Thạch Lam – “nhà văn có tài nhất Tự lực văn đoàn” (Nhất Linh)

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI đặc TRƯNG của CHỦ NGHĨA LÃNG mạn (Trang 57 - 60)

II. Từ đặc trưng chung…

3.Thạch Lam – “nhà văn có tài nhất Tự lực văn đoàn” (Nhất Linh)

3.1 “Tìm kiếm Thạch Lam”

Thạch Lam (1910 - 1942), tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi thành Nguyễn Tường Lân, quê nội ở Hội An, Quảng Nam nhưng sinh tại Hà Nội, nhiều năm tháng tuổi thơ sống ở phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương (nơi này sẽ trở thành không gian nghệ thuật, trở đi trở lại trong nhiều sáng tác của ông).

Thạch Lam là người thông minh, điềm đạm, trầm tĩnh, thuần hậu và rất mực tinh tế. Sau khi Tự lực văn đoàn được thành lập, Thạch Lam cùng với hai người anh là Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) và Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long) trở thành những gương mặt chủ chốt của Tự lực văn đoàn. Tuy nhiên, so với hai người anh và

các tác giả khác trong cùng văn phái, tư tưởng nghệ thuật cũng như khuynh hướng thẩm mỹ của ông lại đi theo một hướng khác. Mặc dù Tự lực văn đoàn đã ra tôn chỉ hoạt động, Thạch Lam vẫn có một quan điểm sáng tác của riêng ông. Thạch Lam là một trong số ít những nhà văn đương thời khá tự giác về quan điểm nghệ thuật, và điều đáng quý là ông có quan điểm nghệ thuật tiến bộ và lành mạnh. Trong bài “Tựa “Gió đầu mùa” và tập tiểu luận “Theo dòng”, Thạch Lam đã nêu cao thiên chức cao cả của nhà văn và nghề văn. Về nhà văn, ông cho rằng “công việc của nhà văn là phát biểu cái Đẹp chính ở chỗ mà không ai ngờ tới, tìm cái Đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức”, “Thiên chức của nhà văn cũng như những chức vụ cao quý khác là phải nâng đỡ những cái tốt để trong đời có nhiều công bằng, thương yêu hơn”. Về nghề văn, Thạch Lam quan niệm: “Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”.

Những quan điểm trên xác định hướng đi rõ rệt cho sáng tác của Thạch Lam, giúp nhà văn kiên trì con đường đã chọn. Cho nên, mặc dù đương thời sách của Thạch Lam bán không chạy, có thể nói là ế nhất Tự lực văn đoàn nhưng ông không chạy theo mốt thời thượng, không vì chiều theo thị hiếu độc giả mà viết về những mối tình lãng mạn. Trong khi Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng hăng hái đả phá lễ giáo phong kiến, cổ vũ cho tự do yêu đương, tự do hôn nhân, ủng hộ các phong trào Âu hóa, hô hào cải cách xã hội… thì Thạch Lam âm thầm hướng ngòi bút của mình về phía những người nghèo khổ với một niềm cảm thương, xúc động chân thành. Cho nên, Nguyễn Tuân hoàn toàn có lý khi nhận xét: “Xúc cảm của nhà văn Thạch Lam thường bắt nguồn và nảy nở lên từ những chân cảm đối với những con người ở tầng lớp dân nghèo (…) Thạch Lam là nhà văn quý mến cuộc sống, trân trọng trước sự sống của mọi người xung quanh”.

Thạch Lam tuy không mấy thành công ở thể loại tiểu thuyết, nhưng ông lại là một cây bút truyện ngắn xuất sắc và tài hoa. Truyện ngắn Thạch Lam thường không có cốt truyện đặc biệt, không có các sự kiện, tình tiết với những diễn biến căng thẳng, gay cấn nhưng lại rất giàu tâm tình, tâm trạng. Nhà văn tỏ ra có biệt tài trong việc miêu tả những cảm xúc, cảm giác mơ hồ, mong manh, tinh tế, lời văn bình dị mà gợi cảm. Mỗi truyện giống như một bài thơ trữ tình đượm buồn và đầy xót thương, hướng tới cuộc sống vất vả cơ cực của những kiếp người nhỏ bé lay lắt trong những nơi “bùn lầy nước đọng” như những phố huyện nghèo hay những vùng ngoại ô. Đó là người tiểu tư sản (Người bạn trẻ, Đói), người dân nghèo thành thị (Một cơn giận), người nông dân nghèo (Nhà mẹ Lê), người phụ nữ (Cô hàng xén, Tối ba mươi, Hai lần chết,…), trẻ em nghèo (Hai đứa trẻ, Gió lạnh đầu mùa,…)

Tuy là một nhà văn lãng mạn, nhưng những sáng tác thuần tuý lãng mạn, mơ mộng của Thạch Lam lại rất ít ỏi, hình như chỉ có “Dưới bóng hoàng lan”. Còn lại chủ yếu là những truyện ngắn đan xen hai yếu tố lãng mạn và hiện thực như “Gió lạnh đầu mùa”, “Hai đứa trẻ”, “Đứa con đầu lòng”,… Cá biệt có truyện nghiêng hẳn về hiện thực, có thể xếp cùng những truyện ngắn hiện thực tiêu biểu của Nam Cao, Nguyên Hồng, như truyện “Nhà mẹ Lê”.

