Một cái tôi tràn trề khát vọng và nội lực

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI đặc TRƯNG của CHỦ NGHĨA LÃNG mạn (Trang 51 - 52)

II. Từ đặc trưng chung…

c)Một cái tôi tràn trề khát vọng và nội lực

Cũng xuất phát từ lòng yêu đời và quan niệm mới mẻ về thời gian, Xuân Diệu tự tìm cho riêng mình một quan niệm sống, một lối sống, một tuyên ngôn sống: vội vàng. Cái tôi Xuân Diệu trở thành cái tôi vội vàng để tận hưởng hạnh phúc tối đa của cuộc sống trần thế. Vội vàng chính là cách Xuân Diệu khắc phục sự ngắn ngủi, hữu hạn của đời người. Ông thắng vượt thời gian bằng tốc độ sống (nhanh), bằng cường độ sống (mạnh), bằng cao độ sống (mãnh liệt). Tất cả tạo thành sự dồn nén năng lượng, giá trị sống trong từng khoảnh khắc, từng phút giây. Cái “tôi”vụt lớn thành cái “ta” (không phải cái phi ngã), “ta” thực chất vẫn là “tôi” nhưng tầm vóc lớn lao hơn để đủ sức ôm chứa khát vọng mãnh liệt, không cùng. Xuân Diệu quả là tham lam khi ông muốn “ôm” vào lòng “cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn”, muốn “riết mây đưa và gió lượn”, muốn “say cánh bướm với tình yêu”, muốn “thâu trong một cái hôn nhiều” “và non nước, và cây, và cỏ rạng” để cho “chếnh choáng mùi thơm”, “đã đầy ánh sáng”, “no nê thanh sắc của thời tươi”, và cuối cùng là cao trào của cảm xúc:

“Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”.

Có thể nói sự sống mùa xuân hiện lên ngồn ngộn qua một hệ thống thi ảnh mà hình ảnh nào cũng sinh động, trẻ trung, hấp dẫn, tình tứ. Còn nỗi khát khao tận hưởng hạnh phúc trần gian của thi sĩ thì biểu hiện qua một chuỗi điệp cú, về hình thái thì điệp nguyên vẹn, còn động thái thì điệp lối tăng tiến.

Sự vội vàng tận hưởng cuộc sống của thi nhân cũng phát triển dần qua cách sử dụng động từ mạnh “ôm” đã thân thiết, nhưng “riết” còn mạnh hơn (xiết chặt, ghì mạnh) đến “say” thì đã nồng nàn (say sưa) và “thâu” thì đã thu tất cả mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc vào trong tâm hồn mình, cuối cùng “cắn” thì đúng là sự vỡ òa trong cảm xúc sung sướng, đê mê đến mức không thể kiềm chế được. Tất nhiên đây vẫn là một khoái lạc thẩm mỹ lành mạnh, thuần túy tinh thần, động từ “cắn” dù gợi rất nhiều cảm giác nhưng tuyệt nhiên không dung tục. Và “vội vàng” cũng không phải lối

sống gấp hưởng thụ tầm thường, đó là lối sống của một con người luôn muốn cháy hết mình vì một đời sống có ý nghĩa.

Chúng ta hãy cùng trải nghiệm và thừa nhận điều này: đọc chín câu cuối của bài thơ theo đúng giọng điệu của nó, là phải đọc một hơi liền mạch, không ngừng nghỉ. Khi bài thơ khép lại ở một cao trào đầy ý nghĩa, ta như thấy có một luồng khí nóng chạy khắp cơ thể, và tình yêu cuộc sống đã căng đầy lồng ngực của ta. Có lẽ, đây chính là điều có ý nghĩa lớn lao nhất mà Xuân Diệu làm được qua bài thơ này – không chỉ thể hiện lòng yêu đời ham sống mãnh liệt của bản thân mà còn truyền được ngọn lửa tình yêu ấy đến với người đọc khiến nó cháy mãi với thời gian. Không phải nhà thơ nào cũng làm được điều ấy!

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI đặc TRƯNG của CHỦ NGHĨA LÃNG mạn (Trang 51 - 52)