Luật Tố tụng hình sự của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Một phần của tài liệu Biện pháp điều tra khám xét theo luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 32 - 34)

Hiện nay, do đặc điểm thể chế truyền thống của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ở quốc gia này không có một BLTTHS riêng biệt, những quy định về tố tụng hình sự được điều chỉnh ở nhiều văn bản khác nhau như: Quy tắc tố tụng hình sự Liên bang, Quy tắc tố tụng phúc thẩm Liên bang, Quy tắc của Tòa án Tối cao, Quy tắc về bằng chứng của Liên bang và hàng loạt các Đạo luật của Liên bang, các Quyết định hợp Hiến của Tòa án Tối cao, Quy tắc nội bộ của Cơ quan Điều tra... Trong đó, biện pháp khám xét được điều chỉnh tập trung tại nguyên tắc thứ 41: Khám xét và bắt giữ của Các nguyên tắc Liên bang về Tố tụng hình sự năm 2006 (thường được gọi tắt là “Quy tắc tố tụng hình sự Liên bang”).

Theo nguyên tắc này, lệnh khám xét có thể được ban hành đối với: Chứng cứ về một tội phạm; Hàng buôn lậu, tài sản có được do phạm tội, hoặc các đồ vật khác được sở hữu bất hợp pháp; Tài sản được thiết kế để sử dụng, có ý định để sử dụng hoặc được sử dụng để phạm tội; hoặc một người cần phải bị bắt hoặc người đang bị tạm giữ bất hợp pháp. Có thể thấy, so với pháp luật Nhật Bản, pháp luật Liên bang của Hoa Kỳ quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp khám xét rộng hơn, cụ thể hơn, bao gồm cả người và tài sản (gồm: tài liệu, sách, giấy tờ, các đồ vật hữu hình và thông tin).

Nguyên tắc 41 (d) (1) của Các nguyên tắc Liên bang về Tố tụng hình sự Hoa Kỳ quy định thẩm phán sơ thẩm hoặc thẩm phán toà án bang nơi có hồ sơ (nếu được uỷ quyền) là những người có quyền ban hành lệnh khám xét. Thông thường, sau khi nhận được một bản khai hoặc thông báo đề nghị ban hành lệnh khám xét và nhận thấy có căn cứ để tiến hành khám xét người hoặc tài sản, thẩm phán sơ thẩm sẽ ban hành lệnh khám xét. Việc đề nghị ban hành lệnh khám xét cũng có thể được diễn ra qua điện thoại hoặc các phương tiện điện tử đáng tin cậy khác (như điện thoại, chuyển fax) nếu những thông tin này được tiến hành ghi âm, chứng nhận theo quy định của pháp luật. Tương tự, thẩm phán cũng có thể ban hành lệnh khám xét bằng điện thoại hoặc các phương tiện điện tử khác, sau đó chuyển hóa lệnh này thành văn bản theo quy định tại Nguyên tắc 41(e) (3). Đây là một quy định khá khác biệt của pháp luật Hoa Kỳ, bởi hiện nay, hầu hết pháp luật của các nước trên thế giới có ghi nhận biện pháp khám xét đều quy định lệnh khám xét phải được lập thành văn bản, có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền – nghĩa là lệnh này phải được tồn tại dưới hình thức một văn bản giấy. Thực tế điều tra cho thấy, việc quy định cho cơ quan có thẩm quyền có thể ban hành lệnh khám xét bằng điện thoại hoặc các phương tiện điện tử khác như trong pháp luật Hoa Kỳ mang lại ý nghĩa lớn trong những trường hợp khẩn cấp hoặc không thể trì hoãn tiến hành khám xét. Quy định này vừa thể hiện sự linh hoạt của pháp luật vừa phản ánh một trình độ lập pháp khoa học, tiến bộ, văn minh ở quốc gia này. Nội dung của quy định trên sẽ được tác giả đưa vào nghiên cứu để kiến nghị hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự ở Việt Nam tại Chương 3.

Để đảm bảo tính hợp pháp của hoạt động khám xét, pháp luật Hoa Kỳ đã ghi nhận các nguyên tắc thi hành lệnh đối với các cơ quan có thẩm quyền:

- Thi hành lệnh trong khoảng thời gian cụ thể, không quá 10 ngày; - Thi hành lệnh vào ban ngày, trừ khi thẩm phán vì lí do chính đáng uỷ quyền việc thi hành vào thời điểm khác;

- Sau khi thi hành, phải trả lại lệnh cho người thẩm phán sơ thẩm được ghi trong lệnh.

Có thể thấy, với quan niệm khám xét là một biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự, có nguy cơ xâm phạm đến quyền con người, pháp luật tố tụng hình sự Hoa Kỳ đã quy định về biện pháp này theo chiều hướng ràng buộc chặt chẽ trình tự, thủ tục ban hành và thực thi lệnh khám xét cũng như tính hợp pháp của nó. Tuy nhiên, không vì thế mà các quy định của pháp luật Hoa Kỳ trở nên cứng nhắc, trái lại, những quy định về khám xét trong luật tố tụng hình sự của quốc gia này có rất nhiều điểm tiến bộ, phù hợp với kiểu mô hình tố tụng tranh tụng đặc trưng. Những điểm tiến bộ này rất đáng để nhiều quốc gia khác học hỏi và hoàn thiện pháp luật tố tụng của mình, trong đó có Việt Nam.

Một phần của tài liệu Biện pháp điều tra khám xét theo luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 32 - 34)