2.1.3.1. Khám người
Khám người là việc tiến hành tìm tòi, lục soát trong người, quần áo đang mặc và các đồ vật đem theo, kể cả phương tiện đi lại của họ nhằm phát hiện và thu giữ công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do tội phạm mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Người bị khám xét có thể là bị can, người bị bắt trong các trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, người đang bị truy nã hoặc người có mặt tại nơi khám xét. Việc khám người chỉ được tiến hành khi có các căn cứ theo quy định tại Điều 140 BLTTHS. Trình tự, thủ tục tiến hành khám người được BLTTHS quy định như sau:
1. Khi bắt đầu khám người, phải đọc lệnh khám và đưa cho đương sự đọc lệnh khám đó, giải thích cho đương sự và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ.
2. Người tiến hành khám phải yêu cầu đương sự đưa ra những đồ vật có liên quan đến vụ án, nếu đương sự từ chối thì tiến hành khám xét.
Khi khám người, nam khám nam, nữ khám nữ và phải có người cùng giới chứng kiến [31, Điều 142].
Như vậy, hoạt động khám người được bắt đầu bằng việc đọc lệnh khám của người thi hành lệnh. Lệnh khám là một văn bản tố tụng, được ban hành bởi các cơ quan có thẩm quyền ra lệnh khám xét, bao gồm các nội dung cơ bản là: căn cứ ra lệnh, họ tên, địa chỉ của người bị áp dụng lệnh, các nội dung tiến hành khám xét. Đối với các trường hợp khám xét nói chung và khám người nói riêng, lệnh khám chính là cơ sở, căn cứ trực tiếp cho việc áp dụng. Do đó, việc quy định người thi hành lệnh khám xét phải đọc lệnh khám trước khi thi hành là hoàn toàn hợp tình, hợp lý, vừa khẳng định tính hợp pháp của cuộc khám xét, vừa đảm bảo sự tôn trọng các quyền công dân của pháp luật. Sau khi đọc xong lệnh khám, người thi hành lệnh phải giao lệnh khám cho đương sự đọc, đồng thời giải thích rõ quyền, nghĩa vụ của đương sự và những người có mặt. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khẩn trương, hiệu quả của hoạt động khám xét, việc khám người có thể tiến hành ngay, không cần có lệnh trong trường hợp bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người đồ vật, tài liệu cần thu giữ.
Bước tiếp theo trong thủ tục tiến hành khám người là người thi hành lệnh khám yêu cầu đương sự đưa ra những đồ vật có liên quan đến vụ án. Mục đích của việc làm này là nhằm kêu gọi, vận động sự tự giác, hợp tác của bản thân người bị áp dụng biện pháp điều tra khám người. Theo tinh thần của
khoản 2 Điều 142 BLTTHS thì trong trường hợp đương sự từ chối, không đưa ra những đồ vật có liên quan đến vụ án thì những người thi hành lệnh sẽ tiến hành khám xét. Như vậy, có thể hiểu, cuộc khám xét sẽ bị hủy bỏ trong trường hợp đương sự tự nguyện đưa ra những đồ vật có liên quan đến vụ án. Điều này là không hợp lý bởi lẽ nếu đương sự tự nguyện giao nộp một phần các tài liệu liên quan đến vụ án mà chưa đủ về số lượng hoặc không đảm bảo về chất lượng (chỉ là những tài liệu giả, không có giá trị chứng minh…) mà trên người của họ vẫn còn những tài liệu, đồ vật khác có liên quan đến vụ án thì phải chăng cuộc khám xét cũng sẽ bị hủy bỏ? Đây là nội dung mà các nhà làm luật Việt Nam cần phải xem xét, hoàn thiện khi sửa đổi BLTTHS.
Khi tiến hành khám xét người, những người thi hành lệnh thường tiến hành theo hai bước: khám xét sơ bộ và khám xét chi tiết. Trong đó, khám xét sơ bộ được tiến hành ngay sau khi bắt đối tượng nhằm mục đích tước vũ khí, chất độc và thu giữ vật chứng dễ tìm còn khám xét chi tiết được tiến hành ở nơi kín đáo như trụ sở của CQĐT, một căn phòng, một ngôi nhà hoặc bất kỳ một địa điểm kín đáo nào khác nhằm phát hiện những chứng cứ, tài liệu hoặc vật khác có liên quan đến vụ án, thường được các đối tượng cất giấu kỹ lưỡng trong cơ thể như: vàng, bạc, đá quý, kim cương, ma túy…
Trong quá trình khám người, những người thi hành lệnh khám phải tôn trọng và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tài sản của người bị khám, đặc biệt phải tuân thủ nguyên tắc: nam khám nam, nữ khám nữ và phải có người cùng giới chứng kiến. Nguyên tắc này vừa là nội dung quan trọng thể hiện sự tôn trọng, đề cao thân thể con người vừa phản ánh tính nhân văn, tiến bộ, ưu Việt của pháp luật Việt Nam so với pháp luật của một số nước khác trên thế giới, trong đó có Nhật Bản bởi pháp luật của Nhật Bản không điều chỉnh nội dung này.
