Bức tranh chợ làng xã

Một phần của tài liệu Chợ làng xã ở mê linh (hà nội) từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX (Trang 78 - 93)

6. Bố cục của luận văn

2.2.2 Bức tranh chợ làng xã

Từ sau năm 1975 đến năm 1986 chợ làng xã ở Mê Linh chịu tác động trực tiếp của khủng hoảng kinh tế xã hội, nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp ngày càng bộc lộ rõ những hạn chế, mâu thuẫn xã hội, chiến tranh biên giới phía Nam và phía Bắc. Năm 1977, huyện Mê Linh chính thức được thành lập với lãnh thổ rộng lớn hơn ngày nay rất nhiều, bên cạnh các chợ làng xã vốn có từ trước, tính thêm phần đất mở rộng các làng xã ở Mê Linh có thêm

đến 10 chợ song do nội dung của đề tài, chúng tôi xin không đi vào trình bày chi tiết.

Đây cũng là thời kỳ ngăn sông cấm chợ gay gắt, hạn chế việc buôn bán, trao đổi ở các chợ làng xã, hàng hóa vốn ít, nay bị hạn chế càng làm cho hoạt động buôn bán ở các chợ thêm vắng người, người bán chủ yếu là những mớ rau, con cá, kim chỉ, trầu cau, đồ hàng mã, những người bán bánh, rèn, nhuộm, hàng thịt, hàng vải rất ít. Lúc này việc buôn bán của các tư thương không được khuyến khích phát triển, người đi buôn thường phải trốn, nếu chẳng may bị phát hiện sẽ bị tịch thu hết hàng, mất cả vốn cả lời. Tuy nhiên, tình trạng này không kéo dài được lâu, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, tư tưởng cải cách đổi mới được manh nha, khoán hộ trong nông nghiệp dần trở nên phổ biến và đạt được nhiều thành công để các Hợp tác xã tiến hành thay đổi từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác, đời sống của các xã viên dần được cải thiện, sức sản xuất được khôi phục phần nào đó, việc buôn bán ở các chợ dần nhộn nhịp trở lại.

Quy mô các chợ làng xã thời kỳ này không được mở rộng, không được củng cố, vẫn giữ nguyên diện mạo như cũ thậm chí có phần giảm bớt, các Hợp tác xã ở làng xã quản lý chặt chẽ và để tâm đến hoạt động buôn bán trao đổi ở các chợ làng xã trong Hợp tác xã của mình. Có thể thấy, chợ làng xã chính là nơi biểu hiện sinh động nhất tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở các làng xã. Rộng hơn là trên miền Bắc và cả nước, đời sống vật chất của nhân dân có đầy đủ không, nhìn vào phiên chợ quê, số người đi chợ, các mặt hàng buôn bán ở chợ và sức mua hàng của người dân chắc chắn phần nào thấy được bộ mặt kinh tế xã hội của nhân dân trong vùng.

Từ sau năm 1986 đến năm 2000, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo mà trực tiếp là bước phát triển kinh tế liên tục trong suốt hơn một thập kỷ đổi mới là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của hoạt động

trao đổi buôn bán thương mại nói chung trên phạm vi cả nước cũng như hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa ở các chợ làng xã.

Trên khắp các làng xã ở Mê Linh từ cuối năm 1986 đến 2000, các chợ làng xã cũng có nhiều thay đổi quan trọng, thời gian tuy ngắn, song những thay đổi về số lượng chợ, diện mạo các chợ làng xã hơn hẳn các thời kỳ trước đó cộng lại. Về số lượng các chợ làng xã, hầu hết mỗi đơn vị xã đều có một chợ, đó là chưa kể trong mỗi xã ở các làng lại còn có thêm những chợ nhỏ, ở các làng xã ở Mê Linh qua thống kê nghiên cứu có các chợ sau:

1. Chợ Yên ở Phố Yên xã Tiền Phong. 2. Chợ Hạ ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh. 3. Chợ Thạch Đà ở thôn 2, xã Thạch Đà.

4. Chợ Đầu Đê ở thôn Trung Hà, xã Tiến Thịnh. 5. Chợ Sặt ở thôn Phú Mỹ xã Tự Lập.

6. Chợ Chi Đông ở thị trấn Chi Đông. 7. Chợ Kim Hoa, xã Kim Hoa

8. Chợ Thanh Lâm, xã Thanh Lâm. 9. Chợ Hoa, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh.

10. Chợ Quang Minh ở thị trấn Quang Minh. 11. Chợ làng Thường Lệ, xã Đại Thịnh. 12. Chợ làng Tráng Việt, xã Tráng Việt. 13. Chợ làng Văn Khê, xã Văn Khê. 14. Chợ làng Nam Cường, xã Tam Đồng 15. Chợ làng Chu Phan, xã Chu Phan. 16. Chợ làng Xa Mạc, xã Liên Mạc. 17. Chợ làng Yên Thị, xã Tiến Thịnh. 18. Chợ làng Vạn Yên, xã Vạn Yên. 18. Chợ làng Bạch Trữ, xã Tiến Thắng.

