Diện mạo của chợ làng xã

Một phần của tài liệu Chợ làng xã ở mê linh (hà nội) từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX (Trang 37)

6. Bố cục của luận văn

1.2.2 Diện mạo của chợ làng xã

Theo định nghĩa của sách "Từ điển Tiếng Việt" chợ là một danh từ chỉ một nơi công cộng để đông người đến mua bán vào những ngày, buổi nhất định: Chợ chiều, chợ đêm [42;Tr 192].

Chợ ở làng xã, hiểu một cách đơn giản là nơi tụ họp, trao đổi hàng hóa, đó là những ngôi chợ nhỏ, chủ yếu là những lều, quán, gian hàng tạm bợ ở những làng quê, đóng vai trò như một đơn vị kinh tế quan trọng của Việt Nam. Mỗi gia đình người Việt truyền thống là một đơn vị sản xuất hàng hóa tự túc, họ rất ít có trao đổi với bên ngoài, trừ những mặt hàng, những đồ trong gia đình không thể tự sản xuất được mới phải đi mua hoặc trao đổi để có, hoặc thử khi nền kinh tế nông nghiệp phát triển, lương thực, một số đồ thủ công làm ra đáp ứng đủ nhu cầu trong gia đình, có sự dư thừa, người nông dân đã mang những hàng hóa đó ra trao đổi lấy những vật dụng cần thiết trong gia đình còn thiếu, nơi họ đến trao đổi thường là trung tâm của một làng, xã, hay một vùng, lâu dần trở nên đông đúc và có trật tự, được sự quản lý của nhà nước. Chợ được hình thành từ đó. Ban đầu khi tiền tệ chưa ra đời, hoạt động ở các chợ làng xã chủ yếu là trao đổi vật đổi vật giữa các cư dân trong làng với nhau, hoặc một vài làng xung quanh.

Về thời gian xuất hiện của chợ làng xã có nhiều ý kiến, song từ thực tế phát triển của lịch sử và quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp của cộng đồng cư dân Việt có thể thấy rằng chợ làng xã có từ thời kỳ Hùng Vương

dựng nước ở dạng còn rất sơ khai. Chợ làng xã ra đời cùng với quá trình thành lập và phát triển của các làng xã, theo Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc trong công trình "Một số vấn đề làng xã Việt Nam" thì: Từ thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên, cách ngày nay khoảng 4000 năm, trên đất nước ta đã diễn ra quá trình tan rã của công xã thị tộc và thay vào đó là quá trình hình thành công xã nông thôn – hay nói một cách khác đất là quá trình hình thành làng Việt. [55;Tr 45].

Cùng với quá trình phát triển kinh tế của đất nước, hệ thống chợ làng xã qua các triều đại phong kiến ngày càng dày đặc, hoạt động thường xuyên và bài bản, dần phá vỡ cơ cấu kinh tế nông nghiệp khép kín và thủ công nghiệp chưa tách khỏi nông nghiệp trong các làng xã, đưa nền kinh tế dân tộc dần phát triển theo hướng kinh tế hàng hóa mặc dù còn nhiều hạn chế. Trong

"An Nam tức sự" của sứ giả nhà Nguyên là Trần Phu viết vào năm 1293 có đoạn: "Trong các xóm làng thường có chợ, cứ hai ngày họp một phiên, hàng trăm thứ hàng la liệt. Hễ cách 5 dặm dựng một ngôi nhà ba gian, bốn phía đặt chõng để họp chợ,..." bên cạnh đó, lệ họp chợ thời Hồng Đức (1470 -1497) cũng cho biết thêm: "Nơi nào muốn mở chợ để tiện mua bán thì quan phủ, huyện, châu khám xét thực tiện lợi cho dân thì tâu lên. Trong dân gian, nếu có dân là có chợ. Một xã đã lập chợ thì không được cản trở sự thành lập các chợ mới khác. Miễn là các phiên họp của các chợ mới không được họp chung với chợ đã có trước, hoặc lại họp trước ngày phiên chợ của chợ đó để tranh khách,..." [47;Tr 52 -53]. Những ghi chép ở trên phần nào cho chúng ta hình dung được sự phát triển của chợ trong lịch sử và vai trò quản lý của nhà nước ngay cả với chợ làng xã.

