Thẩm quyền ra lệnh và tiến hành khám xét

Một phần của tài liệu Biện pháp điều tra khám xét theo luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 43 - 47)

2.1.2.1. Thẩm quyền ra lệnh khám xét

Thẩm quyền ra lệnh khám xét được quy định tại BLTTHS năm 2003 như sau:

1. Những người được quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét trong mọi trường hợp. Lệnh khám xét của những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

2. Trong trường hợp không thể trì hoãn, những người được quy định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi khám xong, người ra lệnh khám phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp [31, Điều 141]. Theo quy định trên, những người có thẩm quyền ra lệnh áp dụng biện pháp khám xét là Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp; Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà

Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT các cấp. Trong trường hợp thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT ra lệnh khám xét thì phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trước khi thi hành. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến sự phê chuẩn của Viện kiểm sát như hồ sơ, trình tự thủ tục, thời hạn… lại đang bị bỏ ngỏ, chưa được điều chỉnh. Điều này đã gây cho CQĐT nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện. Vấn đề này sẽ được phân tích cụ thể ở phần sau.

Theo khoản 2 Điều 141 BLTTHS, trong trường hợp không thể trì hoãn, những người sau đây có quyền ra lệnh khám xét: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT; Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới; Người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng. Sau khi khám xong, trong thời hạn 24 giờ, người ra lệnh khám phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Có thể thấy việc pháp luật ghi nhận và trao quyền ra lệnh khám xét cho những chủ thể trên đã thể hiện sự linh hoạt, phù hợp của pháp luật trong những trường hợp khẩn cấp, cần khám xét ngay. Điều này đã góp phần hạn chế tối đa khả năng thủ tiêu, cất giấu hoặc làm thay đổi tính chất những chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án của tội phạm và các đối tượng hữu quan, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động khám xét. Bên cạnh đó, việc pháp luật quy định nghĩa vụ của các chủ thể trên phải thông báo bằng văn bản đến Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trong thời hạn 24 giờ sau khi khám xong đã đảm bảo sự giám sát chặt chẽ về trình tự, thủ tục khám xét, hạn chế những cuộc khám xét tràn lan, vô căn cứ. Tuy nhiên, quy định này cũng bộc lộ hạn chế là chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xác định Viện kiểm sát cùng cấp trong trường hợp lệnh khám xét được ban hành khi tàu bay tàu, biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng. Hơn nữa, những trường hợp không thể trì hoãn

cũng không được quy định cụ thể trong BLTTHS. Các cơ quan có thẩm quyền chủ yếu phải căn cứ vào diễn biến, tính chất của từng vụ án để quyết định trường hợp nào là không thể trì hoãn, phải tiến hành khám xét khẩn cấp. Trong thực tiễn điều tra, hầu hết các cơ quan có thẩm quyền đều xác định các các trường hợp không thể trì hoãn theo những căn cứ như:

- Có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án, người đang bị truy nã. Nếu không tiến hành khám xét ngay thì rất có thể bị tẩu tán, tiêu hủy, người bị truy nã có thể lẩn trốn, tẩu thoát.

- Những đồ vật, công cụ, phương tiện đang ở trong người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của một người có thể gây nguy hại cho những người xung quanh hoặc bọn tội phạm có thể sử dụng để tiếp gây án tiếp tục [2, tr.30].

Tuy nhiên, những căn cứ này chỉ mang tính tham khảo chứ không phải là quy định của văn bản quy phạm pháp luật nên không có hiệu lực bắt buộc chung. Do đó, nếu các cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào tài liệu này để xác định những trường hợp không thể trì hoãn thì không thuyết phục về mặt pháp lý. Nội dung này chúng tôi sẽ kiến nghị hoàn thiện pháp luật ở Chương sau.

2.1.2.2. Thẩm quyền tiến hành khám xét

Khám xét là một biện pháp điều tra được tiến hành trước hoặc sau khi khởi tố vụ án hình sự hoặc trong trường hợp bắt người phạm tội quả tang. Do đó, thẩm quyền tiến hành khám xét thuộc về các cơ quan được giao thẩm quyền điều tra vụ án hình sự, trước hết là CQĐT. Theo Điều 110 BLTTHS và Điều 1 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004, CQĐT gồm có: CQĐT trong Công an nhân dân, CQĐT trong Quân đội nhân dân, CQĐT của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cụ thể như sau:

nhân dân: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh); Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện) và CQĐT của Lực lượng An ninh nhân dân: Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an; Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh).

- CQĐT trong Quân đội nhân dân gồm: CQĐT hình sự Quân đội; Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng; Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương; Cơ quan điều tra hình sự khu vực và CQĐT An ninh điều tra Quân đội: Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng; Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương.

- CQĐT của Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm: Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương.

Xuất phát từ thực tế là tội phạm có thể xảy ra trong tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các địa bàn, vào bất kỳ thời điểm nào nên để có thể kịp thời ngăn chặn tội phạm, thu thập chứng cứ ban đầu, hạn chế việc tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tang vật phạm tội, luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định giao cho một số cơ quan quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực và những cơ quan làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự đất nước được quyền tiến hành một số hoạt động điều tra. Do đó, những cơ quan này cũng có thẩm quyền tiến hành khám xét.

Các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra bao gồm: Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân. Đây không phải là các cơ quan tiến hành tố tụng, mà chỉ là các cơ quan quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực nhất định và những cơ quan trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ

an ninh, trật tự xã hội. Các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra chỉ có thẩm quyền thực hiện một số hoạt động điều tra ban đầu, sau đó chuyển hồ sơ vụ án cho các cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật. Bởi vậy, các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra nêu trên cũng chỉ được tiến hành khám xét trong phạm vi thẩm quyền điều tra chứ không phải trong suốt giai đoạn điều tra như CQĐT.

Như vậy, người có thẩm quyền ra lệnh khám xét và người thi hành lệnh khám xét là những chủ thể trực tiếp quyết định và thực hiện biện pháp điều tra khám xét đối với những chủ thể bị áp dụng. Những người này phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và những quy định khác có liên quan đến khám xét, nếu có hành vi ban hành hoặc thi hành lệnh khám xét trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà họ sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng được quy định trong Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành [31, Điều 149].

Một phần của tài liệu Biện pháp điều tra khám xét theo luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 43 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)