* Hạn chế:
Trong thực tiễn thực hiện, hoạt động khám xét đã đem lại được nhiều kết quả tích cực trong việc tìm kiếm, phát hiện, thu thập những vật chứng liên quan đến vụ án hình sự, từ đó góp phần làm sáng tỏ vụ án, mặt khác, hoạt động này cũng tồn tại một số hạn chế, vướng mắc nhất định. Những hạn chế
trong hoạt động khám xét tuy chưa đến mức phổ biến và nghiêm trọng nhưng cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả của quá trình giải quyết vụ án hình sự. Do đó, những hạn chế này cần phải được phân tích để tìm ra nguyên nhân và đề xuất những giải pháp khắc phục. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, vẫn còn xảy ra tình trạng khám xét sai thủ tục, vi phạm các quy định về căn cứ, thẩm quyền ra lệnh khám xét
- Khám xét khi không có lệnh
Theo quy định của BLTTHS, trừ trường hợp không thể trì hoãn, còn lại mọi cuộc khám xét đều bắt buộc phải có lệnh khám do những người có thẩm quyền ra lệnh khám xét ban hành. Tuy nhiên, do hiện nay pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể về các trường hợp không thể trì hoãn, không quy định về trình tự, thủ tục đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành lệnh khám xét, thêm vào đó là ý thức kỷ luật của một bộ phận không nhỏ người có thẩm quyền tiến hành khám xét còn thấp nên đã dẫn đến tình trạng khám xét tràn lan, khám xét thị uy, không có lệnh và sau khi khám xong, những trường hợp này đều được “viện dẫn” vào trường hợp không thể trì hoãn.
Theo số liệu nghiên cứu thực tiễn của chúng tôi thì trên tổng số 61 vụ án thực hiện hoạt động khám xét có tới 06 vụ án không có lệnh khám xét lưu trong hồ sơ. Sai phạm khám xét khi không có lệnh này thường xảy ra ở những cuộc khám người, khám phương tiện giao thông… được tổ chức và thực hiện bởi CQĐT cấp huyện.
- Khám xét khi chưa xác định căn cứ rõ ràng
Như đã trình bày trong phần lý luận, căn cứ khám xét là cơ sở quan trọng hàng đầu để các cơ quan có thẩm quyền ra lệnh khám xét có ban hành lệnh hay không. Nghĩa là, trong mọi trường hợp, việc tiến hành khám xét luôn phải tuân thủ theo quy định tại Điều 140 BLTTHS về căn cứ khám xét. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại tình trạng khám xét khi chưa đủ căn cứ, thậm chí là không có căn cứ.
Điển hình về trường hợp khám xét khi không có căn cứ và không có lệnh có thể kể đến:
Vụ khám xét người và xe không có căn cứ, không có lệnh khám của một số cảnh sát điều tra công an tỉnh Sóc Trăng đối với vợ chồng chị Cao Thị Kiều (32 tuổi, trú tại khu đô thị 5A, TP Sóc Trăng). Theo đó, Khoảng 21h ngày 16/11/2014, vợ chồng Kiều lái xe riêng của gia đình về quê, đến gần UBND xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng thì bị một số cảnh sát điều tra công an tỉnh Sóc Trăng ra hiệu dừng xe để kiểm tra giấy tờ. Sau đó, họ tiến hành khám xét người và xe, lục tung hàng hóa của vợ chồng chị Kiều ngay trong đêm nhưng không nêu ra được căn cứ khám xét, cũng không xuất trình được lệnh khám. Trước hành vi khám xét trái pháp luật của lực lượng này, chị Kiều đã gửi đơn trình báo đến các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng và yêu cầu các cơ quan này làm rõ vụ việc [3].
