VỆ SINH XÍ NGHIỆP VÀ AN TOÀN LAO ĐỘNG

Một phần của tài liệu Thiết kế nhà máy sản xuất đồ hộp thịt gia cầm năng suất 30 tấn sản phẩm ngày (Trang 120 - 125)

9.1 Vệ sinh xí nghiệp

Trong các nhà máy sản xuất sản phẩm nói chung và đồ hộp nói riêng, vấn đề vệ sinh xí nghiệp vô cùng quan trọng vì nó ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, sự ô nhiễm môi trường và sức khoẻ công nhân.

* Nguyên nhân chính của sự ô nhiễm

+ Nguyên liệu sản xuất chính ở điều kiện bình thường là môi trường dễ dàng phát triển của các loại vi sinh vật.

+ Lượng nước thải trong nhà máy chứa rất nhiều chất hữu cơ, đó là môi trường tốt cho vi sinh vật phát triển.

+ Bên cạnh đó, sản phẩm làm ra được giữ thời gian khá lâu, nếu bị nhiễm vi sinh vật sẽ làm ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sản phẩm, làm giảm giá trị sử dụng và nếu có xảy ra ngộ độc thì nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng và làm mất uy tín của nhà máy, do đó nhà máy đòi hỏi cần phải có những yêu cầu vệ sinh nghiêm ngặt.

9.1.1 Vệ sinh cá nhân

Vấn đề vệ sinh cá nhân đòi hỏi rất cao, đặc biệt là công nhân sản xuất chính. Trong giờ làm việc cần phải có đồ bảo hộ lao động, đồ bảo hộ phải sạch sẽ được sát trùng định kỳ, lúc giặt quần áo cần sát trùng bằng clorin. Đối với công nhân ở khu vực làm sạch, chặt miếng, dần xương, xếp hộp phải có khẩu trang, không mang dụng cụ tư trang ở tay chân.

Trước khi vào làm việc công nhân phải rửa tay bằng nước clorin, công nhân xếp hộp phải thường xuyên rửa tay bằng nước sát trùng. Tuyệt dối không được ăn uống, hút thuốc trong giờ sản xuất.

Thực hiện tốt chế độ khám sức khoẻ định kỳ cho công nhân, cứ sáu tháng khám một lần, không để người đau ốm, nhất là người mắt bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da đi vào khu vực sản xuất.

Trong nhà xưởng phải bố phòng thay quần áo cho công nhân.

9.1.2 Vệ sinh máy móc, thiết bị và dụng cụ sản xuất

Máy móc, thiết bị làm việc tiếp xúc trực tiếp với nguyên liệu, thực phẩm, vì vậy cần có chế độ vệ sinh cụ thể như sau:

Máy móc, thiết bị làm việc như: bể tan giá, băng tải…cần phải vệ sinh định kỳ và thường xuyên rửa, lau chùi trước khi vào ca, nhất là các bộ phận hoạt động tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm.

Dụng cụ làm việc như: bàn thao tác, dao, thớt, khay đựng…phải vệ sinh sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng trước và sau khi làm việc xong. Các dụng cụ cần sát trùng trước mỗi ca làm việc và cứ 1 ÷ 2 giờ thì dội bàn và tráng lại bằng nước sôi 1 lần.

Đối với các tank và thùng chứa người ta dùng hệ thống CIP.

9.1.3 Yêu cầu vệ sinh nhà xưởng

Thường xuyên kiểm tra thực hiện chế độ vệ sinh trước, trong và sau khi sản xuất bằng nước clorin 200 ÷ 500 ppm.

Không được để các phế liệu vụn vãi trên sàn nhà.

Khu vực chung phải có ngăn cách rõ rệt với bên ngoài, lối đi phải sạch sẽ, tránh tạo bụi bẩn, nước ứ đọng.

Các lối vào, ra phải có màng che chắn côn trùng xâm nhập vào nhà xưởng. Các khung cửa kính, tường, trần phải được vệ sinh sạch sẽ theo định kỳ.

Xung quanh nhà máy cần được trồng cây để ngăn ngừa bớt bụi bẩn, tạo bóng mát và nhằm cải tạo khí hậu.

Trước khi tan ca hay bàn giao ca, phải được vệ sinh sạch sẽ ở khu vực sản xuất chính, cũng như kho thành phẩm, kho nguyên vật liệu phụ và các bộ phận khác trong nhà máy đều phải tuân theo quy định chung của nhà máy. Hàng tuần vào chiều thứ bảy phải được vệ sinh toàn xí nghiệp.

9.1.4 Yêu cầu về nước

Cấp nước: nước trước khi vào sản xuất phải được xử lý để đạt tiêu chuẩn lý, hoá, vi sinh vật.

Thoát nước: do sử dụng lượng nước lớn nên sử dụng ống dẫn nước phải lớn, không để tắt ống, thoát nước dễ dàng không gây ô nhiễm môi trường sản xuất.

Xử lý nước thải: nước thải của nhà máy chứa nhiều các tạp chất hữu cơ nên cần phải xử lý trước khi thải ra ngoài. Phương pháp tốt nhất là dùng vi sinh vật để phân huỷ các hợp chất hữu cơ có trong nước thải.

9.1.5 Thông gió và điều hoà nhiệt độ

Mức độ thoáng và điều hoà nhiệt độ có ảnh hưởng đến sức khoẻ công nhân, làm ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và chất lượng sản phẩm.

Ở các công đoạn sử dụng nhiều nhiệt của nhà máy được bố trí chung vào một khu vực, nhất là khu vực nấu và tiệt trùng, có tường cách ngăn, có hệ thống cửa sổ, cửa mái để thông gió tự nhiên thật tốt, đặc thêm quạt gió để thông gió tích cực.

9.1.6 Chiếu sáng

Ngoài chiếu sáng tự nhiên: cửa sổ, cửa mái cần chú ý đến chiếu sáng nhân tạo. Trong nhà sản xuất chính, phân xưởng cơ điện, phòng kiểm nghiệm…cần có chế độ chiếu sáng thích hợp để khi làm việc vừa đảm bảo tính chính xác vừa không hại đến sức khoẻ công nhân.

9.1.7 Xử lý phế liệu của quá trình sản xuất

Phế liệu cần chứa nơi quy định và có kế hoạch đưa ra khỏi nhà máy. Thùng đựng phế liệu phải được che đậy kỹ càng, xung quanh phải phun thuốc sát trùng.

9.2 Xử lý nước cho quá trình sản xuất của nhà máy

[Phụ lục 7]

9.3 An toàn lao động

Vấn đề an toàn lao động được đặc biệt chú trọng và được đưa vào tiêu chuẩn thi đua hàng đầu. Vì có làm tốt vấn đề an toàn lao động thì năng suất lao động mới cao, giá thành sản phẩm hạ.

Một trong những phương pháp bảo hiểm lao động tốt nhất là vấn đề tổ chức, kỷ luật. Trong nhà máy, phải thường xuyên phổ biến rộng rãi kỹ thuật an toàn lao động đồng thời giáo dục cho mọi người có ý thức giữ an toàn lao động trong sản xuất. Việc tổ chức lao động, bố trí hợp lý và nâng cao trình độ kỹ thuật của dây chuyền cũng góp phần làm giảm các tai nạn lao động.

9.3.1 Vấn đề chiếu sáng

Ánh sáng đóng vai trò quan trọng trong vấn đề an toàn lao động, ánh sáng phải đầy đủ, phải tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Bố trí ánh sáng nhân tạo một cách thích hợp, chọn đèn chiếu sáng hợp lý. Cường độ chiếu sáng vừa phải. Nếu yếu quá sẽ gây tai nạn lao động. Nếu sáng quá sẽ gây căng thẳng thần kinh, loá mắt dẫn đến tai nạn lao động.

9.3.2 Vấn đề an toàn về điện

Cách điện cho các bộ phận mang điện, thường xuyên kiểm tra các lớp bao bọc cách điện, kiểm tra các mối dây nối.

Khi máy móc có hư hỏng về điện, công nhân sản xuất không được sửa chữa tự tiện.

Nhà máy phải trang bị dụng cụ sửa chữa điện cho công nhân: ủng cao su, găng tay cách điện. .. Phải ngắt mạch điện trước khi sửa chữa.

Ngoài ra còn phải chú ý bảo đảm an toàn với các hiện tượng sấm sét. Tại các vị trí cao trong nhà máy: đài nước, trạm biến thế đều phải đặt cột thu lôi mạ kim loại. Các đường dây cách đèn bảo vệ đều phải cách hàng cây ít nhất 3 m trở lên.

Nội quy sử dụng điện cần phải thiết lập và phổ biến rộng rãi trong công nhân.

9.3.3 Phòng chống cháy

Nguyên nhân cháy: tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa, tác dụng của tia lửa điện, nổ lò hơi…Vì vậy phải tuyệt đối cấm lửa nơi chứa nguyên liệu: dầu, cồn…, phải thường xuyên kiểm tra nồi hơi.

Công nhân phải tuân theo các quy định về phòng chống cháy nổ đã đề ra và phải biết chữa cháy khi có hoả hoạn.

Phương tiện dùng để phòng chống cháy là vòi cứu hoả, bình CO2 và các dụng cụ thô sơ khác, các dụng cần phải để ở những nơi dễ xảy ra cháy nổ: lò hơi, kho thành phẩm, kho bao bì, kho vật tư…

Nhà máy cần phải thành lập đội cứu hoả riêng.

Đường giao thông trong nhà máy đảm bảo không tắt khi có sự cố xảy ra * Tóm lại: vấn đề, vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ trong nhà máy là rất quan trọng. Trong đó vấn đề vệ sinh đặc biệt chú trọng. Phòng kỹ thuật phải thường xuyên kiểm tra, công nhân phải thực hiện đúng nội quy xí nghiệp, có như vậy mới đảm bảo được hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và đảm bảo được sức khoẻ, an toàn lao động cho công nhân.

KẾT LUẬN

Sau hơn ba tháng miệt mài với đề tài tốt nghiệp được giao, nhận được sự giúp đỡ hướng dẫn tận tình của Thầy Th.s Trần Xuân Ngạch, cùng các thầy cô giáo trong khoa và bạn bè anh chị các khóa, đồng thời là sự nỗ lực, tìm tòi nghiên cứu, em đã hoàn thành đề tài tốt nghiệp “Thiết kế nhà máy sản xuất đồ hộp gia cầm với năng suất 30 tấn sản phẩm / ngày ” , với hai dây chuyền:

- Dây chuyền sản xuất đồ hộp phi lê năng suất 15 tấn sản phẩm/ ngày - Dây chuyền sản xuất đồ hộp tự nhiên năng suất 15 tấn sản phẩm/ ngày Quá trình tìm tòi hoàn thành đề tài tốt nghiệp, đã cho em nhiều kiến thức mới mẻ cũng như ôn lại những kiến thức đã được học. Với đề tài được giao, nó đã cung cấp cho em rất nhiều lí thuyết bổ ích. Cũng như vận dụng được nhiều lí thuyết vào thực tiễn. Đó là cách bố trí, sắp xếp thiết bị, bố trí nhân công, cán bộ nhân viên, tính toán, xây dựng thiết kế phân xưởng, mặt bằng nhà máy… Biết vận dụng liên hệ thực tế với lí thuyết, phát huy khả năng của bản thân, học hỏi chia sẻ cùng bạn bè, anh chị khóa trước, rút ra điểm khác biệt giữa lí thuyết và thực tế, từ đó hoàn thiện bài làm tốt hơn.

Tuy nhiên, với sự hạn hẹp thời gian, kiến thức, khó khăn trong việc tiếp cận thực tế, nên đồ án còn nhiều thiếu sót không thể tránh khỏi. Rất mong nhận được sự đóng góp của quý thầy cô.

Đà Nẵng, ngày 24 tháng 05 năm 2014 Sinh viên thực hiện Phan Thị Ánh Tuyết

Một phần của tài liệu Thiết kế nhà máy sản xuất đồ hộp thịt gia cầm năng suất 30 tấn sản phẩm ngày (Trang 120 - 125)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(131 trang)
w