cho nhiều xã.
Những địa điểm họp chợ ngày càng phát triển sầm uất theo thời gian, bên cạnh người buôn, người bán vào các phiên chợ, dân cư trong vùng, các ngành nghề thủ công, dịch vụ có xu hướng phát triển xung quanh các chợ tạo ra một phố thị với tính chất đô thị cao, tập trung các cửa hàng buôn bán, dịch vụ của cả xã, hay nhiều xã, thúc đẩy việc buôn bán, trao đổi thịnh vượng thêm.
- Về thời gian họp chợ: Theo thống kê và tìm hiểu của chúng tôi, có đến 80% số chợ làng xã ở Mê Linh họp vào buổi sáng, còn lại một số ít họp vào buổi chiều và tối. Tuy nhiên theo dòng thời gian, việc họp chợ đã thay đổi để đáp ứng với yêu cầu của nhân dân trong vùng. Chợ không cố định họp
sáng sớm, trưa hay chiều nữa, các chợ họp từ sáng sớm cho đến chiều tối mới tan, trong đó đông nhất là buổi sáng từ 8 -10 giờ. Mỗi chợ làng xã lại có một thời gian họp chợ đông nhất định. Ví dụ:
Chợ Yên là chợ đầu mối tập trung các loại nông phẩm chuyên chở đi Hà Nội và các huyện các tỉnh lân cận nên từ 2 giờ sáng hoạt động buôn bán đã diễn ra nhộn nhịp dưới ánh đèn dầu, đèn điện, đèn pin, ắc quy. Sáng ra, hoạt động buôn bán diễn ra lẻ tẻ phục vụ nhu cầu cho các gia đình trong các làng xã, khối lượng mua cũng ít một, và giá thường đắt hơn giá bán buôn, chợ họp đến tầm 11 giờ là vắng chỉ còn lại ít hàng họp đến chiều tối, chủ yếu là hàng ăn sẵn, và hàng xén, hàng quần áo.
Chợ Hạ, chợ Đợ họp giữa vùng dân cư đông đúc, phát triển, đời sống kinh tế phát triển khá cao so với các vùng xung quanh, nhu cầu tiêu xài, mua bán, nhiều hơn nhu cầu trao đổi nên hoạt động buôn bán tập trung vào lúc trời đã sáng hẳn và tập trung vào các mặt hàng thực phẩm, quần áo, đồ tiêu dùng, chợ kéo dài suốt cả ngày.
- Về danh xưng của các chợ làng xã ở Mê Linh: Mỗi tên chợ đều mang một ý nghĩa, một sắc thái và một đặc trưng riêng của các làng xã nơi chợ họp từ xa xưa. Tên chợ có thể là tên tổng, tên làng, tên gọi cổ của vùng đất nơi chợ họp, đây cũng chính là cách để phân biệt chợ làng xã ở Mê Linh với chợ làng xã ở các vùng miền khác trên cả nước:
Chợ Trung Hậu (chợ Yên) cùng tên với làng Trung Hậu của tổng Thiên Lộc xưa là một làng cổ của xã Tiền Phong và Phố Yên xã Tiền Phong ngày nay. Tên chợ này cũng cùng tên với chùa Trung Hậu cách đó không xa. Như vậy tên làng, tên chùa, tên chợ đều được sử dụng một tên giống nhau cho thấy một thực tế sự ra đời và vai trò của làng Trung Hậu trong tổng Thiên Lộc thời phong kiến, cũng như sự ra đời nối tiếp của làng, của chợ của chùa nơi đây.
Chợ Hạ họp ở làng Hạ Lôi, tên chợ cùng với tên làng, đây là một làng cổ xuất hiện từ rất sớm thời phong kiến. Đồng nghĩa với việc, có thể hoạt động buôn bán, trao đổi tại các chợ làng cũng diễn ra cùng với thời gian đó.
Chợ Đợ (chợ Thạch Đà), gắn với tên cổ của vùng đất nơi đây Kẻ Đợ, tiếp đó là chợ Mét gắn với tên làng Kẻ Mét (làng Thọ Lão, xã Tiến Thịnh), chợ Già tên gọi khác là Kẻ Già (làng Yên Thị, xã Tiến Thịnh), Chợ Sặt gắn với vùng đất Kẻ Sặt,…
Qua danh xưng của mỗi chợ cũng cho chúng ta thấy được tính tự trị cao, tính khép kín của cộng đồng cư dân làng xã Việt Nam nói chung, cư dân ở Mê Linh nói riêng. Đó là chợ làng lập ra để cho cư dân nhiều làng cùng buôn bán, trao đổi, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hàng ngày, song chợ họp ở vị trí trung tâm thuận lợi cho giao thông và nằm trên địa giới hành chính quản lý của một làng nhất định. Chính điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến tên của chợ, nó mang ý nghĩa sở hữu cho làng có chợ họp, đồng thời dân làng đó cũng có được hưởng thêm những đặc quyền, đặc lợi so với người mua, người bán là người làng khác. Đây chính là tính tự trị, khép kín, cục bộ ở trong các làng xã xưa.
Tuy nhiên, một số chợ danh xưng chính là một mặt hàng, hay đặc sản nổi tiếng nhất được buôn bán trong chợ. Chợ Hoa là một chợ như vậy, mặt hàng chính ở chợ chiếm đại đa số là các loại hoa. Chợ làng Xa Mạc theo thời gian còn có tên là chợ Chuột, nguyên nhân của tên gọi này là trong làng có nghề bắt chuột đồng về làm thịt để ăn, hoặc đem ra chợ bán nổi tiếng cả vùng.
- Về phương thức đi chợ: Đây cũng là một mặt biểu hiện sự phát triển và thay đổi theo thời gian cùng với sự thay đổi về diện mạo của các chợ làng xã ở Mê Linh. Dưới thời phong kiến, phương tiện chuyên chở hàng hóa cũng như phương tiện đi lại của người dân chủ yếu là đi bộ, dùng quanh gánh, rổ rá để đựng hàng, có người dùng đầu để đội mới rau, con cá, con gà hay đấu thóc ra chợ bán. Khối lượng hàng hóa lớn hơn có thể dùng xe sử dụng sức kéo của trâu, bò hay ngựa, một số chợ gần sông, có bến nước thì thuyền là phương tiện được nhiều người chọn để chuyên chở hàng hóa. Theo đà phát triển của khoa học kỹ thuật, yêu cầu chuyên chở hàng hóa, văn hóa tốc độ đòi hỏi ngày càng cao để tiết kiệm thời gian, chuyên chở được nhiều hàng hóa nhất. Bên
cạnh các phương thức chuyên chở cũ, các phương tiện, hình thức chuyên chở hàng hóa mới cũng xuất hiện đó là xe đạp, xích lô, xe máy, rồi ô tô. Cùng với việc thay đổi các phương tiện cũng là sự phát triển của hàng hóa và hoạt động buôn bán trong các chợ làng, khoảng cách giữa các chợ làng với nhau, giữa chợ làng với chợ huyện, chợ tỉnh nhờ vậy được thu hẹp lại, thị trường vừa được mở rộng song cũng được nối liền với nhau.