Hiện nay ở Việt Nam hệ thống bán lẻ bao gồm hệ thống bán lẻ truyền thống và hệ thống bán lẻ hiện đại, trong đó: Hệ thống bán lẻ truyền thống: là hệ thống phân phối bán lẻ hình thành tự phát, bao gồm các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa... do các hộ gia đình tự kinh doanh và quản lý, đây là hình thức bán lẻ có lịch sử lâu đời nhưng hiện chiếm tỷ trọng lớn trong kênh phân phối của Việt Nam. Sự kết nối của kênh bán lẻ truyền thống với các nhà sản xuất là lỏng lẻo và không ổn định do hàng hóa không được cung cấp trực tiếp từ những người sản xuất mà thường được lấy qua các trung gian bán hàng, kể cả sự kết nối với người tiêu dùng cũng vậy do hàng hóa chất lượng không ổn định. Nhà nước khó kiểm soát được hoạt động kinh doanh của hệ thống này. Tuy nhiên, vai trò của chợ truyền thống vẫn còn tồn tại và khá quan trọng. Đây là một kênh phân phối phù hợp với thói quen mua sắm của người Việt Nam và Châu Á nói chung. Văn hóa chợ truyền thống khó mất đi được khi người dân vẫn có thói quen ăn đồ ăn tươi, thích nói chuyện và trao đổi thông tin, thói quen và niềm vui được trả giá khi mua hàng...Ngoài ra, tại các chợ truyền thống, người mua còn có thể mua được hàng với giá cả hợp lý và phục vụ tận tình.
Theo số liệu thống kê năm 2014, cả nước có hơn 9.000 chợ ở nông thôn và 2.275 chợ ở khu vực thành thị. Đa số các chợ có quy mô nhỏ với diện tích bình quân mỗi điểm bán hàng ở chợ thành thị là 11,7m2, nông thôn là 12,5m2. Ngoài ra, còn có khoảng 180.000 cửa hàng tạp hóa.
Thống kê năm 2014 của Bộ Công Thương cho thấy chỉ có 11,6 % số chợ trên toàn quốc được xây dựng kiên cố. Các chợ hầu hết hình thành tự phát, không ít hình thành ngay ở vỉa hè, lòng đường, phục vụ nhu cầu thực phẩm, nhu
yếu phẩm cho người dân trong khu vực. Hàng hóa trong chợ thường không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là hàng thực phẩm nên không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hệ thống bán lẻ hiện đại: Điểm khác biệt của hệ thống bán lẻ hiện đại so với hệ thống bán lẻ truyền thống là ở sự quản lý và cách thức phục vụ, nếu chợ truyền thống thường được quản lý bởi các hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ thì hệ thống bán lẻ hiện đại được quản lý tập trung và có quy củ bởi một công ty hay một tập đoàn với các nhân viên đã qua đào tạo, hình thức trưng bày cửa hàng sáng sủa sạch sẽ và bán hàng theo cách thức tự phục vụ, một số ít có hướng dẫn tận tình của người bán. Các loại hình tiêu biểu của hệ thống bán lẻ hiện đại là siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại, cửa hàng đại hạ giá, đại siêu thị....
Khái niệm một số loại hình bán lẻ hiện đại:
Cửa hàng tiện ích (convenience store): cửa hàng nhỏ bán chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu, mở cửa khuya hoặc suốt 24 giờ, viết tắt là c-store Trung tâm thương mại (department store): Một cửa hàng với diện tích bán hàng thông thường từ 2.500m2 trở lên, bán chủ yếu là các loại hàng hóa phi thực phẩm và có ít nhất là 5 nhóm ngành hàng bố trí trong các khu vực khác nhau, thông thường ở các tầng khác nhau.
Đại siêu thị (Hypermarket): Một cửa hàng với diện tích bán hàng trên 2.500m2, với ít nhất 35% diện tích đó dành cho các sản phẩm không thiết yếu. Đại siêu thị thường ở các vị trí xa trung tâm hoặc đóng vai trò là cửa hàng trung tâm trong một khu mua sắm hay trung tâm mua sắm. Siêu thị (Supermarket): được dùng nhiều nhất để chỉ một diện tích bán hàng từ 400m2 đến 2500 m2 với ít nhất 70% hàng hóa là thực phẩm và các hàng hóa thường xuyên khác. Các loại hình của kênh bán lẻ hiện đại có ưu điểm là sạch sẽ, không gian thoáng đãng dễ chịu, hàng hóa được niêm yết giá rõ ràng, bày bán tập trung, có ghi nguồn gốc xuất xứ và thường được đảm bảo về chất lượng, ngoài ra việc tự phục vụ cũng cho phép khách hàng tự do lựa chọn những loại hàng hóa mình thích mà không
bị gò ép. nhược điểm của kênh phân phối hiện đại chính là về giá cả, giá cả ở các loại hình này (ngoại trừ cửa hàng đại hạ giá) thường cao hơn so với giá ở hệ thống phân phối truyền thống.Tuy nhiên cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế , mức thu nhập bình quân theo đầu người ngày càng tăng, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và thói quen tiêu dùng đang dần dần thay đổi, hệ thống bán lẻ hiện đại đang ngày càng tăng tỷ trọng trong hệ thống phân phối nước ta hiện nay. Năm 2006 nước ta có trên 250 siêu thị, khoảng 50 trung tâm thương mại, hơn 1.000 cửa hàng tiện ích hoạt động trên 35/64 tỉnh, thành trong cả nước. Thống kê cho thấy có khoảng hơn 30% lượng hàng hóa lưu thông qua hệ thống phân phối truyền thống; 44% qua hệ thống các cửa hàng bán lẻ độc lập; 14% qua hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại. Số còn lại là do các nhà sản xuất bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Riêng tại hai TP lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM, lượng hàng lưu thông qua kênh phân phối hiện đại đã tăng từ 15% năm 2009 lên gần 30% trong năm 2013.
2.1.2. Những ảnh hưởng từ môi trường thế giới và trong nước tới sựphát triển hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam