6. Bố cục của luận văn
2.1.2 Bức tranh chợ làng xã ở Mê Linh trong kháng chiến chống Mỹ
Từ năm 1954 đến tháng 8/1964 cùng với cả miền Bắc hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện nhiệm vụ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là hậu phương lớn cho chiến trường lớn miền Nam, việc buôn bán, trao đổi ở các chợ làng xã ở Mê Linh tiếp tục được duy trì họp trở lại như trước thời tạm chiếm. Việc hình thành và duy trì Hợp tác xã mua bán trong khắp các làng xã ở Mê Linh là một nhân tố ảnh hưởng và tác động trực tiếp tới hệ thống các chợ làng xã, các hộ gia đình vào Hợp tác xã, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quy định đối với nhà nước về lương thực, thực phẩm, sau đó mới có thể đem ra buôn bán, trao đổi ở các chợ. Hình thức mua bán, phân phối theo tem phiếu, theo quy định của nhà nước cho mỗi hộ xã viên Hợp tác xã hàng năm cũng ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán trao đổi và lưu thông hàng hóa trên thị trường. Nhìn chung chợ làng xã ở Mê Linh thời kỳ này không có sự phát triển về hàng hóa trao đổi buôn bán cũng như tầng lớp thương nhân. Một vài hiện tượng tiêu cực xuất hiện, bằng nhiều cách nhiều người đã móc nối với bên ngoài để đưa hàng trong Hợp tác xã ra ngoài bán hưởng chênh lệch làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cũng như uy tín của các Hợp tác xã trong mỗi xã viên. Các chợ làng xã thời kỳ này ngoài một số ít người trong các làng xã chưa vào Hợp tác xã, còn lại về cơ bản khi vào Hợp tác xã, làm nghĩa vụ với nhà nước chỉ vừa đủ, hoặc dư thừa ít, có gia đình không hoàn thành nên hàng hóa bán ra thị trường không nhiều, có chăng chỉ là mớ rau trong vườn, mớ tôm tém đánh bắt được ở ao, ở ruộng hay mủng thóc, con gà. Hàng hóa khan hiếm giá cũng đắt đỏ hơn rất nhiều so với giá nhà nước phân phối trong Hợp tác xã.
Tuy nhiên, không vì hoạt động của các Hợp tác xã mua bán mà các chợ làng xã ở Mê Linh vốn có từ nhiều thế kỷ trước đó tan rã, chợ vẫn duy trì họp, vì chợ quê đã ăn sâu vào tiềm thức vào đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người dân trong các làng xã. Nông dân đến chợ ngoài mua hàng họ còn gặp nhau trao đổi tâm tình, công việc, mùa màng, thăm hỏi nhau, nhiều cô gái lấy
chồng làng bên nhờ phiên chợ để tranh thủ thăm ba mẹ, gửi đồng quà tấm bánh thể hiện lòng hiếu thảo. Các mặt hàng kinh doanh vốn có ở chợ làng từ trước vẫn có song số lượng chỉ ít hơn. Các hàng bánh, hàng bún vẫn tấp nập người mua người bán vào các buổi sớm chợ phiên, các hàng phục vụ cho thờ cúng, ma chay và công tác tín ngưỡng vẫn được duy trì và thành một nghề, được ngồi một dãy trong chợ từ thờ này qua thời khác. Các loại thuốc nhuộm, cánh kiến, kim chỉ,... ở những gánh hàng rong của chị hàng xén rong ruổi hết chợ này sang chợ khác quanh năm. Đặc biệt vào những ngày rằm hàng tháng, không khí các chợ Yên, chợ Hạ, Thạch Đà, chợ Sặt, chợ Chi Đông ồn ào náo nhiệt người mua kẻ bán, màu sắc của chuối của hoa cho ngày lễ trong các gia đình là không thể thiếu, điều mà các Hợp tác xã không đem lại được cho các xã viên.
Giai đoạn đầu thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế, nhờ sự cố gắng của nông dân các Hợp tác xã, thành tựu kinh tế đạt được phần nào giúp cải thiện đời sống của các xã viên. Các chợ làng xã cũng nhờ đó mà phần nào khởi sắc hơn. Đời sống vật chất có đầy đủ, nhu cầu mua bán, tiêu dùng mới tăng lên, khi khó khăn nền kinh tế tự cấp, tự túc lại được phát huy cao độ thì hoạt động buôn bán trao đổi gần như chỉ là hạn chế và dừng lại ở những nhu yếu phẩm cho cuộc sống.
