Thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo

Một phần của tài liệu Kiểm soát đối với hoạt động hành chính nhà nước (Trang 72 - 78)

III Thủ tục khiếu nại, tố cáo và thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo

3. Thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo đều là những hoạt động mang tính chất thủ tục diễn ra theo một trình tự thời gian, vì vậy, có thể chia chúng ra thành các giai đoạn. Trong mỗi giai đoạn có những hành vi mang tính pháp lý, quan hệ mật thiết với nhau.

Thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo là một loại thủ tục hành chính giải quyết các vụ việc hành chính cụ thể (những tranh chấp về quyền). Những thủ

tục này có những nét chung. Cụ thể là thủ tục giải quyết khiếu nại hay thủ tục giải quyết tố cáo đều thực hiện trong phạm vi hoạt động hành chính, do các quy phạm thủ tục trong Luật khiếu nại, tố cáo quy định, do cơ quan hành chính, thanh tra cơ quan đó thực hiện, hoặc do cơ quan thanh tra nhà nước thực hiện. Dưới giác độ này, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo có thể chia thành các giai đoạn sau: Khởi xướng vụ việc; xem xét và ra quyết định giải quyết vụ việc; thi hành quyết định, khiếu nại và xem xét lại quyết định bị khiếu nại hoặc xem xét lại quyết định đã ra khi phát hiện những tình tiết mới hoặc phát hiện có vi phạm khi ra quyết định.

* Khởi xướng vụ việc là giai đoạn đầu tiên của thủ tục. Khởi xướng vụ việc là nêu ra vụ việc để giải quyết thuộc thẩm quyền của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Những sáng kiến, phát hiện về vụ việc cần giải quyết có thể là công dân, tổ chức, hoặc việc làm trái pháp luật xâm phạm tới quyền lợi ích của mình, hoặc người do mình nuôi dưỡng, đỡ đầu... trong thủ tục khiếu nại, hoặc công dân bất kỳ trong thủ tục tố cáo. Khi công dân đề xuất và phát hiện vụ việc thì cơ quan có thẩm quyền phải khởi xướng vụ việc để giải quyết. Vì vậy, hành vi gửi đơn khiếu nại, tố cáo là căn cứ để khởi xướng vụ việc và làm xuất hiện các quan hệ thủ tục.

Trong giai đoạn khởi xướng vụ việc, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải thực hiện các hành vi thủ tục khác nhau: Gọi những người có liên quan, thu thập chứng cứ và lập hồ sơ, quyết định xem có điều kiện và căn cứ để đình chỉ hoặc chấm dứt thủ tục hay không. Đối với việc giải quyết khiếu nại, khi nhận được đơn khiếu nại, cần xác định xem đơn khiếu nại có thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hay không, nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết phải trả lại đương sự và hướng dẫn họ đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Điều 32 Luật khiếu nại, tố cáo quy định: không thụ lý giải quyết khiếu nại trong

các trường hợp sau đây:

1. Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;

2. Người khiếu nại không có năng lực hành vi đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;

3. Người đại diện không hợp pháp;

4. Thời hiệu khiếu nại, thời hạn khiếu nại tiếp theo đã hết;

5. Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng;

6. Việc khiếu nại đã được Toà án thụ lý để giải quyết hoặc đã có bản án, quyết định của Toà án.

Ngoài ra, để giải quyết khiếu nại khách quan, cần yêu cầu người bị khiếu nại giải trình về vụ việc, thu thập các chứng cứ, việc thu thập chứng cứ phải toàn diện, nhiều chiều, đặc biệt là những thông tin pháp lý.

Về thủ tục giải quyết tố cáo: Cũng tương tự như khiếu nại, người tố cáo có thể gửi đơn hoặc trực tiếp trình bày với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nhận đơn và tiếp đương sự. Nếu đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết thì không trả lại cho người tố cáo mà cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận phải kịp thời chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp cần thiết, phải báo ngay để cơ quan chức năng có biện pháp kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.

* Tiếp dân

Nếu người tố cáo đến trình bày trực tiếp bằng miệng thì cán bộ tiếp dân phải ghi đầy đủ nội dung sự việc và bản ghi đó phải được người tố cáo kí xác nhận.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình phải thụ lý để giải quyết, chậm nhất là mười ngày kể từ ngày nhận được tố cáo.

Gắn liền với giai đoạn này và giai đoạn tiếp theo (xem xét và ra quyết định) là việc có thể phải thực hiện một loạt các biện pháp cần thiết như khám xét, niêm phong, kê biên tài sản... Vì vậy, việc thực hiện các hành động trong giai đoạn khởi xướng có ý nghĩa rất quan trọng đối với kết quả tiếp theo và bảo đảm pháp chế của cả thủ tục giải quyết vụ việc.