Trong thực tiễn tiến hành hoạt động khám xét nói chung và khám người nói riêng, các cơ quan có thẩm quyền phải căn cứ vào những trường hợp cụ
thể khác nhau để bố trí số lượng cán bộ khám xét phù hợp. Thông thường, khi khám xét một đối tượng thì một người trực tiếp khám xét và một người chứng kiến. Khi cần khám xét nhiều đối tượng thì số lượng cán bộ trực tiếp khám xét và bảo vệ cuộc khám xét cần ở mức độ đủ để hoạt động khám xét được tiến hành an toàn, nhanh chóng và hiệu quả.
Khi kết thúc hoạt động khám người, các cơ quan, cá nhân thi hành lệnh khám phải có trách nhiệm lập biên bản khám người theo quy định tại Điều 148 BLTTHS năm 2003. Trong biên bản phải ghi rõ địa điểm, ngày, giờ, tháng, năm tiến hành khám người, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động khám người, những đồ vật, tài liệu thu được, những người tiến hành, tham gia, bị áp dụng hoặc có liên quan đến hoạt động khám người, những khiếu nại, yêu cầu và đề nghị của họ. Sau khi biên bản được lập xong, người thi hành lệnh khám người phải đọc cho đương sự và những người chứng kiến hoặc có mặt cùng nghe và yêu cầu họ ký tên vào biên bản.
Như vậy, có thể thấy rằng khám người là một biện pháp điều tra mang tính cưỡng chế trong tố tụng hình sự, tác động trực tiếp đến quyền được tôn trọng về thân thể của cá nhân. Do đó, việc khám xét người cần phải được tiến hành đúng quy định của pháp luật.
2.1.3.2. Khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm
Chỗ ở được hiểu là nơi một người hoặc một gia đình sử dụng làm nơi cư trú như căn nhà, phòng trọ, nhà nghỉ, khách sạn… và những vùng phụ cận đi kèm như các công trình vệ sinh, nhà bếp, nhà tắm hoặc sân, vườn…
Chỗ làm việc có thể hiểu là nơi một cá nhân sử dụng để thực hiện các công việc của mình, đó có thể là phòng làm việc của một cơ quan nhà nước, của một tổ chức công, tư nhân hoặc một góc làm việc riêng nhất định.
Địa điểm được hiểu là những nơi nằm ngoài chỗ ở, chỗ làm việc của cá nhân như bụi cây, bờ cỏ, cống, rãnh, hang động, hầm, hố, khu vực rác thải…
Như vậy, khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm là việc tiến hành tìm tòi, lục soát những ngôi nhà, căn phòng, góc làm việc, những vùng phụ cận hoặc những khu vực khác như: bụi cây, bờ cỏ, cống, rãnh, hang động, khu vực rác thải… nhằm phát hiện và thu giữ công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do tội phạm mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án hoặc phát hiện người đang bị truy nã, người bị bắt cóc hoặc tử thi, các phần của tử thi.
Do việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm có phạm vi rộng, phức tạp nên trước khi tiến hành khám, các cơ quan thi hành lệnh luôn phải nghiên cứu kỹ lưỡng những thông tin, tài liệu liên quan đến đối tượng khám xét, từ đó, đưa ra những định hướng, dự kiến cụ thể cho việc khám xét như xác định những nơi quan trọng, cần khám trước, khám kỹ lưỡng, tránh việc khám xét tràn lan. Khi tiến hành khám xét, các cơ quan tiến hành cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền tại Điều 140, 141 BLTTHS đã được phân tích ở những phần trên.
Trình tự thủ tục khám xét chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm được thực hiện giống như trình tự thủ tục khám người quy định tại Điều 142 BLTTHS. Theo đó, hoạt động khám xét này cũng được bắt đầu bằng việc đọc lệnh khám, giao lệnh khám cho người bị khám xét, đọc và giải thích các quyền và nghĩa vụ cho đương sự và những người có mặt biết của người thi hành lệnh khám và kết thúc bằng việc lập biên bản cuộc khám xét.
Do biện pháp khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm có tác động trực tiếp đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân vốn được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận và bảo vệ, do đó khi tiến hành hoạt động khám xét này, cơ quan thi hành lệnh phải tuân thủ các nguyên tắc riêng được quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 của Điều 143 BLTTHS năm 2003. Theo những quy định này, khi khám xét chỗ ở, địa điểm phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện của chính quyền xã phường, thị trấn và người
láng giềng chứng kiến, trừ trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì có thể tiến hành khám xét chỗ ở, địa điểm khi có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến. Khi khám xét chỗ làm việc của một người phải có sự có mặt của người đó (trừ trường hợp không thể trì hoãn) và đại diện của cơ quan, tổ chức chứng kiến việc khám xét. Sự có mặt của những người chứng kiến trong hoạt động khám xét đã bảo đảm tính công khai, khách quan của hoạt động này.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 143 BLTTHS thì việc khám chỗ ở không được tiến hành vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn. Ban đêm được xác định là khoảng thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau [31, Điều 96]. Đây là khoảng thời gian nghỉ ngơi riêng tư của mỗi người, cần phải được tôn trọng, do đó việc pháp luật ghi nhận không tiến hành khám chỗ ở vào thời gian này là phù hợp với thực tế và một số quy định khác có liên quan.
