Kiểm toán nhà nước một hình thức kiểm tra đối với hoạt động hành chính về mặt tài chính

Một phần của tài liệu Kiểm soát đối với hoạt động hành chính nhà nước (Trang 36 - 39)

chính về mặt tài chính

Kiểm toán nhà nước - cơ quan nhà nước đặc thù, được thành lập để giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế nhà nước và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp (Điều 1 Nghị định số 70/CP ngày 11-7-1994 của Chính phủ về việc thành lập cơ quan Kiểm toán Nhà nước).

Hoạt động kiểm toán nhà nước bao gồm: Kiểm toán nhà nước; kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ. Trong đó kiểm toán của nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng. Đó là hoạt động của quyền lực hành chính nhà nước, được thực hiện bởi các cơ quan kiểm toán nhà nước với những quyền hạn và nghĩa vụ do pháp luật quy định đối với những đơn vị được kiểm toán. Nhà nước sử dụng

kiểm toán như một công cụ nhằm tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát việc quản lý, phân bổ và sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước; thông qua hoạt động kiểm toán, Nhà nước kiểm tra, nhận xét, đánh giá tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và báo cáo quyết toán thu chi của ngân sách nhà nước, từ đó đánh giá được hiệu quả của việc chi tiêu ngân sách nhà nước.

Hoạt động hành chính rất đa dạng và phong phú trên mọi lĩnh vực và là đối tượng kiểm tra, giám sát của nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và công dân (giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước, kiểm tra, thanh tra, kiểm sát...) nhưng không một cơ quan nào có phạm vi và đối tượng kiểm tra, giám sát như cơ quan kiểm toán. Theo Điều 2 Quyết định số 61/TTg ngày 24-1-1995 của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi và đối tượng của kiểm toán Nhà nước là kiểm toán các tài liệu, số liệu kế toán, báo cáo quyết toán ngân sách của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước khi trình hội đồng nhân dân và tổng quyết toán ngân sách nhà nước của Chính phủ trước khi trình Quốc hội, báo cáo quyết toán của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan thuộc Quốc hội, toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, các đơn vị sự nghiệp, các đoàn thể, quần chúng, các tổ chức xã hội có sử dụng kinh phí nhà nước, báo cáo quyết toán của các chương trình, dự án, công trình đầu tư của Nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước... theo kế hoạch hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các nhiệm vụ đột xuất do Thủ tướng Chính phủ giao hoặc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Như vậy, phạm vi, đối tượng kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước là tất cả các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí nhà nước, trong đó cơ bản và có số lượng lớn nhất là các cơ quan hành chính nhà nước. Nói cách khác, Kiểm toán Nhà nước chủ yếu nhằm vào hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, mọi hoạt động gắn với tài chính nhà nước của chúng là đối tượng kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước.

Cơ quan Kiểm toán Nhà nước không kiểm tra, giám sát mọi mặt hoạt động của cơ quan hành chính mà chỉ kiểm tra việc sử dụng ngân sách nhà nước của các cơ quan nhà nước. Nghĩa là, mọi hoạt động gắn với ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước là đối tượng kiểm tra cơ bản, chủ yếu của kiểm toán nhà nước. Hệ thống các cơ quan kiểm toán gồm: Kiểm kê ngân sách nhà nước; kiểm toán đầu tư xây dựng cơ bản và chương trình, dự án, vay nợ, viện trợ Chính phủ; kiểm toán doanh nghiệp nhà nước; kiểm toán chương trình đặc biệt (an ninh, quốc phòng, dự trữ quốc gia...).

Thực hiện hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước không mang quyền lực hành chính như một số cơ quan khác của nhà nước. Khi thực hiện nhiệm vụ, Kiểm toán Nhà nước chỉ tuân theo pháp luật và phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ đã được Nhà nước quy định, có quyền yêu cầu đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, đồng thời góp ý kiến với các đơn vị được kiểm toán sửa chữa những sai sót, vi phạm để chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, kế toán của đơn vị; kiến nghị với cấp của thẩm quyền xử lý vi phạm chế độ kế toán, tài chính nhà nước. Thông qua hoạt động của mình, Kiểm toán Nhà nước phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức nhà nước, xã hội, tổ chức kinh tế trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, làm cơ sở để các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý theo thẩm quyền, qua đó mà pháp chế và kỷ luật trong lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách nhà nước được bảo đảm.

Chương V

Giải quyết khiếu nại, tố cáo

Một phần của tài liệu Kiểm soát đối với hoạt động hành chính nhà nước (Trang 36 - 39)