Đánh giá chung hoạt động kinh doanh của các cửa hàng tiện ích

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ Phát triển mô hình kết hợp thương mại truyền thống và thương mại điện tử áp dụng cho chuỗi cửa hàng tiện ích tại địa bàn hà nội (Trang 71 - 75)

Các chuỗi cửa hàng tiện ích đã xây dựng được hình ảnh cửa hàng với phong cách mới mẻ, hiện đại, hệ thống quầy kệ ngăn nắp, hàng hóa được bày

bán theo chủng loại ở từng khu vực riêng biệt tạo thuận lợi cho người tiêu dùng.Và hầu hết cho mình những hình ảnh riêng biệt, Hapro với biển hiệu, sơn và trang trí bằng tông xanh lá cây mát mắt, Day & Night với màu xanh và trắng tạo cảm giác tiện nghi...

Bên cạnh việc bài trí cửa hàng, hàng hóa trong các cửa hàng tiện ích cũng được các nhà quản lý chú ý đến với nguồn gốc xuất xứ và giá cả được niêm yết rõ ràng, các mặt hàng đều thỏa mãn tiêu chí của cửa hàng tiện ích, đều là các nhu yếu phẩm hàng ngày, đồ thực phẩm và báo, tạp chí...một số bán cả thẻ điện thoại trả trước bên cạnh dịch vụ điện thoại công cộng, các loại thuốc không cần kê toa như dầu gió với số hàng hóa hợp lý nhưng đa dạng.

Hầu hết các cửa hàng đều có thời gian mở cửa dài, từ 16 đến 24 giờ/ ngày để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó một số chuỗi cửa hàng cũng chú trọng đến các dịch vụ gia tăng như đưa hàng tận nhà, gói quà, ATM, một số có thẻ khách hàng thân thiết cho khách mua hàng.

Tóm lại các chuỗi cửa hàng tiện ích về cơ bản đã tạo dựng được hình ảnh những cửa hàng với phong cách kinh doanh hiện đại, văn minh, cung cấp được những hàng hóa cơ bản thiết yếu phục vụ cho nhu cầu của khách hàng.

2.3.2.1. Những hạn chế

Tuy đã có những mặt được nhưng các chuỗi cửa hàng tiện ích tại Việt Nam hiện nay tồn tại nhiều hạn chế hơn. Cụ thể:

Về chủng loại hàng hoá: Hầu hết các cửa hàng tiện ích đều thiếu thốn các hàng phi thực phẩm như báo, tạp chí, thẻ điện thoại trả trước, thuốc không kê toa… một số kém phong phú về chủng loại hàng hoá. Bên cạnh đó các chuỗi cửa hàng tiện ích chưa có những mặt hàng riêng có của mình để thực sự tạo sự khác biệt giữa các chuỗi cửa hàng với nhau. Một số mặt hàng đặc trưng cho tính tiện lợi của các cửa hàng tiện ích như bàn chải dùng 1 lần rồi bỏ, các đồ vệ sinh cá nhân chia theo khối lượng nhỏ…vẫn chưa có ở các cửa hàng tiện ích, kể cả những cửa hàng tiện ích ở những khu vực nhiều khách du lịch

Về thời gian mở cửa: Không phải tất cả các cửa hàng tiện ích đều có thời gian mở cửa dài, rất ít cửa hàng duy trì được thời gian mở cửa 16-24h/ ngày. Chuỗi cửa hàng Small Mart cam kết mở cửa 24/24 đã đóng cửa trước 0 giờ, Hapro Mart đóng cửa vào 10 giờ tối như các cửa hàng tạp hoá thông thường, một số cửa hàng tiện ích G7 Mart đóng cửa còn sớm hơn_vào lúc 8 giờ tối. Với thời gian mở cửa như vậy liệu các cửa hàng tiện ích có còn thực sự tiện ích cho người tiêu dùng?

Về các dịch vụ khách hàng, dịch vụ hậu mãi: Các chuỗi cửa hàng tiện ích thực hiện các dịch vụ khách hàng và dịch vụ hậu mãi chưa tốt. Nhiều cửa hàng tiện ích chưa thoát khỏi hình ảnh 1 cửa hàng tạp hoá được tân trang, hàng hoá không những kém đa dạng mà còn không có cả các dịch vụ khách hàng cũng như các hình thức khuyến mãi, các dịch vụ gói quà, giao hàng tận nơi cũng hiếm thấy trên thực tế ở các cửa hàng tiện ích hiện nay, kể cả các cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh.

Về thái độ bán hàng, cung cách phục vụ: chưa bài bản, chuyên nghiệp. Nét chung nhất ở lực lượng lao động tại các cửa hàng tiện ích là những người trẻ với số nữ nhân viên khoảng 70% tuy nhiên phần đông đều chưa qua đào tạo bài bản. Đa số các nhân viên đứng quầy chỉ có trình độ trung học phổ thông, kiến thức về hàng hoá và giao tiếp xã hội còn hạn chế nên nhiều lúc gây phản cảm cho khách hàng.