- Khám xét khi thiếu người chứng kiến
Theo quy định của BLTTHS và các văn bản pháp luật có liên quan thì khi tiến hành khám người, cần phải có người cùng giới chứng kiến, khi tiến hành khám chỗ ở, địa điểm phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến (nếu đương sự và người thành niên trong gia đình họ vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày), khi khám chỗ làm việc thì phải có đại diện của cơ qua, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến và khi khám xét, thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm phải có đại diện của cơ quan bưu điện chứng kiến. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng vẫn còn tồn tại tình trạng khi khám xét, người thi hành lệnh không mời những người có trách nhiệm trên tham gia chứng kiến hoạt động khám xét. Điều này là không phù hợp với quy định của pháp luật, làm mất hoặc giảm giá trị pháp lý của những tài liệu,
đồ vật… thu thập được từ hoạt động khám xét, nhiều trường hợp còn dẫn đến tình trạng xâm phạm các quyền cơ bản của công dân.
Ví dụ: Khoảng 08h ngày 20 tháng 05 năm 2013, tại phòng 302 khách sạn Lai, số 08 Phan Đình Phùng, phường 2, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra vụ án Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng do Nguyễn Đình Phong (sinh năm 1974, trú tại số 87/3 phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện. Đối tượng này đã bị bắt quả tang và cùng ngày 20/5/2013, cơ quan cảnh sát điều tra công an quận Phú Nhuận bên cạnh việc tiến hành khám xét nơi xảy ra tội phạm là phòng 302 khách sạn Lai, còn tiến hành xác minh địa điểm và tổ chức thực hiện khám xét khẩn cấp đối với chỗ ở của Nguyễn Đình Phong là căn nhà riêng, có địa chỉ tại số 87/3 phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, CQĐT đã thu giữ 01 khẩu súng ngắn màu trắng bạc bằng kim loại, số hiệu Z510206, 01 băng đạn bằng kim loại, bên trong chứa 4 viên đạn bằng kim loại, màu vàng, 01 cây kiếm bằng kim loại, dài khoảng 60cm (kiếm bằng gỗ, bao kiếm bằng gỗ). Đây là những vật chứng quan trọng, chứng minh cho hành vi phạm tội của Nguyễn Đình Phong. Tuy nhiên, do khi tiến hành khám chỗ ở, cơ quan thi hành lệnh đã không mời 02 người láng giềng của Nguyễn Đình Phong chứng kiến mà chỉ có đại diện chính quyền địa phương và đại diện gia đình của đương sự nên giá trị chứng minh của các vật chứng nêu trên trong vụ án cũng đã bị ảnh hưởng.
- Biên bản khám xét còn tồn tại nhiều lỗi kỹ thuật
Về nguyên tắc, khi tiến hành khám xét, người thi hành lệnh phải tiến hành lập biên bản. Trong biên bản, bên cạnh các nội dung về hoạt động khám xét, những người tiến hành, tham gia hoặc có liên quan đến khám xét, những khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ thì thời gian, địa điểm, ngày, giờ, tháng, năm tiến hành khám xét, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc của
hoạt động này cũng buộc phải được ghi nhận rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế, trong một số biên bản khám xét, thông tin về thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc của hoạt động khám xét lại không được ghi nhận hoặc ghi nhận không chính xác. Ngoài ra, những phần giấy bỏ trắng, không ghi nhận thông tin gì của một số biên bản khám xét cũng không bị gạch bỏ. Thực chất, đây là những sai phạm về mặt kỹ thuật, xuất phát từ sự sơ suất, mất tập trung của cán bộ lập biên bản khám xét.
Minh chứng cho sai phạm này có thể kể đến: Biên bản khám chỗ ở của
đương sự trong vụ án Nguyễn Thị Ngọc Nữ phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy trên địa bàn thị xã Lai Khê, tỉnh Gia Lai theo quyết định khởi tố vụ án số 35/QĐ ngày 06/06/2012 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã An Khê. Trong biên bản này, có rất nhiều phần giấy bỏ trắng không bị gạch bỏ, đồng thời thời gian bắt đầu khám xét và thời gian kết thúc khám xét đều được ghi là 21 giờ 00 ngày 02 tháng 06 năm 2012.
Thứ hai, hoạt động khám xét chưa có sự kiểm sát trực tiếp của Viện kiểm sát nhân dân cấp có thẩm quyền
Theo quy định của BLTTHS năm 2003 và các văn bản có liên quan khác thì bên cạnh chức năng truy tố tội phạm trước pháp luật, Viện kiểm sát còn có chức năng quan trọng là kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật trong quá trình thực hiện các hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng khác, trong đó có hoạt động điều tra của các cơ quan có thẩm quyền. Hiện nay, BLTTHS hiện hành không có quy định bắt buộc sự có mặt của đại diện Viện kiểm sát trong hoạt động khám xét, quá trình nghiên cứu những hồ sơ vụ án ngẫu nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy trong các hoạt động khám xét đã thực hiện, không hoạt động nào có sự tham gia chứng kiến, giám sát trực tiếp của Viện kiểm sát nhân dân cấp có thẩm quyền. Như vậy có nghĩa là Viện kiểm sát nhân dân mới chỉ kiểm sát hoạt động khám xét trên cơ sở hồ sơ vụ án mà chưa có sự kiểm tra, giám sát thực tiễn đối với hoạt động này.
Thứ ba, hoạt động khám xét chủ yếu chỉ được thực hiện bởi CQĐT, các cơ quan có thẩm quyền điều tra khác vẫn chưa tích cực thực hiện hoạt động này
Tuy BLTTHS hiện hành trao quyền khám xét cho cả CQĐT và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân song trên thực tế, chủ yếu chỉ có CQĐT thực hiện hoạt động này còn các cơ quan khác chưa tích cực thực hiện.
Trong tất cả các hồ sơ vụ án có thực hiện hoạt động khám xét mà chúng tôi đã nghiên cứu, không có bất kỳ một cuộc khám xét nào được tổ chức và thực hiện bởi các cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra ban đầu nêu trên, mặc dù trong một số vụ án, các cơ quan này cũng đã thực hiện một số hoạt động điều tra ban đầu. Theo khảo sát chuyên gia thì khi tiến hành điều tra, phần lớn các cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra ban đầu chỉ tiến hành một số nghiệp vụ đơn giản, sau đó gửi hồ sơ đến các CQĐT có thẩm quyền, nhiều nơi có xu hướng né tránh, hạn chế việc thực hiện hoạt động khám xét. Thực tế này đã gây khó khăn lớn cho các CQĐT khi tổ chức cuộc khám xét sau này, bởi lẽ, từ khi tiếp nhận hồ sơ vụ án đến khi tiến hành xác định căn cứ, tổ chức khám xét cần mất một khoảng thời gian nhất định, trong thời gian đó, có thể tội phạm đã nhanh chóng thủ tiêu chứng cứ, chạy trốn hoặc làm hại những người bị bắt cóc, con tin…
Thứ tư, năng lực chuyên môn của nhiều cán bộ thi hành lệnh khám xét còn ít nhiều hạn chế
Khám xét là một biện pháp điều tra mang tính phức tạp, đòi hỏi người thực hiện phải có sự tỉ mỉ, kiên nhẫn khi nghiên cứu hồ sơ cũng như lên kế hoạch và tiến hành khám xét. Tuy nhiên, hiện nay tồn tại một bộ phận không hề nhỏ cán bộ có thẩm quyền tiến hành khám xét còn hạn chế năng lực chuyên môn, dẫn đến tình trạng nghiên cứu hồ sơ không kỹ lưỡng hoặc không trực tiếp xuống địa bàn (nơi khám xét) để thăm dò, xác minh trước khi tiến hành khám xét. Từ đó dẫn đến những sai sót trong việc xác định phương pháp
tiến hành, lực lượng tham gia cũng như việc bảo vệ khu vực khám xét. Bên cạnh đó, khi tiến hành khám xét, một số cán bộ chưa thật sự nhận thức đúng tầm quan trọng và ý nghĩa sâu sắc của hoạt động khám xét nên không tạo được yếu tố bất ngờ, để lộ bí mật, thông tin, mục đích, để tội phạm phát hiện lực lượng khám xét trước khi đột nhập, khống chế khu vực cần khám xét dẫn đến tình tội phạm tiêu hủy, cất giấu những đồ vật, tài liệu cần thu thập hay tạo điều kiện cho tội phạm có cơ hội tẩu thoát, lẩn trốn.
