BLTTHS hiện hành của Nhật Bản (thông qua năm 1948, sửa đổi bổ sung năm 2004) bao gồm 7 quyển, 23 chương đã điều chỉnh một cách toàn diện các nội dung về tố tụng hình sự, tạo cơ sở pháp lý cho việc làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án cũng như áp dụng và thực thi việc trừng trị một cách nhanh chóng đối với các vụ án hình sự, trong khi vẫn xem xét đầy đủ đến việc duy trì phúc lợi công và đảm bảo nhân quyền đối với từng cá nhân.
Cùng với biện pháp tạm giữ, biện pháp khám xét được BLTTHS Nhật Bản điều chỉnh tại Chương IX với 28 điều luật chính. Theo quy định tại Bộ luật này, khám xét là một biện pháp điều tra, có thể được áp dụng đối với bị cáo hoặc người không phải bị cáo nếu có những tình huống đủ để chỉ ra đồ vật cần bị tạm giữ. Khi có căn cứ khám xét thân thể, đồ vật hoặc nơi ở, hoặc bất kì nơi nào của các đối tượng khám xét, Tòa án có thẩm quyền ra lệnh. Lệnh khám xét có các nội dung chính gồm: tên bị cáo, tội phạm, địa điểm,
thân thể, hoặc đồ vật cần bị khám xét, thời hạn có hiệu lực, và tuyên bố là sau khi hết thời hạn này thì không được thi hành, phải trả lại lệnh cũng như ngày ban hành lệnh; các vấn đề được quy định trong các nguyên tắc của toà án; phải ký tên, đóng dấu của Chánh án. Lệnh này có thể được thi hành bởi thư kí văn phòng công tố hoặc cảnh sát dưới sự chỉ huy của công tố viên, trong trường hợp cần phải bảo vệ bị cáo, chánh án có thể ra lệnh cho thư kí toà hoặc cảnh sát thi hành.
Theo BLTTHS Nhật Bản, nếu trong lệnh khám xét không cho phép tiến hành vào ban đêm thì không được khám xét vào ban đêm. Tuy nhiên, trong trường hợp khám xét tại những nơi được cho là thường xuyên được sử dụng để đánh bạc, chơi số đề, hoặc các hành vi có thể gây tổn hại đến tập quán và đạo đức; hộp đêm, nhà hàng, hoặc bất kì nơi nào khác nơi công chúng có thể ra vào cả vào ban đêm thì hoạt động khám xét vẫn có thể diễn ra vào ban đêm. Quy định này của BLTTHS Nhật Bản khá linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, vừa bảo vệ quyền con người, vừa đảm bảo hiệu quả của hoạt động điều tra.
BLTTHS Nhật Bản quy định: “Trường hợp cần khám xét thân thể phụ
nữ, thì phải yêu cầu một phụ nữ đã trưởng thành có mặt: Với điều kiện là không áp dụng trong trường hợp khẩn cấp” [44, Điều 115]. Theo quy định này, có thể hiểu người thi hành lệnh khám không nhất thiết phải cùng giới với người bị khám (nam có thể khám nữ và ngược lại, nữ có thể khám nam) và khi khám nam giới, không cần có người cùng giới chứng kiến, chỉ trong trường hợp khám xét thân thể phụ nữ mới cần phải có người cùng giới chứng kiến. Đây có thể coi là một điểm không hợp lý trong pháp luật tố tụng hình sự của Nhật Bản. Bởi lẽ, chủ thể bị áp dụng biện pháp khám xét ngoài bị cáo còn có thể là những người không phải là bị cáo (chỉ là những người bị tình nghi phạm tội hoặc có liên quan khác), họ chưa bị hạn chế một số quyền công dân
nên việc pháp luật không quy định hoạt động khám người phải do người cùng giới thực hiện là không thỏa đáng, chưa thể hiện sự tôn trọng quyền được coi trọng thân thể của mỗi cá nhân. Vì vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh quyền con người đang ngày càng được đề cao ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, quy định này trong luật tố tụng hình sự Nhật Bản cũng nên sửa đổi, bổ sung theo hướng: khi khám người, nam khám nam, nữ khám nữ và bắt buộc phải có người cùng giới chứng kiến như trong pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của nhiều quốc gia có nền lập pháp tiến bộ khác trên thế giới.