Như vậy, hầu hết truyện ngắn Thạch Lam là sự giao thoa giữa lãng mạn và hiện thực. Trong nhóm Tự lực văn đoàn, sáng tác của Thạch Lam được xếp vào khuynh hướng nghiêng về bình dân. Ấy là một đặc trưng của ngòi bút lãng mạn Thạch Lam, nhưng cũng cần phân biệt sự khác nhau về chất giữa tác phẩm Thạch Lam với một số tác phẩm khác của Tự lực văn đoàn ra đời trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939) cũng viết về chốn “bùn lầy nước đọng”. Chính Thạch Lam là người có ý thức phân biệt điều này rõ nhất. Trong bài luận “Người nhà quê trong văn chương”, Thạch Lam phê phán những tác phẩm mang tính xu thời: “Ít lâu nay những tiểu thuyết về dân quê sản xuất cũng khá nhiều. Một số nhà văn vì theo thời hay vì một sở thích văn chương đột ngột đã bỏ những nhân vật phi thường hay lãng mạn để quay về nhìn người nhà quê chân lấm tay bùn trên thửa ruộng”, “Nhiều nhà văn xưa nay không hề chú ý đến tình cảnh sinh hoạt của dân quê bỗng một sáng tỉnh dậy thấy mình là văn sĩ bình dân, ông đặt ra yêu cầu cần phải “tự cày bừa lấy trang sách, nói về người nhà quê, vạch một luống cày thẳng thắn và mạnh bạo trên đất màu và không chịu cho những ý tưởng bên ngoài ảnh hưởng… Phải biết quan sát bề trong và đi sâu vào những bí mật của những tâm hồn ấy”. Nếu chỉ miêu tả bằng cái nhìn hời hợt bên ngoài, nhà văn dễ gán cho người dân quê những “đức tính và tật xấu” mà họ “thực không có”, hoặc làm cho hình ảnh họ trở nên méo mó, dốt nát, bản năng (như Vọi trong “Trống mái” chẳng hạn).

Trong sáng tác của Thạch Lam, có một thứ chủ nghĩa nhân đạo hết sức đặc thù, không cần phải lớn tiếng đấu tranh vì con người mới là yêu thương con người, tình cảm ấy ở Thạch Lam nhiều khi giản dị chỉ là thái độ cẩn trọng khi viết về họ, ở cách gọi tên, ở sự kiếm tìm chắt chiu cái đẹp bình dị trong đời,… nhưng nó thực sự thấm thía và nhân bản. Vũ Bằng đã nhận xét rất đúng về Thạch Lam khi so sánh Thạch Lam với những cây bút chủ chốt khác của Tự lực văn đoàn: “Trong nhóm Phong hóa – Ngày nay, Hoàng Đạo là người lý thuyết, Nhất Linh là người thực hành, Khái Hưng là người đã phá nếp sống cũ để tiến đến một đời sống mới, tựu trung đều là thương người, yêu người cả, nhưng muốn nói đến một người tôn thờ nhân bản thực sự, một người yêu thương, xót xa đồng bào từ tâm can tỳ phế thương ra thì người ấy chính là Thạch Lam”.

Nói như vậy nghĩa là Thạch Lam rất gần các nhà văn hiện thực, nhưng chỉ gần gũi thôi, Thạch Lam chưa được xếp vào hàng ngũ nhà văn hiện thực, ông vẫn là một nhà văn lãng mạn bởi lẽ người ta có thể tìm thấy đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn

trong đa số sáng tác của ông. Đó là kiểu xây dựng cốt truyện mờ nhạt, không có nhiều xung đột, gay cấn; kiểu nhân vật không phải là con người hành động mà thiên về suy nghĩ, cảm xúc nội tâm, và dù là ai cũng thường có chung một kích thước tâm hồn, vì đó chính là phiên bản tâm hồn của tác giả, Thạch Lam thường lấy tâm hồn mình để xây dựng nhân vật; kiểu miêu tả tâm lý nghiêng về cảm xúc, cảm giác tinh tế hơn là sự đấu tranh giằng co quyết liệt; lối viết nhẹ nhàng tinh tế lắng sâu vào bên trong, để lại nhiều dư vị trong lòng người…

3.2. Diện mạo lãng mạn và hiện thực trong “Hai đứa trẻ”

Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” in trong tập “Nắng trong vườn”, là tác phẩm tiêu biểu của Thạch Lam, nơi thể hiện khá rõ một số đặc trưng của văn học lãng mạn, nơi thể hiện cái riêng, độc đáo trong khuynh hướng lãng mạn của Thạch Lam – sự giao thoa của hai yếu tố hiện thực và thi vị, trữ tình.

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI đặc TRƯNG của CHỦ NGHĨA LÃNG mạn (Trang 57 - 60)