II. Từ đặc trưng chung…
c. Cái tôi hoài nghi và khao khát
Cũng vẫn là cái tôi yêu đời đó, nhưng đến khổ thơ thứ ba, lại thêm một dạng thức biểu hiện khác, thông qua hệ thống thi ảnh đã hoàn toàn trôi vào mộng ảo:
“Mơ khách đường xa, khách đường xa Áo em trắng quá, nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh Ai biết tình ai có đậm đà?”
Nếu tình yêu đời ở hai khổ thơ trên chủ yếu hướng tới cảnh, thì khổ thơ cuối bài thơ khép lại bài thơ bằng tình yêu hướng tới con người, nếu ở trên là vườn đẹp, trăng đẹp thì ở đây là người đẹp. Dễ dàng thừa nhận hình ảnh “khách đường xa” ở đây chính là đối tượng mà cái tôi chủ thể hướng tới. Có thể là Hoàng Cúc (người gửi bưu ảnh, người Hàn thầm thương trộm nhớ), là cô gái xứ Huế (nữ sinh Đồng Khánh với
sắc áo trắng tinh khôi), mà cũng có thể là người đời nói chung. Dù hiểu con người là ai đi nữa thì ta vẫn thấy giữa thi nhân và họ khoảng cách xa xôi vời vợi. Xa vì là
“khách”, xa hơn chút nữa vì ở trên “đường xa”, lại xa hơn nữa vì sắc áo “trắng quá”, trắng đến không thực, đến hư ảo, đến nao lòng, và xa xôi vời vợi đến mức không thể nắm bắt, không thể với tới khi lẫn vào “sương khói” (“sương khói” màu trắng làm
“mờ nhân ảnh”). Những hình ảnh ấy lại không phải là thực, lại chỉ là “mơ”. Dường như thi nhân đang nỗ lực đuổi theo một hình bóng, hy vọng tìm thấy một nguồn an ủi, một điểm tựa thì cuối cùng rơi vào thất vọng khi tất cả cứ trôi dần vào ảo mộng, tuột khỏi tầm tay. Cảm giác như chới với, hụt hẫng nên có lúc thi sĩ rơi vào hoài nghi:
“Ai biết tình ai có đậm đà?”
Hai đại từ phiếm chỉ “ai” hướng tới hai đối tượng: chủ thể trữ tình và đối tượng mà chủ thể trữ tình muốn giãi bày, dù hiểu thế nào, dù “ai” có là “ai” đi nữa thì cuối cùng vẫn chỉ là cái tình ấy, của cái tôi ấy – Hàn Mặc Tử, trên chuyến hành trình bất đắc dĩ đã gần đến cõi “thượng thanh khí”, vẫn cứ đau đáu, tha thiết, khắc khoải ngoảnh lại cuộc đời để mà yêu, mà gắn bó. Yêu đời đã là quý, yêu trong tuyệt vọng, càng tuyệt vọng lại càng yêu, một thứ tình yêu được thử thách và vượt lên trên cái chết, tình yêu đó chẳng đáng quý bội phần sao?
Như vậy, qua hai bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu và “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, đặc trưng cơ bản của Thơ mới lãng mạn là đã tập trung thể hiện được hình tượng cái tôi. Phương pháp, cách thức thể hiện cái tôi ở cá nhân mỗi nhà thơ có thể khác nhau, và khác so với chính cái nguồn mà nó chịu ảnh hưởng là thơ lãng mạn, tượng trưng, siêu thực của Pháp; ở Xuân Diệu là giọng điệu sôi nổi, bồng bột, hệ thống thi ảnh đầy xuân sắc, xuân tình, hơi thơ liền mạch hay ở Hàn Mặc Tử là hệ thống thi ảnh đan xen giữa trong sáng, thuần khiết ấm áp với chia lìa, phiêu tán (thậm chí ma quái như trong nhiều bài thơ khác) mạch thơ gián đoạn… thì tất cả cũng là để thể hiện cho được một cái tôi Thơ mới ấy, một cái tôi vừa yêu đời, vừa đau đời, mà xét cho cùng đau đời cũng chính là vì yêu đời quá đấy thôi. Đó chính là căn cốt lành mạnh, tích cực của cái tôi Thơ mới, khiến nó tồn tại được qua “giông bão” của thời gian.