Hiện thực từ những kiếp người tàn

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI đặc TRƯNG của CHỦ NGHĨA LÃNG mạn (Trang 64 - 66)

II. Từ đặc trưng chung…

b.Hiện thực từ những kiếp người tàn

Khác với nhiều tác phẩm của văn học lãng mạn, yếu tố thi vị trong sáng tác Thạch Lam không “ru ngủ” làm cho người ta quên đi thực tại mờ xám, trái lại nó tạo nên một không gian nghệ thuật đặc trưng, làm nền để miêu tả những mảnh đời ở phố huyện nghèo. Sự cơ cực với người dân phố huyện không phải là ở cuộc đấu tranh căng thẳng chống lại cái cũ, cái bảo thủ lạc hậu (như nhân vật Tự lực văn đoàn), cũng không phải vì bị bóc lột, bị bần cùng hóa, bị tha hóa do xung đột giai cấp (như nhân vật văn học hiện thực). Đó là nỗi khổ vì phải sống kiếp sống nghèo nàn, quẩn quanh, lay lắt, bế tắc trong cái “ao đời bằng phẳng”, không biết bao giờ mới có cơ hội đổi thay. Sự buồn tẻ, quẩn quanh gặm nhấm con người, khiến họ dần trở nên tàn tạ, thành những kiếp người “tàn”, “tàn” ngay khi còn là những đứa trẻ, thế chẳng đáng xót xa lắm sao?

Nhân vật của “Hai đứa trẻ” không nhiều nhưng đủ thành phần: người già, trẻ con, đàn ông, đàn bà, công chức, thị dân, tất cả đều bị cuộc sống lay lắt buồn tẻ chi phối. Đó là mẹ con chị Tí ban ngày đi mò cua bắt tép, tối bán hàng nước để kiếm thêm, tuy chẳng ăn thua gì nhưng “ngày nào chị cũng dọn hàng, từ chập tối cho đến khuya”. Đó là bà cụ Thi – một bà già hơi điên hay đến mua rượu ở cửa hàng Liên, cuộc đời lẫn vào bóng tối. Đó là bác Siêu bán phở - một thức quà đã trở nên xa xỉ đối với người dân phố huyện nghèo. Đó là gia đình bác xẩm bán tiếng hát nuôi thân. Đó còn là cha Liên, mẹ Liên, những người lính lệ, phu xe, mấy người bán hàng chợ về muộn… Tất cả làm nên một thế giới những kiếp người tàn thật tội nghiệp.

Nhưng phải nói, tội nghiệp nhất chính là những đứa trẻ. Hình ảnh những đứa trẻ nghèo gây xúc động trên nhiều trang văn của Thạch Lam, như Hiên, Sơn trong “Gió lạnh đầu mùa”, mười một đứa con bác Lê trong “Nhà mẹ Lê”. Và ở tác phẩm này chính là những đứa trẻ ở phố huyện nghèo. Chúng đã bị cuộc đời đánh cắp tuổi thơ, khi phải cùng với cha mẹ chia sẻ gánh nặng mưu sinh, chúng quên đi hoặc không dám tham gia vào những trò chơi chạy nhảy vô tư của con trẻ. Chúng vô tình bị biến thành những “đứa trẻ già” trong cái “vũ trụ già” và chúng quên mình vẫn còn là con nít. Chúng là “mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi, nhặt nhạnh thanh nứa thanh tre hay bất cứ cái gì có thể dùng được của người bán hàng để lại”, là thằng con nhà chị Tí chiều nào cũng phải phụ mẹ dọn hàng, bán hàng, là thằng con nhà bác xẩm bò ra ngoài manh chiếu nghịch nhặt đất cát… Nhưng tội nghiệp nhất là chị em Liên – hai đứa trẻ được mẹ giao cho trông coi một gian hàng tạp hóa nhỏ xíu, bán mấy thứ lặt vặt kiếm thêm, nhưng trong ngày chợ chính phiên mà cũng chỉ bán được cút rượu ti và hai bánh rưỡi xà phòng, chẳng kiếm được bao nhiêu. Cuộc sống buồn tẻ đè nặng lên tâm lý khiến chúng luôn mơ tưởng về quá khứ xa xăm mà chúng biết chắc chắn không bao giờ trở lại được nữa. Bao nhiêu khao khát của chúng đem gửi cả vào chuyến tàu đêm qua phố huyện. Chúng cố chờ tàu dù đã buồn

ngủ ríu cả mắt. Chúng đã chờ tàu một cách háo hức dù chuyến tàu đó đêm nào cũng qua phố huyện. Cái cách mà chúng nhìn con tàu gợi thật nhiều thương cảm: đó là cái nhìn của một sự khao khát mà không thể vươn tới, cái nhìn đầy tiếc nuối khi đoàn tàu vụt qua như một ngôi sao băng. Trong cuộc sống đó, những đứa trẻ không có niềm vui thực sự, chỉ là vui nhờ, vui ghé, và niềm vui đó cũng thật chóng qua. Nỗi buồn và sự khao khát đổi thay của hai đứa trẻ là một nỗi ám ảnh đến khắc khoải đối với người đọc sau khi tác phẩm kết thúc, dư vị đậm đà ấy “Hai đứa trẻ” để lại trong lòng độc giả chính là biểu hiện của một chủ nghĩa nhân đạo đằm sâu, thấm thía trong sáng tác của Thạch Lam. Đó chính là lý do khiến cho tác phẩm của ông vượt qua các tác phẩm từng một thời bán chạy nhất của Tự lực văn đoàn, trụ lại mãi với thời gian!

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI đặc TRƯNG của CHỦ NGHĨA LÃNG mạn (Trang 64 - 66)