Nếu tính bình quân mỗi đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn Mê Linh đều có ít nhất một chợ, trong đó có xã (Mê Linh, Tiến Thịnh) có đến 02 chợ,

tuy nhiên sau khi mất chợ Quang Minh và chợ Thường Lệ, nơi đây không còn chợ làng xã nữa mà còn lại những điểm buôn bán nhỏ, nguyên nhân được lý giải là sau khi cưới chợ mới, nông dân làng xã, các tư thương không đến nơi chợ mới họp mà vẫn chỉ theo lối cũ họp ở ven đường, nhỏ lẻ vốn có từ trước. Thêm vào đó xung quanh khu vực hai chợ này cũng có một hệ thống dày đặc các chợ làng xã xung quanh cách chưa đến 5km, chỉ tiếc rằng chợ Quang Minh được xây dựng khang trang, kiên cố xong hoạt động không được mấy bữa trở nên thưa thớt không bằng các chợ trong vùng. Thêm vào đó, xã Chu Phan, Vạn Yên chỉ có những chợ làng nhỏ, phục vụ nhu cầu thực phẩm ăn uống hàng ngày chứ quy mô không vượt ra khỏi một làng, điều này đã tồn tại suốt nhiều đời nay. Nguyên nhân của tình trạng này một phần do nhu cầu tiêu dùng của nhân dân các làng không lớn, các sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp làm ra không nhiều hoặc không có, đội ngũ thương nhân trong cơ cấu kinh tế ít, và hơn nữa là xung quanh những làng này cũng có một số chợ hoạt động nhộn nhịp suốt các ngày trong tháng, vấn đề có thêm chợ làng xã hay không ở đây cũng không quá quan trọng đối với đời sống cũng như sự phát triển của cư dân trong làng, vì chỉ cần đi qua một làng hoặc xa hơn là hai làng họ đã có thể đến chợ phiên, dần dần thi nhu cầu hàng ngày những cửa hàng nhỏ, những điểm buôn bán hộ gia đình theo kiểu hàng tạp hóa, đại lý đã phần nào đáp ứng nhu cầu chợ làng ở những nơi chưa có chợ.

Có một điều dễ nhận thấy, từ sau năm 1986, số lượng các chợ làng xã ở Mê Linh tăng hơn hẳn so với những thời kỳ trước đó, ở những xã đông dân cư, nhu cầu mua bán, trao đổi cao, ngoài chợ chính họp vào buổi sáng, hoặc chợ họp theo phiên, buổi chiều đều có thêm chợ, đầu tiên chỉ là thực phẩm hàng ngày, dần dần cũng đầy đủ các mặt hàng. Đáng chú ý cho sự xuất hiện của các chợ mới thời kỳ này phải kể đến chợ Hoa thôn Hạ Lôi xã Mê Linh ra đời muộn xong nhanh chóng phát triển, đưa lại đời sống giàu có cho nhiều hộ gia đình, đáp ứng nhu cầu cho thị trường Hoa không chỉ trong huyện, trong

tỉnh cho cả nước mà một số còn xuất khẩu đi nước ngoài đưa lại lợi nhuận cao cho các gia đình.

Theo lời kể của các tư thương quanh chợ Hoa, vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, do nhu cầu đầu ra cho sản phẩm hoa trong xã, người dân ban đầu tập trung đưa hoa ra ven đường Quốc lộ bán, rồi theo thói quen người bán có người mua, dần dần các hộ gia đình theo nhau cùng đưa hoa ra bán, các tư thương trong vùng và ngoài vùng cũng từ đó tự tìm đến mua. Có thể thấy chợ Hoa họp hoàn toàn do tự phát không chịu sự kiểm soát và quản lý của bất kỳ cơ quan, hay chính quyền địa phương, chợ cũng không có Ban quản lý thu thuế.

Chợ Hoa nằm sát đường Quốc lộ 23B - nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, gần như song song với Quốc lộ 2, chợ Hoa cách chợ Hạ 1km và cách chợ Yên 2km, chợ họp vào tất cả các ngày trong tháng, tuy nhiên vào các ngày 15 và 30 âm lịch hàng tháng chợ đông hơn cả. Những ngày lễ (mùng 8/3, 20/10, 20/11) ngày tết cổ truyền của dân tộc, chợ Hoa lại tấp nập người mua bán từ 2 -3 giờ sáng và họp kéo dài cho đến tối, thu hút thương nhân trong vùng, trong tỉnh và cả những tỉnh khác đến mua bán, nhìn từ xa chợ như một tấm thảm nhiều màu với các loài hoa từ phổ thông đến cao cấp: Hoa hồng, hoa cúc, hoa ly, hoa giơn, hoa đào,…

Ngược tìm về sự ra đời của chợ Hoa nơi đây có rất nhiều điều lý thú. Các làng xã quanh chợ Hoa có xã Đại Thịnh với các làng Thường Lệ, Đại Bái, Nội Đồng lớn, Nội Đồng con; xã Mê Linh với các làng Hạ Lôi, Liễu Trì, Ấp Hạ; xã Tiền Phong có các làng Yên Nhân, Do Nhân Hạ, Do Nhân Thượng, Ấp Do, Ấp Trung, Trung Hậu Đông, Trung Hậu Đoài, Phố Yên, vốn là những cư dân nông nghiệp trồng lúa, từ khi công cuộc đổi mới tiến hành nhân dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng cho phù hợp hơn với điều kiện tự nhiên, khó khăn trong vấn đề nước tưới, canh tác lúa nước đưa lại năng suất và giá trị không cao. Các cây công nghiệp ngắn ngày, các cây gia vị, cây rau hàng ngày được đưa vào trồng đạt năng suất cao và thu nhập hơn cây lúa

đó là các cây: Cây cà chua, cà rốt, hành, tỏi, rau thơm, bí đao, rau cải, bí ngô,... Một số gia đình đầu tư trồng các giống hoa trên mảnh đất của gia đình hiện có, nhờ nghiên cứu, tìm tòi, tham khảo kỹ thuật trồng hoa, người dân nơi đây đã rất thành công khi trồng được những ruộng hoa đầu tiên đẹp, có sức chống chọi với điều kiện tự nhiên của vùng, đó là công nghệ ghép mắt hoa hồng, hoa cúc, vào thân cây hoa hồng gai vốn có sức sống và chịu hạn tốt. Từ đây mở ra một hướng cây trồng mới năng suất cao hơn trồng lúa từ 10 đến 20 lần. Dần dần do có kinh nghiệp trong trồng hoa, các hộ gia đình mở rộng diện tích bằng cách mua hoặc thuê ruộng đất của nhân dân các làng xung quanh để trồng hoa, cải tiến kỹ thuật làm giàn che, hệ thống phun nước để trồng các loại hoa yêu cầu kỹ thuật và có giá trị thành phẩm cao [29], [91].

Chợ Hoa ra đời đáp ứng nhu cầu bán hàng của nhân dân trồng hoa trong vùng, trước khi có chợ Hoa, người nông dân chủ yếu phải mang Hoa đi bán ở các chợ trong huyện như chợ Yên, chợ Hạ hoặc đem sang Hà Nội bán, hoặc tư thương đến tận ruộng mua, điều này gây nhiều thiệt thòi về giá cho người trồng hoa, vì vậy sự ra đời của chợ Hoa phần nào bảo vệ quyền lợi cho người nông dân, chống phá giá, bảo vệ giá trị của các loài hoa. Chợ Hoa chỉ bán duy nhất một loại sản phẩm đó là các loài hoa trong vùng, các loại rau trồng trên đồng ruộng lại được chuyên chở sang chợ Yên gần đó. Theo thời gian, nhân dân các làng xã ở đây bên cạnh trồng hoa, trồng rau đã trồng thêm các loài hoa cảnh, cây cảnh, trong các phiên chợ ngày tết vì vậy xuất hiện thêm các chậu quất cảnh, quýt cảnh, đào cảnh, ly cảnh càng làm thêm sự phong phú và náo nhiệt của chợ.

Vào các buổi sớm, theo quan sát của chúng tôi, có gia đình nếu cắt nhiều hoa đem bán dùng xe kéo, thậm chí ô tô, có gia đình dùng quang gánh, cũng có người chỉ ôm một bó hoa ra chợ bán, tạo thành một bức tranh chợ quê đa màu sắc ở làng xã Mê Linh. Xung quanh địa điểm họp chợ là cách cánh đồng hoa bất tận mà du khách hoặc người nơi khác đến hoặc từng qua nơi đây đều muốn dừng lại chụp ảnh, ngắm những ruộng hoa. Nghề trồng hoa và chợ Hoa đưa lại

cho các hộ gia đình thu nhập hơn hẳn các làng xã xung quanh, các gia đình một năm nếu trồng hoa gặp dịp thời tiết thuận lợi, hoặc những năm hoa đắt có thể thu được từ 100 – 150 triệu đồng (thời giá năm 2000). Sự phát triển của chợ Hoa cũng như đời sống của nhân dân xung quanh vùng trồng hoa cũng kích thích sự phát triển của hoạt động buôn bán, trao đổi các mặt hàng khác ở chợ. Hầu hết các hộ gia đình đều có nhà mái bằng, nhà hai tầng kiên cố, có ti vi, xe máy đi, đây cũng là niềm mơ ước của nhiều hộ gia đình ở các làng xã chỉ quanh năm trồng lúa, mặc dù điều kiện tự nhiên rất thuận lợi.

