Ngoài các tuyến, tour du lịch mà Sở VH- TT- DL đã triển khai, vấn đề đa dạng hóa sản phẩm du lịch ở thành phố Kon Tum cần chú trọng một số điểm sau:
Sản phẩm lưu niệm
Với một hệ thống nghề truyền thống có giá trị như: nghề dệt, tạc tượng, đan lát, nghề gốm...(như đã trình bày ở mục 1.3.2), chính quyền thành phố có thể nghiên cứu đưa ra một số loại sản phẩm lưu niệm như là: móc chìa khóa có hình tượng người- vật được tạc thủ công; các giỏ hoa, ghế ngồi...ứng dụng vào trang trí nhà cửa theo đúng hoa văn của người Bahnar; tạo ra các sản phẩm bằng gốm theo phương pháp của đồng bào dân tộc, làm theo phương pháp thủ công, có in hoa văn riêng của người dân tộc.
Dịch vụ cơ bản
Tăng cường chất lượng dịch vụ của các nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, quán ăn đạt tiêu chuẩn. Tăng số lượng khách sạn đạt chuẩn 2 sao trở lên; menu của các nhà hàng phong phú hơn, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh...Tránh tình trạng chặt chém khách, đặc biệt cần miễn phí các dịch vụ như: xem ti vi, sử dụng máy tính....như một số khách sạn, nhà nghỉ đang tiến hành thu phí như hiện nay.
Dịch vụ đặc trưng
Nâng cao chất lượng các tour du lịch: city tour, trekking tour- vốn là điểm mạnh của du lịch thành phố nhờ khoảng cách giữa các điểm di sản tương đối gần có thể di chuyển bằng hình thức: đi bộ, đi xe đạp, xe máy.
Tăng cường dịch vụ cho thuê xe máy, xe đạp, ô tô phục vụ nhu cầu của khách du lịch đồng thời giảm phí thuê các phương tiện này.
Dịch vụ bổ sung
Ngoài hệ thống các điểm vui chơi giải trí đã có, thành phố cần tăng cường một số dịch vụ mới, độc đáo hơn như : dịch vụ cho thuê thuyền độc mộc (đã có) cần được nhân rộng hơn, xây dựng tour làng nghề : kết hợp với city tour cho khách tham quan các điểm sản xuất nghề thủ công, để khách tham gia tự làm các sản phẩm : se sợi, dệt vải, nặn gốm hay là tự tạc tượng...theo sự hướng dẫn của các nghệ nhân.