Bên cạnh đó, khi tiến hành khám xét chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm, các cơ quan thi hành lệnh khám cần tập trung những người có mặt tại nơi khám xét lại một chỗ, giám sát chặt chẽ họ, không để họ tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không cho họ liên hệ, trao đổi với nhau hoặc những người khác cho đến khi khám xong [31, Điều 143, khoản 5]. Điều này nhằm đảm bảo cho cuộc khám xét được tiến hành thuận lợi, ngăn ngừa khả năng tiêu hủy những vật chứng của vụ án hoặc việc thông báo, đánh động cho các đối tượng khác của những người bị áp dụng.
Trong thực tiễn thực hiện hoạt động khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của các cơ quan chức năng cho thấy, người bị áp dụng lệnh khám thường sử dụng những thủ đoạn rất tinh vi, khôn khéo để cất giấu vật chứng liên quan đến vụ án, cản trở hoạt động khám xét. Do vậy, đòi hỏi các cơ quan thi hành lệnh phải khám kỹ lưỡng, chi tiết, quan sát tỉ mỉ, để ý đến những thay đổi của nơi
khám xét. Ví dụ, khi khám xét chỗ ở, thì phải để ý đến sự cùng loại của các vật liệu cấu tạo, khi kiểm tra nền gạch thì sẽ kiểm tra độ vững chắc của từng viên gạch, đặc điểm của vữa nếu có sự khác nhau, có thể đối tượng đã cất giấu thứ gì đó ở trong và xây lại… kiểm tra kỹ lưỡng những chỗ dơ bẩn như cống rãnh, đường ống thoát nước của ngôi nhà, hay thùng rác… và những nơi thường không để ý đến như kẽ ghế, trong quyển sách, sau tranh ảnh, trong túi quần áo đang phơi… Tuy nhiên, việc tiến hành khám xét cũng phải đảm bảo không gây thiệt hại về tài sản của đương sự và tôn trọng phong tục tập quán của gia đình, địa phương nhất là khi khám xét bàn thờ tổ tiên, bàn thờ chúa…
Trong quá trình thi hành lệnh khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm, các cơ quan thi hành có thể sử dụng các phương tiện kỹ thuật trợ giúp nghiệp vụ như: máy dò kim loại, máy dò vàng, máy tìm xác chết, chó nghiệp vụ, thợ lặn…
Cũng giống như hoạt động khám người, khi kết thúc hoạt động khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm, các cơ quan, cá nhân thi hành lệnh khám phải lập biên bản, có chữ ký của những người thi hành, đương sự cũng như những người có thẩm quyền chứng kiến, sau đó đọc nội dung biên bản cho họ cùng nghe theo quy định của pháp luật.
2.1.3.3. Khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm
Theo khoản 2 Điều 21 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc, mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác. Bởi vậy, việc khám xét, thu giữ thư tín, điện tín bưu kiện, bưu phẩm của công dân phải do người những người có thẩm quyền tiến hành theo những trình tự, thủ tục quy định tại BLTTHS năm 2003. Theo điều luật này, “khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu
cần thiết trong trường hợp này được hiểu là khi có những căn cứ để nhận định rằng những tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án đang ở trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm và cần phải thu giữ. Lệnh khám xét, thu giữ này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi tiến hành. Trong trường hợp không thể trì hoãn, lệnh thu giữ của CQĐT không bắt buộc phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát song người thi hành lệnh phải ghi rõ lý do không thể trì hoãn vào biên bản và sau khi thu giữ phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.
Do đối tượng của hoạt động khám xét, thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm là bưu kiện, bưu phẩm, điện tín, thư tín đang nằm trong sự quản lý của cơ quan bưu điện, chưa được giao cho người nhận nên trước khi tiến hành khám xét, thu giữ, người thi hành lệnh phải thông báo cho người phụ trách cơ quan bưu điện hữu quan biết và phải có đại diện của cơ quan bưu điện chứng kiến việc thu giữ, khám xét [31, Điều 144]. Sau khi tiến hành lệnh thu giữ, CQĐT phải có trách nhiệm thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu phẩm, bưu kiện bị thu giữ biết. Nếu việc thông báo này gây cản trở hoạt động điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, CQĐT có lệnh thu giữ phải thông báo ngay theo quy đinh tại đoạn 4 Điều 144 BLTTHS. Quy định này của Bộ luật đã thể hiện sự tôn trọng quyền được biết của các cá nhân về tình trạng tài sản, vật dụng thuộc quyền sở hữu của mình của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, quy định này cũng bộc lộ một số điểm chưa hợp lý: thứ nhất, điều luật không có quy định hướng dẫn chi tiết về thời hạn, cách thức, thủ tục thông báo về việc thu giữ, khám xét của CQĐT cho những người có thư tín, điện tín, bưu phẩm, bưu kiện bị thu giữ biết; thứ hai, không
có quy định cụ thể những trường “gây cản trở hoạt động điều tra” và CQĐT