Chợ làng xã có nhiều loại hình khác nhau, trong đó đáng chú ý có: Chợ mai, hoạt động vào sáng sớm cho đến khi sáng hẳn thì tan; chợ sáng họp từ sáng đến trưa; chợ chiều, họp từ xế chiều cho đến chập tối; chợ hôm họp từ chập tối cho đến nửa đêm mới tan. Ngoài ra, chợ Phiên là chợ của vài ba làng, xã hay tổng trong một vùng, họp vào các ngày cố định trong một tháng tính

theo âm lịch, một tháng thường họp 04 phiên, 06 phiên hoặc 08 phiên, các chợ phiên trong làng, trong tổng bố trí họp lệch nhau. Các chợ hôm, sáng, chiều, chợ đêm hầu như hoạt động thường xuyên, ngày nào cũng họp, thời gian họp chợ có sự khác nhau và kéo dài vào nhiều thời điểm trong ngày tùy thuộc vào hoạt động kinh tế của dân cư ở các làng xã, sao cho phù hợp, tranh thủ được thời gian rảnh đi chợ, có thể là sáng sớm trước khi đi làm hoặc chiều tối khi đi làm về,...

Những làng xã trên vùng đất Mê Linh ngày nay như đã khái quát ở phần điều kiện tự nhiên và xã hội, nơi đây có đủ điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp ổn định từ rất sớm, hệ thống giao thông thuận lợi, gần với trung tâm của cả nước – Kinh thành Thăng Long, chính vì vậy, chợ làng xã đã hình thành từ rất sớm và phát triển mạnh dưới các triều đại phong kiến như Lý, Trần, Lê Sơ,... Bước vào thời kỳ độc lập tự chủ dưới thời nhà Nguyễn (1802 - 1884), diện mạo chợ làng xã phát triển và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những chính sách, những luật lệ chung của nền kinh tế dân tộc. Đây là giai đoạn giao lưu văn hóa phương Tây bắt đầu phát triển mạnh, song với tư tưởng của một vương triều phong kiến, nhà Nguyễn cũng giống như một số triều đại phong kiến trước chưa coi trọng kinh tế ngoại thương, thậm chí còn tìm cách hạn chế sự phát triển của ngoại thương, chủ trương "dĩ nông vi bản, dĩ thương vi mạt"

coi trọng kinh tế nông nghiệp, lấy kinh tế nông nghiệp làm gốc rễ, không đặt kinh tế thương nghiệp đúng với vai trò và vị trí vốn có của nó trong nền kinh tế. Tuy nhiên hoạt động nội thương, trao đổi hàng hóa trong nước và ở các chợ làng vẫn có sự phát triển và hồi sinh sau một thời kỳ dài chiến tranh loạn lạc, nhà nước cũng thống nhất thị trường, thống nhất đơn vị đo lường, cho đúc tiền lưu hành trong cả nước góp phần đưa nội thương nói chung và hoạt động mua bán ở các chợ làng xã trong đó có cả chợ làng xã trên vùng đất Mê Linh nói riêng ngày nay phát triển, hoạt động ngoại thương với nước ngoài mới thực sự khó khăn và được triều đình quản lý chặt chẽ. Vào đầu thời Nguyễn thuế hàng hóa còn tương đối thấp, tạo điều kiện cho sản xuất và lưu thông

hàng hóa trong nước phát triển, nhà nước quy định: Phàm các nơi chợ búa quan ải, người buôn hàng qua lại, thời sở tuần ti cứ 40 phần thu thuế một phần, trong đó có lệ đánh người luôn qua bến đò, tuần, thị trường nào, hoặc chiếu số gánh hoặc chiếu nhân suất, hoặc tính ra đầu thuyền, hoặc tính cân lạng không ở lệ, cứ 40 phần thu thuế một phần" [19;Tr 52].

Theo ghi chép của Quốc sử quán triều Nguyễn trong "Đại Nam nhất thông chí" quyển 21 phần tỉnh Sơn Tây, mục chợ, cùng với các chợ làng xã nổi tiếng trong tỉnh, trên vùng đất Mê Linh chợ làng xã cũng được nhắc đến một cách ngắn gọn và sơ lược, cụ thể là:

Chợ Phú Nhi, chợ Hoành Tảo, chợ Hát Môn, chợ Đông Sàng, chợ Tảo Thượng đều ở huyện Phúc Thọ.

Chợ Thuần Nghệ, chợ Vật Lại: Đều ở huyện Tùng Thiện. Chợ Vĩnh Thệ: Ở gần phủ lỵ Quảng Oai.

Chợ Thanh Chi: Cũng là một chợ lớn ở huyện Tiên Phong. Chợ Quang Bị, chợ Tiên Lâm đều ở huyện Bất Bạt.

Chợ Hiệp Thượng: Ở huyện Yên Sơn. Chợ Tốt Động: Ở huyện Mỹ Lương.

Chợ Phượng Trì: Còn có tên nữa là chợ Bồng, chợ Yên Sở cũng là một chợ lớn, đều ở huyện Đan Phượng.

Chợ Thạch Xá, chợ Bách Lộc, có tên nữa là chợ Ô Cách: Đều ở huyện Thạch Thất.

Chợ Bạch Hạc: Ở gần cửa quan, chợ Tuân Lộ, tức là chợ Văn Trưng: Đều là chợ lớn ở huyện Bạch Hạc.

Chợ Cát ở huyện Tam Dương.

Chợ Sơn Đông: Có tên nữa là chợ Huyện, chợ Sơn Cầu: Đều ở huyện Thạch Thất.

Chợ Trung Hậu: Có tên nữa là chợ Yên, gần huyện lỵ, chợ Hải Bối, chợ Đạm Xuyên, chợ Hương Loại: Đều ở huyện Yên Lãng.

Chợ Vĩnh Mỗ: Gần huyện lỵ, chợ Địa Tàng, cũng là chợ to: Đều ở huyện Yên Lạc.

Chợ Phú Yên: Ở huyện Sơn Vi.

Chợ Yên Lãm: Gần huyện lỵ, chợ Thái Hòa, quán Lâu Thượng, quán Nghiễm Phù: Đều ở huyện Phù Ninh.

Chợ Vũ Yển: Ở huyện Thanh Ba. Chợ Đồng Lũng: Ở huyện Hạ Hòa.

Chợ Sóc Đăng: Gần huyện lỵ, chợ Phù Ninh: Đều ở huyện Tây Quan. Chợ Sóc Đăng: Gần huyện lỵ, chợ Phù Ninh: Đều ở huyện Tây Quan. Chợ Ngọc Chúc: Ở huyện Hùng Quan.

Chợ Linh Xuyên, chợ Kim Long: Đều ở huyện Sơn Dương [61;Tr 267 -269]. Theo ghi chép trong sách "Đại Nam nhất thống chí" tập 4 có thể thấy, các chợ được đề cập đến trong công trình này đều là những chợ lớn và tiêu biểu ở mỗi huyện, tổng, làng xã trong Trấn, tỉnh Sơn Tây. Ở Mê Linh chỉ mới có chợ Trung Hậu (chợ Yên) được đề cập đến, ngày nay chợ này vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển và lấy tên là chợ Yên, thuộc xã Tiền Phong. Qua tìm hiểu trong các tài liệu chính sử, các công trình nghiên cứu dưới thời nhà Nguyễn và một số tài liệu liên quan có một thực tế đó là hệ thống chợ ở các làng xã, các tổng trên vùng đất Mê Linh ngày nay chưa được quan tâm ghi chép trong các tài liệu thành văn, có lẽ do các chợ này ở địa phương, quy mô tác động đến toàn bộ nền kinh tế của cả nước chưa đủ lớn, thêm vào đó, sử đương thời phong kiến phần ưu chú ý đến các biến động chính trị và hoạt động của các ông Hoàng, bà Hậu chốn thâm cung, trong khi đó đời sống kinh tế, xã hội của đại bộ phận nông dân ở hương thôn chưa thực sự được coi trọng đúng mức.

Ngoài chợ Trung Hậu (chợ Yên) trên vùng đất Mê Linh còn có một số chợ ở các làng, xã các tổng như sau: Chợ Hạ (tổng Hạ Lôi), chợ Đợ (tổng Kim Đà), chợ làng Châu Phan (tổng Nguyễn Xá), chợ Kẻ Mét (tổng Thọ Lão), chợ làng Xa Mạc (tổng Xa Mạc), chợ Kẻ Sặt (tổng Yên Lãng), chợ làng Bạch Trữ (tổng Bạch Trữ), chợ làng Kim Hoa, chợ làng Chi Đông,... Hệ

thống chợ lãng xã tạo nên một bức tranh kinh tế, trao đổi hàng hóa nhộn nhịp suốt các ngày trong tháng ở các làng xã, các tổng của vùng đất Mê Linh đáp ứng nhu cầu của mỗi gia đình tiểu nông, mở mang sản xuất kinh tế, giao lưu văn hóa với các làng xã ngoài lũy tre làng. Các chợ làng xã ở Mê Linh được thành lập ở vị trí rộng rãi, thuận lợi, thường là trung tâm của một làng xã, hay một tổng, ở đây là ven đường cái quan và ngã ba sông, bên cạnh bờ ao, hồ có giao thông với sông Hồng, sông Cà Lồ. Làng xã nơi mở chợ tổ chức một số người trông coi, quản lý hoạt động ở chợ hoặc tổ chức thu thuế, chức vụ này có nơi là Khán thủ có nơi gọi là Trùm chợ.

Diện mạo chợ làng xã dưới thời nhà Nguyễn (1802 -1884) tuy có sự phục hồi so với giai đoạn trước đó, song về cơ bản nền kinh tế cả nước nói chung, Mê Linh nói riêng vẫn là kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, kinh tế hàng hóa chưa phát triển, thủ công nghiệp truyền thống có dịp phục hồi là những nét chính ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động mua bán, trao đổi ở các chợ làng xã. Các mặt hàng chủ yếu vẫn là các sản phẩm từ nông nghiệp: Lúa, ngô, khoai, rau đậu, các loại hoa quả, gia súc, gia cầm: Lợn, gà, trâu, bò,.... Hoạt động mua bán ở một số chợ làng ở Mê Linh phát triển hơn những làng xung quanh do một số nguyên nhân như: Một số làng ruộng đất ít, ngoài nông nghiệp người nông dân tranh thủ làm thêm các nghề phụ đan lát, nấu rượu, làm bánh và buôn bán ở các chợ, có làng lấy buôn bán làm nghề mưu sinh cho cả làng. Sau đây chúng tôi đi vào tìm hiểu diện mạo một số chợ làng xã tiêu biểu ở Mê Linh để thấy được những nét chính về bức tranh chợ làng xã nơi đây, từ đó phần nào hiểu được đời sống kinh tế nói chung và hoạt động trao đổi mua bán ở các chợ làng xã ở Mê Linh nói riêng.