Chợ Hoa họp không ngay trên nền đất ven quốc lộ, không có cầu chợ, không có cổng chợ, cũng không có các dãy hàng, những người bán hoa để hoa trên xe đạp, xe máy, ô tô, xe rùa, xe cải tiến và dùng ô hoặc bạt to làm mái che, người đi chợ Hoa không mất vé chợ như các chợ khác trong vùng. Diện mạo chợ nhìn đơn giản, nhưng hoạt động hiệu quả, mỗi gia đình sau khi bán xong đều ở lại thêm một chút để dọn những cành hoa, lá hoa vương lại trên đất, thu dọn rác cho buổi chợ hôm sau. Đâu đó dần hình thành những cửa hàng ăn sáng, những quán nước nghỉ chân cho khách mua hoa cũng như người bán khi có nhu cầu. Sự phát triển thịnh đạt của chợ Hoa Mê Linh đã đi vào thi ca, trong đó đáng chú ý có những câu trong bài "Mê Linh –Làng hoa" của tác giả Hữu Thọ:

Anh về thăm làng hoa, Mưa lay phay giăng lối. Biết là em mong đợi, Vui, buồn giọt mưa sa. Mê Linh xưa làng lúa, Mê Linh nay làng hoa. Hoa làng trên, xóm dưới, Hoa ngút tầm nhìn xa.

Em đẹp hơn cả hoa, Ngát hương đồng gió nội. Buông tay súng em vội,

Chuyển sang nghề trồng hoa. [74;Tr 42].

- Chợ Yên: Sau nhiều lần di chuyển địa điểm họp chợ do chiến tranh loạn lạc, đến giai đoạn này đã quay về họp trên nền đất cũ cho đến ngày nay thuộc phố Yên, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh. Một tháng chợ vẫn họp 6 phiên chính vào các ngày mồng 5, 10, 15, 20, 25, 30 âm lịch, có tháng chỉ họp 5 phiên do tháng thiếu, chỉ có 29 ngày, còn lại là các phiên xép họp xen kẽ. Trong thời kỳ phong kiến, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và 10 năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, chợ Yên họp chính vào buổi sớm, hàng hóa cũng chưa nhiều và phong phú như giai đoạn này. Mặt hàng chính ở chợ Yên vẫn là những sản phẩm nông nghiệp (rau, củ, quả) mua buôn, bán buôn cho các tư thương chở sang cung cấp cho các chợ đầu mối ở thủ đô. Vào phiên chính, chợ họp từ 2 -3 giờ sáng, từ khắp các ngả đường, các xe máy, xe kéo, người gánh bộ từ khắp các nẻo đường chuyên chở cà chua, bí đao, rau cải, ớt, hành, tỏi,… về chợ Yên để kịp cho việc thu mua của các thương nhân, làm sao cho khi trời sáng nông sản kịp về tại các chợ. Hoạt động buôn bán sầm uất diễn ra cả đêm dưới ánh đèn điện, khi trời sáng, những hàng hóa bán buôn chưa hết, người nông dân tiếp tục ngồi bán lẻ cho các hộ gia đình. Chợ họp kéo dài mãi đến chiều tối mới tan. Ngoài mặt hàng nông phẩm, chợ cũng không thiếu bất cứ mặt hàng gì, chợ Yên được đầu tư xây dựng một số cầu chợ kiên cố. Ngoài nhân dân, thương nhân các làng Yên Nhân, Do Nhân Hạ, Do Nhân Thượng, Ấp Do, Ấp Trung, Trung Hậu Đông, Trung Hậu Đoài, phố Yên tham gia kinh doanh, mua bán ở chợ còn có thương nhân và nông dân ở hầu khắp các làng xã trong huyện Mê Linh tham gia như: Tiến Thịnh, Chu Phan, Thạch Đà, Văn Khê, Tam Đồng, Mê Linh,…[89]

Chợ Yên là một chợ lớn nhất về quy mô buôn bán và hàng hóa trao đổi trong khắp các chợ làng xã ở Mê Linh, tuy nhiên về quy mô, diện tích thì

nhiều chợ khác (Thạch Đà) cũng ngang bằng với chợ Yên. Cùng với chợ Hoa,

Một phần của tài liệu Chợ làng xã ở mê linh (hà nội) từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX (Trang 78 - 93)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(157 trang)
w