* Nguyên nhân của thực trạng
Những tồn tại, hạn chế nêu trên được bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Để kịp thời khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả của hoạt động khám xét, trước hết cần phải xác định, làm rõ những nguyên nhân này. Cụ thể:
Thứ nhất, những quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động khám xét còn tồn tại nhiều thiếu sót, bất cập
Đây được coi là nguyên nhân chính gây nên những hạn chế trong thực tiễn hoạt động điều tra khám xét. Theo đánh giá, phân tích của nhiều chuyên gia nghiên cứu thì việc BLTTHS hiện hành không có điều luật quy định về khái niệm khám xét, thời hạn tiến hành khám xét, sự giám sát của Viện kiểm sát trong suốt quá trình khám xét và những trường hợp khám xét đặc biệt như khám người nước ngoài, khám nơi làm việc của những người là đại biểu Quốc hội hoặc những người giữ chức vụ quan trọng khác trong Nhà nước… đang tạo ra những lỗ hổng lớn, khiến các cơ quan chức năng lúng túng khi thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, những quy định chung chung, không rõ ràng, nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu văn bản hướng dẫn về căn cứ, thẩm quyền ra lệnh khám xét, trình tự, thủ tục tiến hành các biện pháp khám xét cụ thể cũng như hoạt động tạm giữ đồ vật, tài liệu khi tiến hành khám xét đã ảnh hưởng lớn đến tính hợp pháp và chất lượng của hoạt động khám xét cũng như quyền lợi của những người bị áp dụng biện pháp này.
Thứ hai, đội ngũ cán bộ thi hành lệnh khám xét của các cơ quan có thẩm quyền còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ chuyên môn, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ thuộc các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
Khám xét là một biện pháp điều tra tổng hợp, phức tạp, đòi hỏi những người tiến hành khám xét phải có trình độ chuyên môn cao, khả năng xử lý tình huống tốt. Tuy nhiên, hiện nay, do hoạt động đào tạo các cán bộ chuyên môn ở nước ta chưa được đầu tư đúng mức, môi trường học tập còn thiếu thốn, lạc hậu, thêm vào đó, bản thân của các cán bộ lại chưa nhận thức nghiêm túc về vai trò của mình nên trình độ chuyên môn của họ chưa cao, việc ứng phó với những tình huống bất ngờ cũng hạn chế, làm mất đi tính quyết liệt, chuyên nghiệp của hoạt động khám xét. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, tuyển chọn, bổ nhiệm đội ngũ điều tra viên trong CQĐT còn chưa hợp lý, nhiều đơn vị xảy ra hiện tượng thiếu cán bộ điều tra, phải đưa từ lực lượng khác vào. Điều này dẫn đến tình trạng số lượng điều tra viên có tăng lên qua các năm nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn hoạt động điều tra.
Theo quy định của BLTTHS thì, bên cạnh CQĐT, các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra cũng được tiến hành khám xét, bao gồm: Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân. Đây chỉ là các cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự xã hội. Những cán bộ của các cơ quan này không hề được đào tạo bài bản, cụ thể về những kỹ năng, nghiệp vụ tiến hành điều tra, do đó, khi những cán bộ này thực hiện hoạt động khám xét đã xảy ra tình trạng không tương xứng giữa trình độ, năng lực, kinh nghiệm của người thi hành với yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ, phục vụ cho hoạt động điều tra khám xét còn hạn chế, lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn