Năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam Việt Nam, trong thời gian chờ đợi thống nhất về mặt Nhà nước (từ 30/4/1975 đến 29/06/1976), Nhà nước Cộng hòa đã ban hành một số văn bản Luật tố tụng hình sự đơn lẻ. Trong đó, Sắc luật số 02/SL-76 ngày 15/03/1976 quy định việc bắt giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật là văn bản có nội dung điều chỉnh trực tiếp hoạt động khám xét. Trong Sắc luật này, hoạt động khám xét được điều chỉnh tại 4 điều luật, với nội dung chủ yếu là quy định các hoạt động khám nhà ở, khám đồ vật trong trường hợp khẩn cấp, trường hợp phạm tội quả tang, nguyên tắc và việc lập biên bản khi tiến hành khám xét. Những quy định này đã được áp dụng khá triệt để trong hoạt động tố tụng hình sự ở Việt Nam giai đoạn trước những năm 90 của thế kỷ XX.
Thời kỳ này, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 là nguồn quan trọng của Luật tố tụng hình sự. Trong cả hai bản Hiến pháp trên, các quyền bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng, bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân đều được ghi nhận và bảo vệ. Trên cơ sở những nguyên tắc Hiến định, BLTTHS 1988- BLTTHS đầu tiên của nước ta ra đời đã có những quy định rõ ràng, đầy đủ về hoạt động khám xét. Tại đây, hoạt động khám xét được điều chỉnh trong một chương độc lập, bao gồm 4 điều luật với các nội dung cụ thể như sau:
- Căn cứ khám xét: khám xét chỉ được thực hiện khi có căn cứ nhận
định trong người, chỗ ở, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án hoặc khi cần phát hiện người đang bị truy nã hoặc khi cần phải thu thập những tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì có thể khám thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm [28, Điều 115].
- Thẩm quyền ra lệnh khám xét: trong những trường hợp thông thường, Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp; Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc Toà án quân sự cấp quân khu trở lên, chủ toạ phiên toà; Trưởng công an, Phó trưởng công an cấp huyện, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh và cấp quân khu trở lên (có lệnh khám xét do Viện kiểm sát cũng cấp phê chuẩn) là những người có thẩm quyền ban hành lệnh khám xét. Tuy nhiên, trong trường hợp không thể trì hoãn, người chỉ huy của đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn; Người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo hoặc biên giới; Người chỉ huy máy bay, tàu biển, khi máy bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng cũng có quyền ra lệnh khám xét. Trong những trường hợp này, sau khi khám xong, người ra lệnh khám phải báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ [28, Điều 116].
- Trình tự, thủ tục tiến hành khám xét: khi khám xét, người tiến hành
khám xét phải đọc lệnh khám và đưa cho đương sự đọc lệnh khám đó, giải thích cho đương sự và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ. Tuy nhiên, trong trường hợp bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người đồ vật cần thu giữ thì có thể tiến hành khám người mà không cần có lệnh. Trước khi khám, người tiến hành khám xét phải yêu cầu đương sự đưa ra những đồ vật có liên quan đến vụ án, nếu đương sự từ chối thì tiến hành khám xét [28, Điều 117,118,119].
- Các lưu ý khi tiến hành hoạt động khám xét cụ thể: Bên cạnh căn cứ, thẩm quyền và trình tự thủ tục khám xét, BLTTHS 1988 cũng quy định về những trường hợp khám xét cụ thể (khám người, khám xét chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm, khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm…). Theo đó, khi khám người, người tiến hành khám xét phải thực hiện theo nguyên tắc: nam khám nam, nữ khám nữ và phải có người cùng giới chứng kiến [28, Điều 117]. Khi tiến hành khám chỗ ở, địa điểm, người tiến hành khám xét phải đảm bảo sự có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường hoặc thị trấn và người láng giềng chứng kiến; trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến. Không được khám chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Khi khám chỗ làm việc của một người: thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.Việc khám chỗ làm việc phải có đại diện của cơ quan hoặc tổ chức chứng kiến. Khi tiến hành khám chỗ ở, địa điểm, những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xong [28, Điều 118]; Khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện thì CQĐT ra lệnh thu giữ. Người thi hành lệnh phải thông báo cho người phụ trách cơ quan bưu điện hữu quan trước khi tiến hành thu giữ. Người phụ trách cơ quan bưu điện hữu quan phải giúp đỡ người thi hành lệnh thu giữ hoàn thành nhiệm vụ. Khi thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm phải có đại diện của cơ quan bưu điện chứng kiến và ký xác nhận vào biên bản. Cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết, trừ trường hợp việc thông báo cản trở điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra
lệnh thu giữ phải thông báo ngay [28, Điều 119]. Bên cạnh đó, tất cả các hoạt động khám xét cần phải được lập biên bản, ghi nhận lại toàn bộ những hoạt động đã thực hiện, có chữ ký xác nhận của các thành phần tham gia [28, Điều 120].
Như vậy, khi BLTTHS 1988 ra đời, các quy định về khám xét đã lần đầu tiên được điều chỉnh trong một BLTTHS thống nhất với các nội dung khá rõ ràng, chi tiết và chặt chẽ. Những quy định về khám xét này vừa thể hiện sự thống nhất, kế thừa của những văn bản trước như Luật số 103/SL-L005 ngày 20/5/1957, Nghị định 301 ngày 10/7/1957, Sắc luật số 02/SL-76 ngày 15/03/1976… vừa có những điểm tiến bộ, phát triển hơn. Những quy định này là cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan chức năng thực hiện hoạt động khám xét và cũng là cơ sở để bảo vệ quyền công dân.