Từ khi Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc lần thứ nhất sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ (5/8/1964), và lần thứ 2 (năm 1972), các tàu chiến, máy bay được huy động bắn phá các mục tiêu kinh tế, xã hội trọng điểm của miền Bắc nhằm uy hiếp tinh thần, giảm ý chí chiến đấu của quân và dân ta ở hai miền, phá hoại hậu phương và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đang tiến hành ở miền Bắc. Ở Mê Linh cũng chịu một số thiệt hại do máy bay Mỹ ném bom, các chợ làng xã thời kỳ này hầu hết phải thay đổi địa điểm họp vốn có, đồng thời thay đổi thời gian họp (thường là chuyển sang họp vào sáng sớm và buổi chiều tối), phiên họp, để tránh bom đạn của kẻ thù và giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do bom Mỹ gây ra.
Theo ông Lỗ Quang Tẩm một cao niên trông nom đền Phú Mỹ trước đền là chợ Sặt cho biết chợ Sặt nằm ở vị trí trung tâm của làng Phú Mỹ và xã Tự lập, thời Pháp tạm chiếm nơi đây đã có bốt của Pháp. Kháng chiến chống Mỹ do bom đạn của kẻ thù dội xuống ngày đêm trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất chợ Sặt phải sơ tán đi một số nơi, sau đó chuyển đến họp ở vị trí của trường cấp II Tự Lập ngày nay, cách nền chợ cũ khoảng 300 mét, cạnh bến sông Cà Lồ. Mặc cho bom đạn của kẻ thù, một tháng chợ Sặt vẫn họp đều đặn 12 phiên vào các ngày 1, 3, 6, 8 âm lịch [96].
Chợ Chi Đông cũng nằm trong cảnh phải sơ tán khỏi vị trí họp chợ nơi cổng chùa và đình Chi Đông ra một vị trí rộng hơn, không có dân cư dễ họp, dễ tan, đó là cánh đồng của làng cách đó không xa trong thời gian Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc.
Theo bà Võ Thị Đào một người buôn bán cạnh chợ Hạ cho biết, thời kháng chiến chống Mỹ để tránh bom đạn chợ Hạ cũng thay đổi thời gian họp và không gian họp, chợ họp sớm hơn và cũng tan sớm hơn, chợ di chuyển ra ngoài cánh đồng và có thời kỳ họp ở đường vào đền Hai Bà Trưng. Thời kỳ này người đi chợ rất ít, có chăng chỉ những gia đình có công việc cần mua đồ, mua những vật phẩm chỉ có ở chợ, mới mạo hiểm đi [90].
Chợ Yên cách đó không xa cũng thay đổi vị trí họp từ thôn Yên Nhân lên Nhà văn hóa của thôn ngày nay để tránh bom đạn Mỹ, tuy nhiên sau chiến tranh phá hoại chợ lại trở về họp trên nền đất vốn đã họp từ trước. Một điểm chung cho diện mạo chợ làng xã ở Mê Linh thời kỳ này là các chợ vốn dĩ đã là những lều quán tạm bợ họp chủ yếu ngoài trời, trên nền đất tự nhiên, đến kháng chiến chống Mỹ lại càng đơn giản và nhanh gọn để tiết kiệm thời gian, hoạt động hiệu quả cho cả người mua và người bán.
Có thể thấy bất chấp chiến tranh phá hoại, bất chấp bom đạn của kẻ thù ngày đêm dội xuống ở các thành phố, thị xã và một số huyện lân cận thủ đô, nhân dân khắp các làng xã ở Mê Linh vẫn đêm ngày hăng say sản xuất, trực chiến vì một miền Nam tiền tuyến ruột thịt, chuyển hoạt động buôn bán, trao
đổi ở các chợ quê sang một điều kiện mới, thay đổi thời gian, không gian họp chợ để duy trì chợ phiên là một điều hiếm thấy, càng chắc chắn một điều chợ làng xã đã ăn sâu vào máu thịt mỗi con người.