2.3.2.2. Những vấn đề đặt ra

Thách thức với hầu hết doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ trong nước hiện nay là vốn, hậu cần, tính chuyên nghiệp và con người, đặc biệt là thiếu vốn. Hầu như chưa có doanh nghiệp thương mại nào có đủ số vốn cần thiết để đáp ứng nguồn hàng đa dạng, số lượng lớn cũng như để duy trì thời gian mở cửa qua 12h đêm là thời điểm ít khách hàng. Điều đó dẫn tới việc các cửa hàng tiện ích bị hạn chế về thời gian mở cửa cũng như hàng hoá. Thêm vào đó mối liên kết giữa các nhà bán lẻ trong nước còn yếu, khả năng hỗ trợ nhau rất hạn chế.

Quản lý nhà nước còn nhiều trở ngại cho việc kinh doanh cửa hàng tiện ích. Mặc dù các cơ quan quản lý khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này nhưng trên thực tế khi các doanh nghiệp bắt tay vàp làm lại gặp rất nhiều khó khăn vì những phức tạp về thủ tục hành chính, quy hoạch hạ tầng và các chính sách hỗ trợ từ phía các sở ban ngành gần như bằng không. Các doanh nghiệp không cần nhà nước trợ vốn mà chỉ cần hỗ trợ bằng việc hoàn thiện chính sách đầu tư cho thương mại, tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp trong nước một cách kịp thời và có bản đồ quy hoạch chi tiết về hình thành hệ thống bán buôn, bán lẻ hiện đại mang tính chuyên nghiệp cao. Ví dụ một số mặt hàng cần thiết ở các cửa hàng tiện ích như bao cao su, thuốc giảm đau thông dụng… Sau 11 giờ đêm, các nhà thuốc tây đóng cửa là cơ hội cho các cửa hàng tiện ích kinh doanh mặt hàng này nhưng khi đưa vào bán ở Việt Nam đòi hỏi phải có giấy phép kinh doanh đặc biệt. Nhà nước lại không có hướng dẫn gì cụ thể để các doanh nghiệp có thể lấy được các giấy phép này. Bên cạnh đó nhà nước vẫn chưa có quy chuẩn gì cho mô hình cửa hàng tiện ích nên các doanh nghiệp đều “mạnh ai nấy làm” theo cách riêng của mình.

Nhiều cửa hàng tiện ích của các doanh nghiệp quốc doanh được nâng cấp từ các cơ sở làm ăn kém hiệu quả nên thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển cửa hàng. Muốn nâng cao sức cạnh tranh các cửa hàng cần phải có các dịch vụ hậu cần và cách kinh doanh chuyên nghiệp chứ không chỉ đơn thuần là nâng cấp các cửa hàng bán lẻ

Hiện hàng nhập khẩu chiếm phần lớn lượng hàng hoá ở các cửa hàng tiện ích. Bản thân các nhà sản xuất cũng tự đầu tư, củng cố hệ thống phân phối của riêng mình hoặc lựa chọn các nhà phân phối là các chuỗi siêu thị và trung tâm thương mại chứ ít quan tâm đến các chuỗi cửa hàng tiện ích, đặc biệt là các chuỗi cửa hàng tiện ích của các doanh nghiệp nhỏ, vốn ít. Khi giao hàng, các nhà sản xuất buộc các doanh nghiệp trả tiền ngay trong khi đó nhập hàng của các công ty nước ngoài được nợ đến 30 ngày.

Vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến việc kinh doanh cửa hàng tiện ích hiện này vẫn là thói quen của người tiêu dùng. Phần lớn người dân vẫn theo cách mua bán truyền thống ở các cửa hàng tạp hoá giá rẻ . Thêm vào đó, người tiêu dùng Việt Nam chưa có thói quen mua sắm ban đêm nên mở cửa hàng suốt 24h chưa hẳn đã hiệu quả, họ vẫn thích đi chợ hàng ngày và coi các hình thức bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại như là nơi để đưa cả gia đình đi chơi, thư giãn nhiều hơn là đi mua hàng cho nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đi xe gắn máy nên việc tấp xe lên lề đường để ghé vào các cửa hiệu tạp hoá là hết sức thuận tiện. Những người tiêu dùng trẻ có thu nhập, đối tượng khách hàng các cửa hàng tiện ích cần quan tâm thì lại không được chú ý đúng mức.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ Phát triển mô hình kết hợp thương mại truyền thống và thương mại điện tử áp dụng cho chuỗi cửa hàng tiện ích tại địa bàn hà nội (Trang 71 - 75)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(108 trang)
w