Môi trường chính trị pháp luật

Một phần của tài liệu Phân tích môi trường kinh doanh đối với chuỗi giá trị cửa hàng đồ ăn nhanh (Trang 32 - 34)

Kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, môi trường chính trị - pháp luật đã thông thoáng hơn rất nhiều.

Nhượng quyền thương mại đã tồn tại ở Việt Nam từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, sự phát triển của lĩnh vực này đã bị kìm hãm trong hơn một thập kỷ vì thiếu khung pháp lý rõ ràng cho nhượng quyền thương mại. Cho tới trước khi ban hành pháp luật riêng về nhượng quyền thương mại, nhượng quyền thương mại không được công nhận như một phương thức kinh doanh riêng biệt. Trước khi ban hành luật Thương mại năm 2005, nhượng quyền thương mại được coi như một dạng hoạt động công nghệ và bị điều chỉnh bởi luật về hợp đồng li-xăng và luật về chuyển giao công nghệ. Các doanh nghiệp muốn nhượng quyền đành phải hoạt động luẩn quẩn trong những luật này bằng cách chia hợp đồng nhượng quyền thành các hợp đồng khác nhau: hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển giao công nghệ và hợp đồng dịch vụ đào tạo. Theo giải thích của “Vision and Associates” – một công ty luật Việt Nam – thì “do không có nhiều khuôn khổ pháp lý để tham chiếu, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đơn thuần coi hợp đồng nhượng quyền như một hợp đồng li- xăng nhãn hiệu, hợp đồng chuyển giao công nghệ và/hoặc là hợp đồng dịch vụ. Các hợp đồng ấy, vì thế, sẽ phải chịu các quy định khác nhau theo pháp luật Việt Nam thời đó”. Thay vì gia nhập lĩnh vực nhượng quyền thông qua hợp đồng nhượng quyền, nhà nhượng quyền tương lai buộc phải thông qua một hoặc một vài loại hợp đồng khác – một việc làm giống như “nồi tròn úp vung méo” làm nản lòng các nhà nhượng quyền cả nội địa lẫn nước ngoài.

Do những rào cản trên, thật dễ hiểu vì sao dù đến Việt Nam từ năm 1998, Lotteria – một trong hai công ty nhượng quyền nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam về quy mô hệ thống – lại không sử dụng nhượng quyền thương mại để mở rộng hệ thống trong thời gian đầu. Tương tự thế, cho đến khi có pháp luật về nhượng quyền thương mại, cà phê Trung Nguyên – nhà nhượng quyền nội địa đầu tiên và lớn nhất – vận hành những cửa hàng của mình thông qua các hợp đồng đại lý chứ không phải hợp đồng nhượng quyền. Cho đến năm 2005, ở Việt Nam chỉ có 23 hệ thống nhượng quyền thương mại, cả nội địa lẫn nước ngoài, vận hành rất ít cửa hàng mà phần lớn trong số đó được sở hữu và điều hành bởi các nhà nhượng quyền chứ không phải bởi bên nhận quyền. Hậu quả là nhận thức về nhượng quyền thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất nghèo nàn. Người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam nhận thức về nhượng quyền chủ yếu thông qua sự liên tưởng tới

các nhãn hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước hơn là nhìn nhận nhượng quyền thương mại như một phương thức kinh doanh ngày càng phổ biến trên thế giới.

Nhờ có pháp luật riêng về nhượng quyền mà số lượng nhượng quyền thương mại cũng như số lượng cửa hàng nhượng quyền thương mại mở ra tăng nhanh chóng. Hệ thống nhượng quyền trong nước tăng từ 10 (năm 2005) lên đến 18 (năm 2010). Ngoài sự ra tăng về số lượng hệ thống nhượng quyền, tỷ lệ tăng trưởng cửa hàng nhượng quyền cũng rất ổn định. Số cửa hàng nhượng quyền thương mại tăng từ 700 vào năm 2007 tới 890 vào tháng 6 năm 2008. So với một thập kỷ trước, số lượng cửa hàng của Jollibee cũng chỉ có 4, Lotteria là 9 và KFC là 14. Và khi nhìn lại con số cửa hàng chỉ sau 4 năm kể từ khi có luật nhượng quyền thương mại thì chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều ngạc nhiên cả. Jollibee có 10 cửa hàng, Lotteria là 80 và KFC cũng 80. Mặc dù hầu hết các cửa hàng vẫn được sở hữu và điều hành bởi các nhà nhượng quyền nhưng số lượng cửa hàng được nhượng quyền cũng tăng lên đáng kể kể từ khi có pháp luật nhượng quyền thương mại.

Trên thực tế, 95% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ. Ít kinh nghiệm kinh doanh và thiếu kiến thức nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nội địa đang coi nhượng quyền thương mại như chiến lược tốt nhất để mở rộng hệ thống tại Việt Nam cũng như ra quốc tế, ví dụ như công ty Vissan, công ty Cổ phần thực phẩm nông sản Xuất khẩu Sài Gòn (Argex).

Doanh số của khu vực nhượng quyền thương mại đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. Doanh thu của ngành này tăng từ 1,5 triệu đô la vào năm 1996 đến 9 triệu đô la vào năm 2005. Đến năm 2009, doanh thu của ngành thức ăn nhanh là 500 tỷ đồng, theo như Bộ Công Thương công bố. Với lợi nhuận như vậy thì việc các doanh nghiệp mới xuất hiện là điều không thể tránh khỏi. Việc cạnh trang càng ngày càng gay gắt hơn khi đến thời điểm hiện tại, các ông lớn của ngành đồ ăn nhanh đều đã có mặt ở Việt Nam.

Việt Nam là một trong khoảng 33 quốc gia có pháp luật riêng biệt về nhượng quyền thương mại để khuyến khích sự phát triển cũng như giải quyết các vấn đề xảy ra trong lĩnh vực này. Pháp luật nhượng quyền thương mại đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nhượng quyền, nhưng dĩ nhiên không phải là đũa thần có thể đối phó với tất cả các vấn đề liên quan đến nhượng quyền. Các công ty nhượng quyền ở Việt Nam, cả nội địa lẫn nước ngoài, sẽ phần nào thất vọng và gặp khó khăn bởi hệ thống quan liêu, sự thiếu thống nhất, minh bạch và nhất quán trong hệ thống pháp luật, việc thực thi thiếu mạnh mẽ về quyền sở hữu trí tuệ và nạn tham nhũng, cũng như việc thực thi không đầy đủ mục tiêu quốc gia tại địa phương.

Một phần của tài liệu Phân tích môi trường kinh doanh đối với chuỗi giá trị cửa hàng đồ ăn nhanh (Trang 32 - 34)