* Xem xét và ra quyết định vụ việc

Đây là giai đoạn trọng tâm của thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đây là giai đoạn điều tra theo thủ tục hành chính nhằm thu thập đầy đủ chứng cứ, đánh giá khách quan và toàn diện sự việc, vụ việc để giải quyết một cách đúng đắn. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện điều tra, xác minh vụ việc có nhiệm vụ phải bảo đảm sự tham gia tích cực của các bên tham gia quan hệ. Với mục đích đó, pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, của người bị khiếu nại, tố cáo và của cơ quan thực hiện thủ tục khiếu nại, tố cáo.

Trong quá trình điều tra xem xét, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục có quyền yêu cầu các đương sự cung cấp các văn bản, tài liệu bổ sung, cử người nghiên cứu xem xét các tài liệu đó, trong trường hợp cần thiết áp dụng các biện pháp cưỡng chế để đảm bảo cho thủ tục tiến hành bình thường kể cả áp dụng biện pháp xử phạt hành chính (thanh tra Nhà nước chuyên ngành) đối với người có hành vi cản trở hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cơ quan tiến hành giải quyết khiếu nại, tố cáo có nghĩa vụ xem xét vụ việc trong thời gian luật định, phải nghiên cứu đầy đủ ý kiến, chứng cứ của các bên, mời người làm chứng, người chứng kiến v.v... Những người tham

gia thủ tục khác (người bị hại, người làm chứng, người chứng kiến, đại diện cơ quan, và tổ chức xã hội đại diện cho nguyên đơn, bị đơn...) có quyền tìm hiểu hồ sơ vụ việc, đưa ra các chứng cứ, tài liệu, khiếu nại.

Kết thúc giai đoạn điều tra là giai đoạn ra quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo. Căn cứ thời hạn ra quyết định, trình tự công bố quyết định tương ứng với từng thủ tục giải quyết, từng loại việc được quy định trong pháp luật. Ví dụ: Điều 67 của Luật khiếu nại, tố cáo quy định: thời hạn giải quyết tố cáo là sáu mươi ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết vụ việc; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 90 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết. Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo phải thoả mãn các yêu cầu hợp pháp và hợp lý. Quyết định giải quyết khiếu nại phải có nội dung sau: ngày, tháng, năm ra quyết định, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại, nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ, căn cứ pháp luật để giải quyết... (Điều 38).

Như vậy, ngay chính quyết định giải quyết cũng không được tuỳ tiện mà ngược lại, phải tuân theo một trật tự nhất định.

* Thi hành quyết định

Là giai đoạn kết thúc thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo, nếu nó được tiến hành bình thường, khi mà các chủ thể tham gia quan hệ tuân thủ nghiêm chỉnh yêu cầu của pháp luật, quyết định ban hành hợp pháp và hợp lý và không bị khiếu nại.

Sau khi ra quyết định giải quyết khiếu nại phải gửi cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan, tổ chức thanh tra và thủ trưởng cấp trên trực tiếp. Để đảm bảo thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, pháp luật quy định: Quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực mà không thi hành thì thủ trưởng cơ quan đã ra quyết định được áp dụng các biện pháp theo

thẩm quyền hoặc yêu cầu của cơ quan chức năng xử lý theo quyết định của pháp luật.

Đối với quyết định giải quyết tố cáo, có thể thông báo kết quả cho người tố cáo theo yêu cầu của người đó.

Khiếu nại và xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo là giai đoạn có ý nghĩa quan trọng bảo đảm pháp chế, kỷ luật trong quản lý hành chính nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quyết định của cơ quan đã giải quyết khiếu nại, tố cáo:

- Khi có khiếu nại của các bên tham gia quan hệ về quyết định đã thông qua. Chẳng hạn, khi người khiếu nại kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét lại quyết định của cơ quan đã giải quyết, hoặc người tố cáo tiếp tục tố cáo khi có căn cứ cho rằng, việc giải quyết tố cáo không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền không giải quyết thì người tố cáo có quyền tố cáo với cơ quan cấp trên trực tiếp.

- Khi có kháng nghị của Thanh tra cấp trên;

- Theo sáng kiến của cơ quan cấp trên, của cơ quan đã ra quyết định trong phạm vi hoạt động kiểm tra trong nội bộ hệ thống đó, hoặc do chính cơ quan ra quyết định đã phát hiện thấy tình tiết mới hay công nhận có sai sót.

Thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo theo con đường hành chính có thể tiến hành theo hai cấp hoặc ba cấp. Quy định này trong một số trường hợp là chưa thật hợp lý. Vì vậy, cần phải mở rộng quyền xét xử về hành chính của toà án nhân dân các cấp, vì đây là những cơ quan được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc đảm bảo cho hoạt động xét xử độc lập, khách quan, dân chủ, công bằng, công khai, kịp thời nhằm hạn chế tình trạng các khiếu nại, tố cáo tồn đọng, đi hết cấp này tới cấp khác, góp phần hạn chế các vi phạm quyền, lợi ích

hợp pháp của công dân, tăng cường củng cố pháp chế, trật tự pháp luật và kỷ luật trong quản lý hành chính nhà nước.

Một phần của tài liệu Kiểm soát đối với hoạt động hành chính nhà nước (Trang 72 - 78)