- Chợ Trung Hậu là một chợ lớn, còn có tên khác là chợ Yên, chợ thuộc làng Trung Hậu, tổng Thiên Lộc, huyện Yên Lãng, nay thuộc khu phố Yên, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh. Đầu thế kỷ XIX, làng Trung Hậu nằm ở phía Tây của xã. Theo truyền thuyết còn lưu lại trong dân gian, trước công nguyên làng có tên là Trại Mới. Những cư dân đầu tiên của làng đã đến định cư ở một

vùng đất cao ven sông Hồng, cạnh Cổ Lôi Trang – ngày nay là xóm Đường thôn Hạ Lôi. Ban đầu đến đây khai hoang lập nghiệp chỉ có 4 họ: Trần, Lê, Nguyễn, Vũ. Lúc đó, dân trong làng ít, họ sống với nhau rất nhân hậu, thuận hòa, trung nghĩa. Vì vậy, dân làng được các làng xung quanh nể phục và khen là trung hậu, từ đó dân trong làng cũng tự nhận và đổi tên Trại Mới thành Trung Hậu. Do sự phát triển về kinh tế xã hội, mở rộng đất sản xuất, một bộ phận người dân ở làng Trung Hậu di cư về phía Đông lập ra làng mới lấy tên là thôn Đông. Số dân gốc còn lại ở làng cũ gọi là thôn Đoài [31; Tr 13 -15].

Chợ Trung Hậu ra đời từ khi nào đến nay chưa rõ, chỉ biết rằng trong sử nhà Nguyễn chỉ chép vắn tắt và cho biết tên chợ, còn không cho biết thêm gì hoạt động cũng như thời gian ra đời. Cùng với sự hình thành và phát triển của cộng đồng cư dân ở làng Trung Hậu cũng như tổng Thiên Lộc thì chợ Trung Hậu (chợ Yên) hình thành và phát triển trước thời nhà nguyễn (trước thế kỷ XIX). Chợ Trung Hậu nằm vào vị trí trung tâm của tổng Thiên Lộc, cửa ngõ phía Bắc của kinh thành Thăng Long, cách kinh thành khoảng 15km, nằm trên trục đường chính, ngày nay là Quốc lộ 23B. Ngoài giao thông đường bộ thuận lợi, cạnh chợ còn có hệ thống hồ hào nước thông với sông Hồng tạo thế buôn bán trên bến, dưới thuyền. Nằm cạnh chợ không xa là ngôi chùa có tên Trung Hậu nổi tiếng trong vùng với bề dày lịch sử trên 300 năm, gắn liền với sự hưng thịnh và suy vong của nhân dân trong làng và hoạt động buôn bán sầm uất của chợ Trung Hậu suốt nhiều thế kỷ.

Một tháng chợ Trung Hậu họp sáu phiên vào các ngày: 5, 10, 15, 20, 25 và 30 theo âm lịch. Chợ họp theo phiên cho thấy một điều đây là chợ đông, hoạt động buôn bán diễn ra tấp lập, ngoài những phiên chính, ngày thường chợ vẫn họp, số người đi chợ chủ yếu trong làng, họ mua bán những thực phẩm hàng ngày. Vào những phiên chính, số người từ khắp các làng xã trong các tổng thường đổ về mua bán, tạo nên cảnh nhộn nhịp, sầm uất cả một vùng bến nước, cửa chùa. Xuất phát từ cư dân nông nghiệp, nên những mặt hàng chính buôn bán ở chợ Trung Hậu là lúa, ngô, khoai, các loại hoa màu, các sản

phẩm thủ công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp như: Cày, cuốc, thuổng. Các loại gia súc, gia cầm như: Lợn, gà, Trâu, bò, chó cũng được đưa đến chợ bán. Ngoài ra các hàng xén bán đồ lặt vặt như: Vải, thuốc nhuộm, kim chỉ, dầu thắp cũng chiếm một số đông. Vì, là một chợ lớn, ngoài các mặt hàng chính như bao chợ làng xã khác, nơi đây còn hội tụ thêm một số mặt hàng mà ở các chợ nhỏ không có được như bút mực, giấy viết phục vụ cho học hành thi cử của các sĩ tử, quần áo, thậm chí là cả giày giép, chính vì vậy lượng người tham gia mua bán ở chợ càng đông và đầy đủ các thành phần.

Một phần của tài liệu Chợ làng xã ở mê linh (hà nội) từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX (Trang 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(157 trang)
w