II. Từ đặc trưng chung…
d) Biện pháp tu từ
Ngoài những biện pháp tu từ quen thuộc trong văn học dân tộc như so sánh, nhân hóa... Thơ mới sử dụng phổ biến nghệ thuật đối lập và ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.
Đối lập là một nghệ thuật đặc thù của văn học lãng mạn, bởi vì cũng giống như văn học lãng mạn Pháp, đối lập xét trên bình diện rộng là tâm thế của nghệ sĩ lãng mạn trước thực tại xã hội. Họ luôn đối lập mình với thực tế đen tối, tù túng, muốn thoát ra khỏi hiện thực đó. Sự đối lập này biểu hiện trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm trên những khía cạnh cụ thể. Đó có thể là sự đối lập của những tâm trạng, cảm xúc: sung sướng – vội vàng, khát khao gần gũi - thực tế cô đơn trong sáng tác của Xuân Diệu. Điển hình nhất trong Thơ mới có lẽ là đối lập giữa quá khứ và hiện tại. Đối lập này được khai thác trong nhiều tác phẩm của nhiều nhà thơ mới như Thế Lữ, Phạm Huy Thông, Vũ Đình Liên, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Huy Cận... Điều này có thể lý giải ở cơ sở sâu xa chính là sự ý thức về tồn tại của cái tôi cá nhân cá thể ở quan niệm động, mới mẻ về thời gian, ở nỗi đau xót trước hiện thực ngột ngạt đen tối muốn tìm lại thời vàng son đã mất... Như vậy, sự đối lập của các cặp phạm trù đã nói lên một cách chân thật tình yêu đối với cuộc sống của các nhà thơ mới.
Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác cũng là một biện pháp nghệ thuật quen thuộc trong Thơ mới. Đây là một nét đặc trưng của văn học lãng mạn Việt Nam, ảnh hưởng từ trường phái thơ tượng trưng của Pháp, với quan niệm về thuyết tương giao: ánh sáng – hương thơm – màu sắc tương giao với nhau, vì thế có thể dùng từ chỉ giác quan này để chỉ giác quan khác. Điều này đòi hỏi sự cảm nhận tinh tế của mọi giác quan cũng như cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Đây đúng là lĩnh vực để cái tôi cá nhân phát huy vai trò bản thể của mình. Ví dụ:
- “Đã nghe rét mướt luồn trong gió”
- “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”...
Nhờ đó, những hình ảnh quen thuộc người ta vẫn bắt gặp hàng ngày tưởng như đã nhàm chán nay trở nên vô cùng mới lạ và hấp dẫn.